Mắc COVID-19 từ cuối tháng 2, tới chiều 8.6, bé trai Hà Nội mới được ra viện. Trong 100 ngày nằm viện, bé có tới 41 ngày can thiệp ECMO. Đã có lúc, người nhà em chuẩn bị tâm lý có thể mất con bất cứ lúc nào.
Bé trai 12 tuổi ở Phúc Thọ, Hà Nội được đánh giá là một trong những ca nguy kịch nhất thời gian qua, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương
Bé trai 12 tuổi ở Phúc Thọ, Hà Nội được đánh giá là một trong những ca nguy kịch nhất thời gian qua, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.
Không bệnh nền, chưa tiêm vaccine, 6 ngày đầu mắc COVID-19, bé chỉ bị ho, sốt, nhưng điều trị tại nhà không hiệu quả nên ngày 2.3, bé nhập viện Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội).
Đến đêm 19.3, tức là ngày thứ 18 nằm viện, bé nguy kịch hơn, tràn khí màng phổi cả hai bên, phổi gần như không hoạt động.
"Các bác sĩ hồi sức của Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đã không bỏ cuộc khi cháu bị tràn khí màng phổi. Áp lực đường thở quá lớn, máy thở không thể bơm nổi. Gần một đêm, đồng nghiệp ở Xanh Pôn đã kiên trì bóp bóng trợ thở, cố giữ bằng được để kịp chuyển bé sang Bệnh viện Bệnh nhiệt đới can thiệp ECMO", BS Đồng Phú Khiêm, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, chia sẻ.
Khi nhập viện Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương vào rạng sáng 20.3, chỉ số SpO2 (nồng độ oxy máu) của bé chỉ đạt 80% (trong khi bình thường phải từ 96% trở lên), bị chảy máu dưới da, niêm mạc rất nhiều, xuất hiện bão cytokine. Các bác sĩ đánh giá bé rất nguy kịch, phức tạp.
"Trước ngày bé nhập viện, tất cả các máy ECMO của viện đã được dùng cho nhiều bệnh nhân khác. May mắn, một bệnh nhân cai thành công ECMO, em bé có cơ hội được sử dụng ngay khi xe cấp cứu vừa dừng ở viện", BS Phạm Văn Phúc, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực chia sẻ.
Bệnh nhi phụ thuộc hoàn toàn vào máy ECMO - phương pháp hỗ trợ cao nhất. Ngoài ra, bé còn bị chảy máu dưới da và trong nội tạng nhưng vẫn phải sử dụng thuốc chống đông máu để máy ECMO hoạt động được.
BS Phúc cho hay có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nặng như vậy. Trong đó, các thầy thuốc hướng đến nhất là cháu bị bội nhiễm, tức là nhiễm trùng các căn nguyên virus, vi khuẩn khác cùng với COVID-19.
Bệnh nhi nguy kịch ngày nhập viện Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và hạnh phúc ngày xuất viện chiều 8.6
Ê kíp phải theo dõi rất sát, căn chỉnh lượng thuốc chống đông máu. Nếu thuốc chỉ thừa ra một chút, tình trạng chảy máu của bé sẽ trầm trọng hơn. Ròng rã 1 tuần, các bác sĩ điều trị phổi lành vết thương, không còn tràn khí...
Bão cytokine tấn công khiến bé bị tổn thương đa tạng như suy thận, suy tim, tăng áp động mạch phổi, phổi xơ hóa. Vì thế, quá trình cai máy ECMO cho cậu bé này gặp nhiều khó khăn nhưng các bác sĩ không bỏ cuộc.
Sau 41 ngày điều trị, chạy ECMO, bé cai thành công, tiếp tục điều trị hồi sức tích cực. Tổng cộng quãng thời gian bé điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương là 81 ngày.
Nay bé đã hồi phục, có thể thở bình thường, ngồi dậy chơi đùa. BS Phúc cho biết, cơ thể em còn di chứng trong quá trình điều trị, như tổn thương tim mạch, di chứng sau chảy máu não... Do đó, bệnh viện chuyển bé đến Bệnh viện Nhi Trung ương để tiếp tục điều trị.
Theo Sức khỏe và Đời sống