Bóng đá hấp dẫn bởi yếu tố bất quy tắc. Có những thương vụ "xúc phạm người nghèo" gây thất vọng, nhưng cũng có những thương vụ 0 đồng thành công ngoài sức tưởng tượng.
ESTEBAN CAMBIASSO ĐẾN INTER MILAN/LEICESTER
Hai lần bị đẩy đi như một món hàng "từ thiện", Cambiasso đều thành công như một thương vụ bạc triệu. Lần đầu từ Real Madrid sang Inter Milan năm 2004. Khuất lấp bởi Dải thiên hà của đội bóng Hoàng gia, Cambiasso đến Ý và trở thành rường cột giúp Inter giành 5 Scudetto, bao gồm cú ăn ba lẫy lừng mùa 2009/10.
Sau gần 10 năm gắn bó với Inter, tiền vệ người Argentina chuyển sang Leicester, cũng theo dạng chuyển nhượng tự do. Cambiasso góp công lớn giúp Bầy cáo trụ hạng trong mùa giải đầu tiên. Mùa tiếp theo, họ làm nên lịch sử với chức vô địch Ngoại hạng Anh 2015/16.
JAMES MILNER ĐẾN LIVERPOOL
Milner là cái tên đầy mâu thuẫn của bóng đá Anh trong thập kỷ vừa qua. Tiền vệ mẫn cán này sẽ không được chọn vào đội hình tiêu biểu của bất kỳ đội bóng nào từng khoác áo, bao gồm Man City và Liverpool, nhưng đồng thời anh lại là một trong những nhân vật quan trọng và có ảnh hưởng lớn nhất ở cả hai đội bóng.
Có lẽ sự quá đa năng đã ảnh hưởng lớn đến danh tiếng của Milner. Cầu thủ này gia nhập Liverpool theo dạng chuyển nhượng tự do vào năm 2015 với vai trò tiền vệ biên, sau đó anh đều thành công ở vị trí tiền vệ tổ chức lùi sâu, tiền vệ tổ chức giữa sân... và cả hai vị trí hậu vệ biên.
HENRIK LARSSON ĐẾN BARCELONA
Larsson có một sự nghiệp viên mãn tại Celtic, với 242 pha lập công sau 313 trận, và ra đi vào mùa hè 2004. Tuy nhiên, tiền đạo Thụy Điển vẫn quyết định chinh phục thử thách mới ở cái tuổi toan về già. Larsson đầu quân cho Barca và khoác áo gã khổng lồ xứ Catalan trong 2 mùa. Tại đây, anh hoàn thành xuất sắc vai trò siêu dự bị, với dấu ấn lớn nhất là 2 pha kiến tạo trong trận chung kết Champions League 2005/06.
RUUD GULLIT ĐẾN CHELSEA
Gullit từng giành Qủa bóng vàng 1987 và phá kỷ lục chuyển nhượng thế giới, khi gia nhập Milan từ PSV với mức phí 6 triệu bảng. Tuy nhiên, khi gia nhập Chelsea theo dạng chuyển nhượng tự do vào năm 1995, huyền thoại người Hà Lan đã đi qua thời đỉnh cao. Trong một mùa khoác áo The Blues, Gullit không giành được bất kỳ danh hiệu nào và chỉ kết thúc ở vị trí thứ 11 tại Ngoại hạng Anh.
Mặc dù vậy, sau khi Gullit được bổ nhiệm làm HLV kiêm cầu thủ vào năm 1996, Chelsea lần lượt cán đích ở vị trí thứ 6 và thứ 4 đồng thời vô địch FA Cup. Một khía cạnh khác, thương vụ Gullit mang tính biểu tượng, đánh dấu sự mở cửa và thu hút những ngôi sao trên toàn thế giới của Ngoại hạng Anh. Nói cách khác, sự xuất hiện của huyền thoại Hà Lan đã ảnh hưởng đến cả một thế hệ sau này.
STEVE MCMANAMAN ĐẾN REAL MADRID
McManaman nhận thức được sự khác biệt lớn giữa Anh và Tây Ban Nha. Tại quê nhà, trong 9 năm khoác áo Liverpool, McManaman tạo dựng danh tiếng là cầu thủ chạy cánh khôn ngoan, khéo léo nhưng mỏng manh. Sang Real Madrid theo dạng chuyển nhượng tự do năm 1998, McManaman được xem như một cầu thủ bình phàm, người phải chạy chỗ cho những đồng đội chơi bóng tư duy hơn xung quanh.
Tuy nhiên, nhờ vậy McManaman được yêu mến ở Real. Và đến khi cầu thủ này ra đi năm 2003, anh là người Anh thành công nhất (tính theo danh hiệu) từng chơi ở nước ngoài, với 2 danh hiệu La Liga, 2 chức vô địch Champions League, 1 Siêu cúp Tây Ban Nha và 1 Siêu cúp châu Âu.
ROBERTO BAGGIO ĐẾN BOLOGNA/BRESCIA
Quy luật tự nhiên là cầu thủ giỏi sẽ đến đội bóng lớn và trải qua những năm tháng đỉnh cao nhất tại đó. Nhưng bóng đá bất quy tắc và Baggio là minh chứng. Đuôi ngựa thần thánh đã tạo ra ma thuật tại Juventus, Milan và Inter nhưng không bao giờ thực sự thoải mái tại những ông lớn này.
Tuy nhiên, tại Bologna và Brescia, những đội bóng Baggio đến theo dạng miễn phí từ Milan và Inter, Đuôi ngựa thần thánh đều thi đấu ổn định và trải qua những mùa giải bùng nổ nhất sự nghiệp. Baggio ghi 22 bàn cho Bologna tại Serie 1997/98, mùa duy nhất khoác áo đội bóng này, và kết thúc sự nghiệp tại Brescia, sau 4 mùa tỏa sáng với 46 bàn sau 101 trận.
LUIS ENRIQUE ĐẾN BARCELONA
Hiếm khi Real Madrid và Barcelona chuyển nhượng cầu thủ với nhau. Đình đám nhất là Luis Figo. Tuy nhiên, Barca cũng có thể tự hào với một Luis khác, Luis Enrique. Nếu Real mất tới 62 triệu euro để có Figo thì Barca có Luis Enrique từ đại kình địch hoàn toàn miễn phí vào mùa Hè 1996. Với những đóng góp lớn lao của Enrique, Barca giành 2 danh hiệu La Liga. Chưa dừng lại, ông còn là HLV dẫn dắt Barca đến cú ăn ba vào năm 2015.
SOL CAMPBELL ĐẾN ARSENAL
Năm 2001, thời điểm vụ chuyển nhượng này xảy ra, đó là cú sốc cực lớn. Một cầu thủ trưởng thành từ lò đào tạo trẻ, gắn bó suốt 12 năm với Tottenham lại nhảy sang cừu thù Arsenal, ngay khi hết hợp đồng, dù nhiều lần tuyên bố ở lại. Dù vậy, không thể phủ nhận Campbell là một trong những trung vệ xuất sắc nhất thế giới lúc bấy giờ.
Với Campbell, HLV Arsene Wenger đã xây dựng được một hàng thủ vững vàng, nền tảng tạo đên đạo quân Bất khả chiến bại lẫy lừng ở mùa 2003/04.
ANDREA PIRLO ĐẾN JUVENTUS
Cuối mùa 2010/11, Pirlo dính chấn thương và khi trở lại, vị trí thủ lĩnh hàng tiền vệ đã bị đánh chiếm bởi Mark van Bommel, một cầu thủ sung mãn và mạnh mẽ hơn. Vì vậy, BLĐ Milan chỉ chấp nhận ký mới hợp đồng 1 năm với Pirlo, dù tiền vệ này muốn hợp đồng 3 năm.
Bị chạm vào lòng tự ái vốn rất cao, Pirlo quyết định ra đi và Juventus nhanh tay chộp được nhạc trưởng tài ba này. Buffon, thủ thành huyền thoại của Juve gọi Pirlo là bản hợp đồng thế kỷ, vì với linh hồn này, Lão bà giành 4 Scudetto, 3 cúp quốc gia và lọt vào chung kết Champions League 2014/15.
LEWANDOWSKI ĐẾN BAYERN MUNICH
Tương tự thương vụ Campbell, Dortmund đã mất trắng Lewandowski cho kình địch Bayern Munich vào mùa Hè 2014. Từ đó đến nay, tiền đạo người Ba Lan là chân sút chủ lực của Hùm xám, đóng góp 230 bàn sau 275 trận, một hiệu suất vô cùng khủng khiếp. Nhờ thành tích đó, Lewandowski 4 lần giành danh hiệu Vua phá lưới còn Bayern 5 năm liên tiếp đăng quang Bundesliga.
Theo Bongdaplus