Cùng khám phá 10 sự thật gây bất ngờ về khối lập phương ma thuật Rubik, từ sự ra đời ngẫu nhiên đến những con số gây kinh ngạc, cũng như những kỷ lục thú vị của thứ đồ chơi không bao giờ lỗi thời này.
Rubik, một khối xếp hình 3D đầy màu sắc, đã làm say mê và thách thức mọi người trên khắp thế giới trong nhiều thập kỷ.
Kể từ khi được phát minh vào những năm 1970, khối xếp hình mang tính biểu tượng này đã phát triển từ một món đồ chơi đơn giản thành một hiện tượng văn hóa mang tính lan tỏa toàn cầu.
Rubik không chỉ là một món đồ chơi, nó là một thử thách về sự kiên nhẫn, khéo léo và tư duy logic nhanh nhạy. Cùng khám phá 10 sự thật gây bất ngờ về Rubik, từ sự ra đời ngẫu nhiên, những con số gây kinh ngạc cũng như những kỷ lục thú vị của thứ đồ chơi không bao giờ lỗi thời này.
Những khối Rubik mà chúng ta biết ngày nay ban đầu được gọi là Magic Cubes – Khối lập phương ma thuật. Vào những năm 1970, một giáo sư và cũng là kiến trúc sư người Hungary tên là Erno Rubik, đã phát minh ra phiên bản Rubik đầu tiên bằng gỗ và kẹp giấy với vai trò như một công cụ hỗ trợ giảng dạy để giúp học sinh của mình hiểu hình học ba chiều.
Một trong những thú vị đầu tiên về Rubik là người phát minh ra nó phải cả tháng trời tìm ra các bước chính xác để xếp khối lập phương trở lại trạng thái ban đầu sau khi xáo trộn nó. Sự phức tạp nhưng đầy thú vị của việc xếp hình khối lập phương ma thuật ngay lập tức khiến nhiều người say mê.
Đến năm 1980, khi trò chơi xếp hình Magic Cubes được cấp phép cho Ideal Toy Corporation để phân phối quốc tế, tên của khối lập phương ma thuật được đổi thành "Rubik's Cube" để vinh danh người sáng tạo ra nó.
Rubik đã trở thành món đồ chơi hot nhất ở Hungary và sức hấp dẫn của nó nhanh chóng lan sang các quốc gia khác, dẫn đến một cơn sốt trên toàn thế giới.
Rubik tiêu chuẩn là một khối lập phương được ghép lại từ 27 khối lập phương nhỏ hơn, diện tích 3x3x3 với các mặt khối lập phương nhỏ mang màu khác nhau.
Cách chơi Rubik là bạn có thể xáo trộn tùy thích các ô màu của khối rubik, sau đó bạn phải xoay khối lập phương sao cho mỗi mặt 3x3 của nó có cùng màu trong thời gian nhanh nhất.
Trong 3 năm đầu tiên phát hành, trên toàn thế giới tiêu thụ 100 triệu khối lập phương Rubik, khiến khối lập phương ma thuật này trở thành món đồ chơi bán chạy nhất mọi thời đại.
Năm 1981, một cậu bé 13 tuổi người Mỹ tên Patrick Bossert đã phát hành một cuốn sách tên “You Can Do the Cube” để hướng dẫn người chơi giải Rubik.
Cuốn sách bán được đến hơn 1,5 triệu bản và trở thành cuốn sách bán chạy nhất thời bấy giờ. Hiện nay, bạn vẫn có thể mua được cuốn sách này cả dưới dạng sách lẫn ebook.
Khối lập phương ma thuật này có tới hơn 43 tỷ tỷ các tổ hợp hình khối (con số chính xác là 43.252.003.274.489.856.000). Để so sánh, chỉ có khoảng 7,5 tỷ tỷ (7.500.000.000.000.000.000) hạt cát trên tất cả các bãi biển và sa mạc trên Trái Đất.
Điều đáng ngạc nhiên là ngay sau khi đồ chơi này ra mắt vào năm 1981, người ta ước tính rằng số bước di chuyển ít nhất để có thể giải khối Rubik là 52. Vào năm 2010, một nhóm các nhà toán học và nhà lập trình máy tính đã sử dụng siêu máy tính của Google để tìm ra các bước giải Rubik và kết quả là chỉ cần 20 lần xoay thay vì 52 như trước đây.
Có một sự thật là không nhiều người trên thế giới có thể giải được khối Rubik. Trang web chính thức của Rubik ước tính rằng chỉ có 5,8% dân số thế giới có thể giải được Rubik nên nếu bạn từng xoay được 6 mặt màu của Rubik thì hãy tự hào vì mình nằm trong tỷ lệ ít ỏi đó.
Khối Rubik hiện nay đã có rất nhiều hình dạng và kích cỡ khác nhau. Xét riêng về hình dạng lập phương, người ta có thể tạo ra khối Rubik 2x2, rubik 3x3, 4x4, 5x5... cho đến vô hạn cubies (mảnh ghép).
Điều đặc biệt của Rubik lập phương là dù lớn như thế nào đi nữa thì nó cũng chỉ có cấu tạo lõi 6 chiều giống nhau.
Dựa trên chủ nghĩa lập thể đã tồn tại từ lâu trong giới nghệ thuật, sự xuất hiện của khối lập phương rubik đã dẫn đến một biến thể mới - chủ nghĩa lập thể Rubik.
Tên gọi này cho thấy việc sử dụng các khối rubik hoàn hảo để tạo hiệu ứng khảm trong các tác phẩm nghệ thuật.
Vào năm 2009, nghệ sỹ người Canada Josh Chalom đã tái hiện bức tranh “Bữa tối cuối cùng” của Leonardo Da Vinci bằng cách sử dụng hơn 4.000 khối rubik ghép lại, sau đó là bức tranh “Bàn tay của Chúa” của Michelangelo gồm hơn 12.000 khối rubik và nặng tới một tấn.
Kỷ lục giải Rubik nhanh nhất
Từ khi ra đời tới nay, Rubik ngày càng trở nên nổi tiếng và phổ biến, trở thành một trong những trò chơi được chơi nhiều nhất trên thế giới.
Các biến thể Rubik và các phương pháp giải liên tục ra đời. Những kỷ lục xoay Rubik liên tục bị phá vỡ hàng năm.
Kỷ lục Guinness về xoay Rubik nhanh nhất hiện nay thuộc về Max Park (Mỹ), người khi giải thành công khối Rubik 3x3x3 chỉ trong 3,13 giây tại cuộc thi giải Rubik Pride in Long Beach năm 2023, vượt qua kỷ lục gia Yusheng Du (Trung Quốc) - người đang nắm giữ kỷ lục Guinness ở nội dung này với thành tích 3,47 giây vào năm 2018.
Theo Guinness, Max Park cũng đang nắm giữ "gần như tất cả" kỷ lục về giải Rubik. Ngoài thành tích vừa xác lập, anh cũng là chủ nhân của các kỷ lục thế giới về giải Rubik ở nội dung khối 4x4x4, 5x5x5, 6x6x6 và 7x7x7.
Khối Rubik đắt giá nhất thế giới
Năm 1995, nhân kỷ niệm 15 năm ra đời trò chơi Rubik, Công ty Diamond Cutters International đã cho ra mắt một khối Rubik kiệt tác được dát vàng 18 carat và gắn kim cương cùng nhiều loại đá quý, trị giá lên tới 1,5 triệu USD vào thời điểm bấy giờ
Mỗi mặt màu sắc của Rubik được sắp xếp tinh xảo với màu trắng từ kim cương, màu xanh lá cây từ ngọc lục bảo, màu đỏ từ hồng ngọc, màu tím của thạch anh tím...
Điều đặc biệt là khối Rubik đắt giá này hoàn toàn có thể chơi được bình thường như mọi khối Rubik thông thường nào khác.
Khối Rubik lớn nhất thế giới
Trong kỳ xuất bản lần thứ 65 của Sách Kỷ lục Guinness, thuộc niên giám năm 2021 phát hành vào đầu tháng 9/2020, ở chuyên mục "Sáng tạo của con người" đã ghi nhận khối Rubik do nhà thiết kế nổi tiếng người Anh Tony Fisher chế tạo, với kích thước mỗi cạnh 2,03m và là khối Rubik lớn nhất thế giới.
Khối Rubik nhỏ nhất thế giới
Tony Fisher đồng thời cũng được lưu danh vào Sách Guinness với kỷ lục là người sáng chế khối rubik nhỏ nhất thế giới có kích thước là 0,56cm x 0,56cm x 0,56cm, chỉ có thể xoay được dưới sự trợ giúp của… nhíp nhổ râu.
T.H (theo TTXVN)