Thủ tướng dự Lễ khánh thành Nhà máy Thủy điện Bảo Lâm 1; Ngày hội "Chủ nhật đỏ" lần thứ IX năm 2017... là những sự kiện nổi bật ngày 8-1.
Ngày 8-1, tại huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến dự Lễ khánh thành Nhà máy Thủy điện Bảo Lâm 1; thăm và tặng quà cho người nghèo, các gia đình chính sách tại xã Lý Bôn; thăm Trường PTDT và trường THPT dân tộc nội trú Bảo Lâm… Trong ảnh: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cắt băng khánh thành nhà máy thủy điện Bảo Lâm 1. Ảnh: Thống Nhất - TTXVN
Ngày 8-1, tại Cần Thơ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cùng lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương đi khảo sát Tân Cảng Cái Cui thuộc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn và Chi nhánh Cảng Cái Cui thuộc Công ty CP Cảng Cần Thơ.
Trong ảnh: Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khảo sát tại Tân Cảng Cái Cui.
Ảnh: Thanh Liêm – TTXVN
Ngày 8-1, Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch đến kiểm tra thực tế tại công trường triển khai Dự án xử lý chất độc hoá học Điôxin tại sân bay Đà Nẵng.
Trong ảnh: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch kiểm tra khu xử lý chất độc hoá học Điôxin tại sân bay Đà Nẵng.
Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN
Ngày 8-1, tại nhiều địa phương trên cả nước diễn ra các hoạt động hưởng ứng chương tình hiến máu tình nguyện Ngày hội "Chủ nhật đỏ" lần thứ IX năm 2017 với chủ đề Hiến máu cứu người "Sinh mệnh của bạn và tôi" do Báo Tiền Phong phối hợp Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, Viện Huyết học Truyền máu Trung ương và Ban chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện các tỉnh/thành phố tổ chức. Đây là sự kiện có ý nghĩa nhân văn sâu sắc nhằm góp phần quan trọng khắc phục tình trạng khan hiếm máu cho điều trị tại các cơ sở y tế trong dịp giáp Tết Nguyên đán Đinh Dậu.
Trong ảnh: Thanh niên, sinh viên Thừa Thiên Huế tham gia hiến máu tại lễ hội.
Ảnh: Tường Vi - TTXVN
Ngày 8-1, tại TP Hà Giang diễn ra lễ động thổ công trình cầu Yên Biên. Đây là công trình trọng điểm do dự án tín dụng ngành giao thông vận tải để cải tạo mạng lưới đường quốc gia sử dụng nguồn vốn vay của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) kết hợp với nguồn vốn đối ứng bằng ngân sách Nhà nước triển khai để xây dựng các cầu mới thay thế các cầu cũ đã yếu. Công trình cầu Yên Biên bắc qua dòng sông Lô được thiết kế vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực. Chiều dài toàn cầu 114 m, gồm 3 nhịp, chiều rộng toàn cầu 15 m, riêng phần xe chạy là 11 m; xây dựng, hoàn thiện đường dẫn hai đầu cầu nối liền giữa đường Nguyễn Trãi với đường Nguyễn Thái Học, TP Hà Giang. Dự kiến xây dựng trong 7 tháng và phấn đấu hoàn thành vào tháng 8-2017.
Trong ảnh: Các đại biểu động thổ khởi công xây dựng cầu Yên Biên.
Ảnh: Minh Tâm – TTXVN
Vào lúc 14 giờ 22 ngày 8-1, tại cầu cảng Lữ đoàn 161 thuộc Vùng 3 hải quân (Đà Nẵng), tàu 952 của Vùng 3 Hải quân đã cứu nạn và lai dắt thành công tàu cá ĐNa 90307 TS cùng 10 ngư dân gặp nạn trên biển về đất liền an toàn tại Đà Nẵng. Hiện sức khoẻ của các ngư dân vẫn bình thường. Bộ Tư lệnh Vùng 3 đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà động viên các ngư dân gặp nạn. Trước đó lúc 16 giờ ngày 7-1-2017 Sở chỉ huy Vùng 3 Hải quân nhận được thông tin tàu cá ĐNa 90307TS bị hỏng máy, thả trôi trên biển, cách Đông Bán đảo Sơn Trà thành phố Đà Nẵng khoảng 138 hải lý; trên tàu có 10 thuyền viên, do ông Nguyễn Phú Hùng (ở phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê, Đà Nẵng) làm thuyền trưởng. Ngay sau khi nhận thông tin Bộ Tư lệnh Vùng 3 đã điều tàu 952 đi cứu nạn khẩn cấp, đến 17 giờ 15 cùng ngày thì tiếp cận được tàu bị nạn và kiểm tra chăm sóc sức khoẻ cho các ngư dân và tiến hành lai dắt tàu bị nạn về bờ.
Trong ảnh: Tàu 952 cứu nạn và lai dắt tàu cá ĐNa 90307TS về bờ an toàn tại Đà Nẵng.
Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN
Truyền thông nhà nước Syria đưa tin, Chính phủ nước này đã thông qua một kế hoạch nhằm khôi phục các dịch vụ, ngành công nghiệp và an ninh của thành phố miền Bắc Aleppo bị chiến tranh tàn phá. Theo nguồn tin, Chính phủ Syria có kế hoạch khôi phục việc cung cấp điện, nước và nhiên liệu, đánh giá xem những tòa nhà nào có thể sửa được và mở thêm các tuyến đường mới để giúp người dân sớm ổn định cuộc sống, tái thiết sau nội chiến. Bên cạnh đó, chính quyền của Tổng thống Basha al-Assad cũng thông qua một kế hoạch khẩn cấp do Bộ Giáo dục đệ trình nhằm khôi phục 50 trường học tại khu vực phía đông TP Aleppo trong vòng 6 tháng. Kế hoạch cũng bao gồm việc phục hồi 5 trung tâm y tế và 2 bệnh viện cũng như trùng tu sân bay quốc tế của Aleppo và 18 km đường ray xe lửa. Ngoài ra, Chính phủ Syria dự định khôi phục các ngành công nghiệp chính ở Aleppo, thành phố trước chiến tranh từng là một trung tâm thương mại và công nghiệp của nước này.
Trong ảnh (tư liệu): Toàn cảnh TP Aleppo ngày 17-3-2006.
Ảnh: AFP/TTXVN
Pháp cũng có nguy cơ bị tấn công mạng từ nước ngoài và do đó quân đội nước này sẽ tăng cường các nguồn lực để ngăn chặn, phòng ngừa các vụ tấn công tiềm tàng này. Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian tuyên bố như vậy trong một cuộc trả lời phỏng vấn tuần báo "Le Journal du Dimanche" ngày 8-1. Bộ trưởng Le Drian cho biết tồn tại những nguy cơ thực sự xảy ra các cuộc tấn công mạng nhằm vào cơ sở hạ tầng dân sự của Pháp như nước, điện, viễn thông và giao thông cũng như đối với truyền thông và nên dân chủ của Pháp. Vì vậy, theo ông, Pháp không nên chỉ tự bảo vệ nước này trước các cuộc tấn công mạng mà cũng cần có khả năng tấn công khi cần thiết, có thể là bằng cả vũ khí thông thường.
Trong ảnh (tư liệu): Hệ thống máy tính tại Trung tâm hợp tác an ninh quốc tế ở Lognes ngày 7-6-2016.
Ảnh: AFP/TTXVN
Việc hãng sản xuất ôtô Ford của Mỹ hủy dự án đầu tư 1,6 tỷ USD tại bang miền Trung San Luis Potosi của Mexico đã khiến các nhà đầu tư nước ngoài khác lo ngại và điều này tác động xấu tới nền kinh tế Mexico. Hãng sản xuất ôtô Ford hủy dự án khiến bang San Luis Potosi mất 3.600 việc làm trực tiếp và ước khoảng 15.000-17.000 việc làm gián tiếp trong ngành công nghiệp ôtô. Giám đốc công ty chuyên về các vật liệu nhựa và hợp chất cao su của Mỹ Preferred Compounding tại Mexico, Julián Eaves, nhận định quyết định của Ford sẽ ảnh hưởng lớn tới kinh tế, xã hội của bang San Luis Potosi và ước tính thiệt hại kinh tế có thể lên tới hàng trăm triệu USD thậm chí hàng tỷ USD trong vòng 5 năm tới.
Trong ảnh (tư liệu): Dây chuyền sản xuất ô tô Ford tại một nhà máy ở Wayne, bang Michigan (Mỹ) ngày 7-1-2015.
Ảnh: EPA/TTXVN
Đợt bão tuyết mạnh kèm theo băng giá và mưa rét tiếp tục gây tê liệt nhiều khu vực miền Nam và bờ Đông nước Mỹ, ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống người dân và tình hình giao thông. Trận bão tuyết đã đổ bộ vào thành phố New York sáng 7-1 theo giờ địa phương với lượng tuyết rơi dày tới 30 cm tại nhiều khu vực. Tuyết rơi cùng với mưa đã khiến nền nhiệt giảm hơn 10 độ C. Giới chức thành phố đã phải đưa ra các cảnh báo thời tiết nguy hiểm tại các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất của đợt bão tuyết này, trong khi các công nhân môi trường và xe ủi tuyết tích cực dọn dẹp tuyết để đảm bảo giao thông không bị ngưng trệ. Trong khi đó, bão tuyết cũng ảnh hưởng tới nhiều khu vực miền Nam nước Mỹ, với lượng tuyết rơi dày 20 cm, gây cản trở hoạt động đi lại của người dân và nhiều trường học phải đóng cửa. Thời tiết xấu bất thường cũng khiến hãng hàng không Southwest Airlines phải hủy bỏ toàn bộ các chuyến bay xuất phát từ sân bay quốc tế Raleigh-Durham. Tính chung đã có tổng cộng 3.200 chuyến bay phải hủy và hơn 7.900 chuyến bay phải hoãn do thời tiết xấu tại miền Nam nước Mỹ.
Trong ảnh: Tuyết rơi dày đặc tại New York ngày 7-1.
Ảnh: THX/TTXVN