Kỷ niệm 185 năm Ngày thành lập tỉnh Lạng Sơn; Tổng thống Park Geun-hye xin lỗi người dân Hàn Quốc... là những sự kiện trong nước, quốc tế nổi bật ngày 4-11.
Ngày 4-11, tại TP Lạng Sơn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 185 năm Ngày thành lập tỉnh (4-11-1831 - 4-11-2016). Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch nước Trần Đại Quang tin tưởng với truyền thống cách mạng vẻ vang, tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn sẽ xây dựng Lạng Sơn thành một tỉnh vững về chính trị, giàu về kinh tế, đẹp về văn hóa, mạnh về quốc phòng, an ninh, xứng đáng với niềm tin yêu, kỳ vọng của đồng bào, chiến sĩ cả nước.
Trong ảnh: Chủ tịch nước Trần Đại Quang tặng bức ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh cho Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn.
Ảnh: Nhan Sáng-TTXVN
Ngày 4-11, Quốc hội làm việc ở hội trường, nghe trình bày báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và thảo luận về việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010-2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Làm gì để tái cơ cấu nhanh nền nông nghiệp Việt Nam, giải quyết vấn đề nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới, điều chỉnh bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới... là những vấn đề được các đại biểu Quốc hội phân tích, thảo luận kỹ tại phiên thảo luận.
Trong ảnh: Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010 - 2015).
Ảnh: An Đăng - TTXVN
Ngày 4-11, tại tỉnh Vĩnh Phúc, Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu đã tổ chức phiên họp lần thứ 12 nhằm đánh giá triển khai đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu trong năm 2016. Phiên họp có sự tham gia của đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh thuộc lưu vực sông Cầu, gồm Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh,Vĩnh Phúc và Hải Dương. Trong năm 2016 các địa phương trên lưu vực sông Cầu đã có nhiều nỗ lực nên chất lượng nước các sông trên lưu vực sông Cầu, do đó chất lượng nước đã có sự cải thiện so với năm 2015. Tuy nhiên vẫn còn tồn tại một số điểm ô nhiễm với dấu hiệu ô nhiễm tăng dần từ địa bàn TP Thái Nguyên cho đến cuối nguồn thuộc địa phận các tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang.
Trong ảnh: Toàn cảnh phiên họp lần thứ 12 của , Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu tại Vĩnh Phúc.
Ảnh: Nguyễn Thảo - TTXVN
10 tháng đầu năm 2016, Hà Nội có 4 huyện ngoại thành là Mỹ Đức, Thạch Thất, Phú Xuyên và Thanh Trì tăng số trẻ sinh ra là con thứ 3 trở lên. Đặc biệt tại các huyện Ba Vì, Sơn Tây, Ứng Hòa, Mê Linh, Thạch Thất, Sóc Sơn, Phú Xuyên, tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh rất cao với tỷ số 113,6 trẻ trai/100 trẻ gái. Thành phố đang đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về thực trạng, nguyên nhân, hậu quả mất cân bằng giới tính khi sinh. Tăng cường thanh kiểm tra việc kinh doanh sách báo, văn hóa phẩm phẩm liên quan lựa chọn giới tính thai nhi. Xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm chính sách dân số; nghiêm cấm chẩn đoán lạm dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để lựa chọn giới tính thai nhi.
Trong ảnh: Sơn Tây là địa phương có tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên cao và tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh là 132 trẻ trai/100 trẻ gái.
Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN
Hiệp định toàn cầu về chống biến đổi khí hậu hay còn gọi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu được thông qua tại Paris (Pháp) hồi năm ngoái đã chính thức có hiệu lực từ ngày 4-11. Với văn kiện này, khoảng 200 quốc gia sẽ bắt đầu thực hiện các kế hoạch quốc gia nhằm cắt giảm lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính theo cam kết đã đề ra. Trong một tuyên bố, Tổng Thư ký của Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) Patricia Espinosa nhấn mạnh ngày này đánh dấu mốc quan trọng để các quốc gia cùng với thiện chí và thái độ nghiêm túc hướng tới hoàn thành các mục tiêu trong Hiệp định.
Trong ảnh (tư liệu): Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon (thứ 2 phải), Tổng thống Pháp Francois Hollande (trái), Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius (thứ 2 trái) tại Hội nghị COP21 ở Paris (Pháp) ngày 12-12-2015.
Ảnh: AFP/TTXVN
Nhật báo kinh doanh “Nikkei” ngày 4-11 đưa tin Nhật Bản và Nga sẽ tập trung vào khoảng 30 vấn đề về hợp tác kinh tế trước thềm một cuộc gặp thượng đỉnh vào tháng 12 tới mà Thủ tướng Shinzo Abe hy vọng sẽ đạt tiến triển trong việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ lâu nay với Moscow. Theo báo trên, Bộ trưởng Thương mại Nhật Bản Hiroshige Seko đã gặp các quan chức Nga ở thủ đô Moscow. Hai bên nhất trí sẽ cố gắng đạt được tiến triển cụ thể trước khi Tổng thống Nga Vladimir Putin sang thăm Nhật Bản vào tháng tới. Hai bộ trưởng cũng thống nhất từ nay đến ngày 18-11 đề ra các kế hoạch cho những dự án do chính phủ đứng đầu, như cải thiện môi trường đô thị ở TP Voronezh (Nga) và đào tạo các kỹ sư của Nga.
Trong ảnh (tư liệu): Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bên lề Diễn đàn kinh tế quốc tế Phương Đông lần thứ 2 ở thành phố cảng Vladivostok (Nga) ngày 2-9.
Ảnh: EPA/TTXVN
Trong bài phát biểu tại Thủ đô Seul được truyền hình trực tiếp sáng 4-11, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye
(trong ảnh) bày tỏ lời xin lỗi người dân Hàn Quốc về vụ bê bối chính trị liên quan đến bà Choi Soon-Sil, người bạn thân lâu năm của bà. Đây là lần thứ hai trong 10 ngày qua, Tổng thống Park xin lỗi dư luận về vụ bê bối trên. Tổng thống Park cũng cho biết sẵn sàng trả lời thẩm vấn của cơ quan công tố trong khuôn khổ một cuộc điều tra độc lập "nếu thấy cần thiết". Tổng thống cũng kêu gọi sự ủng hộ của chính giới và người dân để tránh làm gián đoạn các công việc điều hành đất nước trong khi cơ quan công tố điều tra vụ việc.
Ảnh: EPA/TTXVN
Tối 3-11, ba tuần sau khi diễn ra cuộc tranh luận đầu tiên trong khuôn khổ vòng sơ bộ cánh hữu, 7 ứng cử viên phe này lại tiếp tục "so tài" tại cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình lần thứ hai nhằm tìm ra ứng cử viên chính thức ra tranh cử Tổng thống Pháp vào năm 2017. Cuộc tranh luận lần thứ hai diễn ra sôi động hơn, các ứng cử viên cũng tỏ ra sắc sảo hơn. Chủ đề nổi bật lần này là nhập cư, cuộc chiến chống khủng bố và việc đảm bảo an ninh, giáo dục và châu Âu. Tuy nhiên, về các vấn đề cốt lõi như chương trình hành động khi trở thành chủ nhân của Điện Elysée, thực thi quyền lực và bảo đảm an ninh cho người dân, quan điểm của các ứng cử viên không có nhiều khác biệt.
Trong ảnh: Các ứng viên cánh hữu tranh luận trực tiếp trên truyền hình lần thứ hai tại Paris ngày 3-11.
Ảnh: AP/TTXVN
Khảo sát công bố ngày 3-11 của Reuters/Ipsos cho thấy cuộc đua vào Nhà Trắng đã trở nên sít sao hơn trong tuần qua, trong bối cảnh một số bang "chiến địa" chuyển hướng từ ủng hộ ứng cử viên của Đảng Dân chủ Hillary Clinton về tâm lý do dự. Cụ thể, hiện cả bà Hillary và ứng cử viên Đảng Cộng hòa Donald Trump đang ngang bằng tại Florida và Bắc Carolina, trong khi vị thế dẫn đầu của cựu Ngoại trưởng Mỹ tại Michigan đã giảm xuống ngang ngửa với tỷ phú bất động sản. Ohio tiếp tục là mặt trận khó dự đoán trong khi Pennsylvania đang nghiêng về bà Clinton. Khoảng cách dẫn trước của bà Clinton hiện ở mức trung bình 2-3%, sụt so với dao động 4-7% của tuần trước đó.
Trong ảnh: Bà Hillary Clinton (trái) và ông Donald Trump (phải).
Ảnh: AFP/TTXVN
Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ ngày 4-11 đưa tin ít nhất 1 người chết và khoảng 30 người khác bị thương trong một vụ đánh bom xe xảy ra bên ngoài một trung tâm cảnh sát ở TP Diyarbakir, đông nam Thổ Nhĩ Kỳ, nơi có đa số người Kurd sinh sống. Vụ nổ xảy ra chỉ vài giờ sau khi cảnh sát bắt giữ hai thủ lĩnh và 11 nghị sĩ khác thuộc Đảng Dân chủ Nhân dân (HDP) của người Kurd với lý do những người này không sẵn sàng cung cấp bằng chứng đối với các tội có liên quan tới tuyên truyền khủng bố.
Trong ảnh: Hiện trường vụ nổ.
Ảnh: AP/TTXVN