10 sự kiện trong nước, quốc tế nổi bật ngày 28-11

29/11/2016 05:35

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta viếng đồng chí Fidel Castro; Chính phủ họp thường kỳ tháng 11-2016... là những sự kiện nổi bật ngày 28-11.



Sáng 28-11, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam đã tới Đại sứ quán Cuba tại Hà Nội viếng và ghi sổ tang, tưởng niệm đồng chí Fidel Castro Ruz, nguyên Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa Cuba, lãnh tụ của nhân dân Cuba anh em. Đồng chí Fidel Castro Ruz đã từ trần vào đêm 25-11 (giờ La Habana), tức trưa 26-11 (giờ Hà Nội), hưởng thọ 90 tuổi. Trong ảnh: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chia buồn với Đại sứ Cuba Herminio López Diaz. Ảnh : Trí Dũng - TTXVN



Chiều 28-11, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11-2016. Phát biểu mở đầu phiên họp, Thủ tướng cho biết, tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV vừa kết thúc, Chính phủ đã trình Quốc hội 45 báo cáo. Thủ tướng đánh giá Chính phủ đã thực hiện tốt nhiệm vụ báo cáo, giải trình và trả lời chất vấn trước Quốc hội. Tất cả những vấn đề mà Chính phủ đưa ra đều được Quốc hội thảo luận, thống nhất, biểu quyết thông qua với sự nhất trí cao. Thủ tướng biểu dương các thành viên Chính phủ, các bộ, ngành chuẩn bị công phu, phối hợp chặt chẽ, hoàn thành tốt nhiệm vụ, được nhiều đại biểu Quốc hội và dư luận đánh giá cao. Trong ảnh: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp.  Ảnh: Thống Nhất - TTXVN



Ngày 28-11, Ủy viên Bộ chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cùng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An có buổi tiếp xúc cử tri ở TP Tân An để báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV.  Trong ảnh: Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri. Ảnh: Trường Giang - TTXVN



Ngày 28-11, tại Hà Nội, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam dự Hội thảo khoa học - thực tiễn với chủ đề: "Phát huy vai trò chủ thể của giai cấp nông dân trong tái cơ cấu nền nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới thời hội nhập" do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Tạp chí Cộng sản phối hợp tổ chức. Trong ảnh: Toàn cảnh buổi hội thảo. Ảnh: Nguyễn Dân - TTXVN



Sáng 28-11, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Luật Quốc phòng nhằm đánh giá các kết quả đạt được và những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện. Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Quốc phòng dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị. Trong ảnh: Toàn cảnh hội nghị.   Ảnh: An Đăng - TTXVN



Từ đầu tháng 11-2016, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) dành gói tín dụng ưu đãi 50.000 tỷ đồng cho vay khách hàng là doanh nghiệp, HTX, liên HTX, chủ trang trại có quy mô sản xuất lớn. Đây là chương trình tín dụng gắn với phát triển nông nghiệp sạch, an toàn, sản xuất nông nghiệp quy mo lớn, thực hiện thành công xây dựng nông thôn mới, gắn kết tái cơ cấu, phát triển nông nghiệp bền vững. Trong ảnh: Gia đình ông Nguyễn Văn Dũng ở xã Chuyên Ngoại, huyện Duy Tiên (Hà Nam) vay vốn Agribank đầu tư cải tạo hơn 3 ha cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Trần Việt - TTXVN



Kết quả kiểm phiếu tại 9.915 điểm trên tổng số 10.288 điểm bỏ phiếu trên toàn nước Pháp và các tỉnh hải ngoại cho thấy cựu Thủ tướng Pháp Francois Fillon đã giành chiến thắng áp đảo với 66,5% số phiếu ủng hộ so với 33,5% số phiếu của Thị trưởng TP Bordeaux Alain Juppe tại vòng 2 cuộc bỏ phiếu sơ bộ phe cánh hữu. Với chiến thắng này, cựu Thủ tướng Francois Fillon sẽ chính thức đại diện cho phe cánh hữu và trung hữu trong cuộc đua vào Điện Elysee được tổ chức vào tháng 4 và 5-2017. Cựu Thủ tướng Francois Fillon, 62 tuổi, được đánh giá là người có quan điểm bảo thủ đối với các vấn đề xã hội, bảo vệ các giá trị gia đình đồng thời tự do về kinh tế. Ông khẳng định muốn tiến hành các "cải cách triệt để", trong đó có cả "đường lối cứng rắn" trong phát triển kinh tế. Trong ảnh: Ông Francois Fillon phát biểu tại Thủ đô Paris sau khi kết quả cuộc bỏ phiếu sơ bộ vòng 2 của phe cánh hữu được công bố ngày 27-11. Ảnh: EPA/TTXVN



Đa số người dân Thụy Sĩ đã phản đối đề xuất của Đảng Xanh về việc đẩy nhanh tiến trình đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân của nước này, trong cuộc trưng cầu dân ý diễn ra ngày 27-11. Kết quả kiểm phiếu trưng cầu công bố trên Đài phát thanh truyền hình Thụy Sĩ cho biết tính đến thời điểm cuối ngày 27-11, tỷ lệ cử tri nói "không" với đề xuất trên là 55%. Chỉ có vài bang ở vùng nói tiếng Pháp có tỷ lệ phiếu ủng hộ đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân là cao hơn cả. Tỷ lệ này ở bang Vaud là 54,6% và bang Neuchatel là 56,8%. Hầu hết các bang nói tiếng Đức đều phản đối sáng kiến trên. Như vậy, với kết quả cuộc trưng cầu ý dân này, toàn bộ 5 nhà máy điện hạt nhân của Thụy Sĩ sẽ hoạt động đến khi nào vấn đề an toàn vẫn được đảm bảo. Kết quả cũng cho thấy cử tri Thụy Sĩ ủng hộ một chính sách năng lượng được tính toán kỹ lưỡng, nhằm định hướng lại vấn đề cung cấp năng lượng. Trong ảnh (tư liệu): Nhà máy điện hạt nhân ở Leibstadt, Thụy Sĩ ngày 10-4-2007. Ảnh: EPA/TTXVN



Truyền thông Philippines đưa tin một vật thể nghi là bom đã được phát hiện gần Đại sứ quán Mỹ tại Thủ đô Manila sáng 28-11. Cảnh sát đã phong tỏa đoạn hướng về phía nam của Đại lộ Roxas trước Đại sứ quán Mỹ. Đội phá bom thuộc lực lượng cảnh sát Manila đã vô hiệu hóa vật thể nghi là bom nói trên và làn đường này đã hoạt động trở lại. Một nhân viên dọn vệ sinh cho biết đã phát hiện vật thể khả nghi nói trên trong một thùng rác, trong đó có một chiếc điện thoại di động với các dây màu đen và đỏ nối vào một vật thể hình tròn màu đen. Trong ảnh: Cảnh sát Philippines trưng bày vật thể nghi là bom phát hiện gần Đại sứ quán Mỹ trong cuộc họp báo ở Manila ngày 28-11. Ảnh: EPA/TTXVN



Ngày 28-11, Zimbabwe đã bắt đầu phát hành tiền trái phiếu (bond notes) có trị giá tương đương với đồng USD của Mỹ trong một nỗ lực nhằm giảm tình trạng thiếu tiền mặt nghiêm trọng. Kể từ năm 2009, quốc gia ở miền Nam châu Phi này đã sử dụng nhiều đồng tiền nước ngoài, trong đó có USD sau khi tỷ lệ lạm phát lên đến 500 tỷ % khiến đồng nội tệ trở nên vô giá trị. Sự chuyển đổi này đã giúp nền kinh tế Zimbabwe tương đối ổn định trước khi bắt đầu chao đảo trở lại do các chính sách của Chính phủ ngăn cản các nhà đầu tư. Việc phát hành tiền trái phiếu mệnh giá 2 USD và 5 USD vào thị trường diễn ra 1 năm sau khi Chính phủ phát hành xu trái phiếu nhằm giảm bớt sự khan hiếm các loại tiền có mệnh giá nhỏ. Trong ảnh: Trái phiếu mệnh giá 2 USD và 5 USD của Zimbabwe được giới thiệu tại sân bay quốc tế Harare ngày 27-11. Ảnh: AFP/TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    10 sự kiện trong nước, quốc tế nổi bật ngày 28-11