APEC 2017: Tiếp tục thảo luận về thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực; Ứng cử viên Macron tuyên bố chấm dứt chủ nghĩa "gia đình trị" ở Pháp... là những sự kiện nổi bật ngày 2.3.
Ngày 2.3, Hội nghị lần thứ nhất các quan chức cao cấp (SOM 1) Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2017 diễn ra tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa bước vào ngày làm việc đầu tiên. Hội nghị thảo luận các biện pháp thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực, trong đó có việc thúc đẩy các bước nhằm đạt được Mục tiêu Bogor cũng như hiện thực hóa Hiệp định Thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP); Việc thực hiện lộ trình cạnh tranh dịch vụ APEC, trong đó bao gồm các báo cáo của Chủ tịch Ủy ban Thương mại và Đầu tư, Chủ tịch Ủy ban Kinh tế; Các báo cáo của Nhóm bạn của Chủ tịch về kết nối, Nhóm chỉ đạo công tác về Ủy ban đặc biệt về nền kinh tế mạng; Những công việc thuận lợi hóa, tự do hóa thương mại và đầu tư. Trong ảnh: Đại biểu dự Hội nghị lần thứ nhất các quan chức cao cấp (SOM 1) chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Doãn Tấn – TTXVN
Ngày 2.3 tại tỉnh Quảng Ninh, Đoàn giám sát của Quốc hội về thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016 do Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển dẫn đầu đã làm việc với UBND tỉnh Quảng Ninh. Ông Phùng Quốc Hiển đánh giá Quảng Ninh là một trong những tỉnh quan tâm từ rất sớm đến an toàn thực phẩm với tổng kinh phí đầu tư cho công tác này giai đoạn 2011-2016 trên 38 tỷ đồng, gấp 4,5 lần nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Đặc biệt chính sách khuyến khích, hỗ trợ các hộ vào điểm giết mổ tập trung của thành phố bước đầu có hiệu quả.
Trong ảnh: Đại diện lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh trả lời chất vấn của Đoàn giám sát Quốc hội.
Ảnh: Trung Nguyên - TTXVN
Ngày 2.3, tại Hà Nội, Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan tổ chức lễ công bố sách trắng Eurocham 2017 với chủ đề “Triển vọng Thương mại Tự do EU – Việt Nam”. Đây là ấn phẩm tổng hợp ý kiến của các Công ty thành viên Eurocham hoạt động trong nhiều lĩnh vực ngành nghề nhằm phản ánh mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp trong việc hỗ trợ Chính phủ Việt Nam xây dựng khuôn khổ pháp lý và các hoạch định chính sách cho môi trường kinh doanh tại Việt Nam, các vấn đề liên quan đến Hiệp định Thương mại Tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA), những thực thi và tác động của Hiệp định này đến hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp của Việt Nam dự kiến có hiệu lực vào năm 2018.
Trong ảnh: Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam Michael Behrens thuyết trình tại lễ công bố.
Ảnh: Trần Việt - TTXVN
Chào mừng 86 năm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26.3.1931 - 26.3.2017), 58 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng (3.3.1959 - 3.3.2017), sáng 2.3, tại Hà Nội, Bộ Tư lệnh Biên phòng tổ chức tuyên dương ''Gương mặt trẻ tiêu biểu'' Bộ đội Biên phòng năm 2016. Đây là những cán bộ, chiến sĩ xuất sắc trong các lĩnh vực như nghiên cứu, học tập, đấu tranh phòng chống tội phạm, giữ vững an ninh biên giới...ở các tỉnh thành có biên giới của Tổ quốc. Trong ảnh: Các đồng chí lãnh đạo Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và các ''Gương mặt trẻ tiêu biểu'' được tuyên dương. Ảnh: Trọng Đức – TTXVN
Tập thể các nhà khoa học nữ Việt Nam gồm các Phó giáo sư, Tiến sỹ: Trần Kim Anh, Vũ Thị Bích, Pham Thị Thu Nga, Trần Hồng Nhung và Nguyễn Phương Tùng của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam sẽ được nhận giải thưởng Kovalevskaia tại Lễ trao giải thưởng Kovalevskaia năm 2016 vào ngày 7.3 tại Hà Nội. Được ghi nhận bởi những cống hiến vô cùng to lớn của các nhà khoa học nữ với “Cụm công trình nghiên cơ bản định hướng ứng dụng về khoa học và công nghệ nano”. Cụm công trình khoa học này nhằm ứng dụng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp như vật liệu bột phát quang chứa các ion đất hiếm phục vụ sản xuất đèn huỳnh quang (bẫy đèn diệt công trùng), Trong y học, sinh học và dược học các chị đã thành công trong chế tạo các đầu dò sinh học phát hiện vi khuẩn và tế bào ung thư; theo dõi sự xâm nhập của thuốc vào trong tế bào hay khối u trong cơ thể; phát hiện sớm tế bào ung thư vú,…
Trong ảnh: Các nhà khoa học nữ trong phòng nghiên cứu.
Ảnh: Phương Hoa – TTXVN
Ngày 2.3, tại TP Bạc Liêu, Tỉnh Đoàn Bạc Liêu phối hợp với Quỹ học bổng Vừ A Dính và Câu lạc bộ “Vì Hoàng Sa - Trường Sa thân yêu” tổ chức trao học bổng cho học sinh trong tỉnh. Tại chương trình, 50 học sinh là người dân tộc thiểu số vượt khó học giỏi nhận học bổng Vừ A Dính (800 ngàn đồng/suất đối với học sinh tiểu học; 1 triệu đồng/suất đối với học sinh THCS, THPT). Đồng thời, 40 học sinh là con em của các gia đình ngư dân có hoàn cảnh khó khăn nhận học bổng của Câu lạc bộ “Vì Hoàng Sa – Trường Sa thân yêu”, trị giá 1 triệu đồng/suất.
Trong ảnh: Các em học sinh nhận học bổng trong chương trình.
Ảnh: Như Bình – TTXVN
Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm A/H7N9 xảy ra tại Trung Quốc, tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo các lực lượng chức năng, chính quyền các địa phương giáp biên giới tăng cường công tác phòng ngừa và áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ người xuất nhập cảnh qua các cửa khẩu biên giới. Ngành Y tế Lạng Sơn cũng chủ động xây dựng các phương án ứng phó khi có tình huống xảy ra như chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị và cơ sở vật chất như khu vực cách ly, khu vực điều trị lâu dài, các phương tiện vận chuyển bệnh nhân chuyên dụng, các loại vật tư hóa chất, thuốc Tamiflu, trang bị phòng hộ,….
Trong ảnh: Cán bộ, bác sĩ Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa Trung tâm tỉnh Lạng Sơn chuẩn bị thiết bị y tế thuốc men sẵn sàng điều trị cho bệnh nhân.
Ảnh: Thái Thuần - TTXVN
Ngày 2.3, ứng cử viên Tổng thống của phái trung dung Pháp, ông Emmanuel Macron khẳng định sẽ không có chủ nghĩa "gia đình trị" ở chính phủ Pháp trong trường hợp ông đắc cử tổng thống trong cuộc bầu cử tới. Tuyên bố được đưa ra sau những cáo buộc bê bối tài chính liên quan đến vợ và con ứng cử viên cánh hữu - cựu Thủ tướng François Fillon .Trao đổi với tờ Le Parisien, ông Macron cho biết sẽ cấm tất cả các nghị sĩ tuyển dụng các thành viên trong gia đình nhằm đặt dấu chấm hết cho chủ nghĩa gia đình trị trong chính phủ Pháp.Ngoài ra, ông cũng sẽ cấm các nghị sĩ làm các công việc tư vấn để giảm thiểu các xung đột lợi ích.
Trong ảnh: Ông Emmanuel Macron thăm hội chợ nông nghiệp Paris.
EPA/TTXVN
Ngày 1.3, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions khẳng định ông không hề thảo luận các vấn đề liên quan đến chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ với bất cứ ai bên phía Nga. Trong một tuyên bố, ông Sessions nói: "Tôi chưa bao giờ gặp bất kỳ quan chức Nga nào để thảo luận các vấn đề về chiến dịch vận động tranh cử. Tôi không hiểu cáo buộc này là về cái gì.Điều đó là sai".Trước đó cùng ngày, tờ Washington Post tiết lộ ông Sessions từng có 2 cuộc nói chuyện với Đại sứ Nga trong năm 2016 khi còn là Thượng nghị sĩ, tuy nhiên, ông không hề đề cập đến việc này trong phiên điều trần vừa qua tại Thượng viện để xác nhận có đủ tiêu chuẩn làm Bộ trưởng Tư pháp theo đề cử của Tổng thống Donald Trump hay không.
Trong ảnh: Ông Jeff Sessions tại cuộc họp báo ở Washington, DC ngày 8.2.
EPA/TTXVN
Hãng thông tấn Yonhap ngày 2.3 dẫn kết quả thăm dò dư luận mới cho thấy tỷ lệ ủng hộ ứng cử viên Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tiếp tục duy trì vị trí số 1 trong tuần thứ 9 liên tiếp, bỏ xa vị trí thứ 2 tới 20%. Kết quả thăm dò cũng cho thấy tỷ lệ ủng hộ Quyền Tổng thống Hwang Kyo-ahn đã vươn lên vị trí thứ 2 với 14,6% (tăng 3,7%) sau khi ông này đưa ra quyết định từ chối kéo dài thời hạn điều tra Tổng thống Park Geun-hye. Xếp thứ 3 là tỉnh trưởng Chungnam Ahn Heu-jong với 14,5% (giảm 4,4%). Tiếp đến là đại diện Ahn Chol-su của đảng Nhân dân 10,9% (tăng 0,6%), Thị trưởng Seongnam Lee Jae-myung 9% (giảm 1,1%).
Trong ảnh: Ứng cử viên Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (giữa) tham dự kỷ niệm 98 năm Ngày Phong trào Độc lập (1.3.1919 - 1.3.2017) tại Seoul.
EPA/TTXVN