Chủ tịch nước Trần Đại Quang tham dự hội nghị APEC; Thủ tướng Nhật Bản hội đàm với Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump... là những sự kiện nổi bật ngày 18-11.
Sáng 18-11 (giờ Việt Nam), Chủ tịch nước Trần Đại Quang và phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới Thủ đô Lima (Peru), bắt đầu tham dự Tuần lễ cấp cao lần thứ 24 của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) từ ngày 17 đến 20-11. Trong 18 năm qua (từ khi tham gia APEC năm 1998), Việt Nam tích cực tham gia và đóng góp vào hợp tác APEC. Nổi bật là việc đảm nhiệm thành công vai trò chủ nhà Năm APEC 2006 với thành công của Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 14 đề ra triển vọng dài hạn về hướng tới hình thành Khu vực Thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương, thông qua Chương trình hành động Hà Nội về thực hiện Mục tiêu Bogor và các biện pháp cải cách để nâng cao hiệu quả hợp tác APEC. Trong ảnh: Lễ đón Chủ tịch nước Trần Đại Quang và phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tại sân bay quân sự số 2 ở Thủ đô Lima (Peru). Ảnh: Nhan Sáng - TTXVN
Sáng 18-11, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường đê thảo luận về dự án Luật Đường sắt (sửa đổi) và dự thảo Nghị quyết thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam. Buổi chiều, Quốc hội biểu quyết thông qua dự án Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và thảo luận về dự án Luật Du lịch (sửa đổi).
Trong ảnh: Các đại biểu nhấn nút biểu quyết thông qua dự án Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.
Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN
Nhân kỷ niệm 34 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11-1982 - 20-11-2016), ngày 18-11, tại Phủ Chủ tịch, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã tiếp 153 nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu xuất sắc trên cả nước về Hà Nội dự chương trình tôn vinh nhà giáo tiêu biểu. Đây là những tấm gương về công tác quản lý, giáo dục và đào tạo được bình chọn từ 63 Sở Giáo dục và Đào tạo và gần 30 đơn vị là các trường đại học, cao đẳng trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo. Các thầy cô giáo là những tấm gương tiêu biểu đã tận tâm, tận lực, vượt lên mọi khó khăn của đời sống thường ngày; nêu cao tinh thần trách nhiệm trước dân, trước Đảng về nhiệm vụ giáo dục, góp phần làm nên thành quả của một nền giáo dục Việt Nam đang nhiều khởi sắc trong điều kiện kinh tế còn khó khăn.
Trong ảnh: Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh với các đại biểu.
Ảnh: Phương Hoa - TTXVNHơn 10 năm qua, cô Phan Thị Mỹ Linh, giáo viên Trường Chuyên biệt hy vọng Quy Nhơn (Bình Định) vẫn miệt mài chắp cánh ước mơ cho biết bao học sinh yêu thương bị câm điếc. Với nhiều áp lực, nhọc nhằn nhưng chưa bao giờ cô nghĩ đến việc bỏ nghề, từ bỏ những đứa trẻ khuyết tật. Niềm hạnh phúc nhất đối với cô là thấy học sinh của mình trưởng thành, các em khuyết tật có thể vượt qua được mặc cảm để theo đuổi con đường học tập, nuôi dưỡng ước mơ. Với những cống hiến đối với sự nghiệp giáo dục, cô đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp cùng danh hiệu Tuổi trẻ sáng tạo, danh hiệu chiến sĩ thi đua.
Trong ảnh: Cô giáo Phan Thị Mỹ Linh dạy các em lớp khiếm thính cách phát âm.
Ảnh: Nguyên Linh - TTXVNTối 17-11, tại Thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia) đã diễn ra buổi trình diễn thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt trước đông đảo khán giả quốc tế và cộng đồng cư dân địa phương. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Đêm văn hóa Việt Nam do Đại sứ quán tổ chức với sự phối hợp và giúp đỡ của Bộ Ngoại giao và Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam. Mục đích của buổi trình diễn là nhằm giúp bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn về loại hình văn hóa tín ngưỡng đặc sắc này cũng như những nét độc đáo và đa dạng của nền văn hóa Việt Nam.
Trong ảnh: Trình diễn tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt tại Kuala Lumpur.
Ảnh: Hoàng Nhương - TTXVN
Hội nghị lần thứ 22 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP22) ngày 17-11 diễn ra tại Marrakech (Maroc) đã kết thúc sớm hơn dự kiến một ngày bằng việc thông qua một tuyên bố kêu gọi cam kết chính trị cao nhất và đoàn kết trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Gần 200 quốc gia đã tái khẳng định ủng hộ thỏa thuận chống biến đổi khí hậu toàn cầu 2015 tại các cuộc đàm phán, vốn bị bao trùm bởi các quan ngại về việc Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump sẽ rút khỏi thỏa thuận này.
Trong ảnh: Lễ bế mạc hội nghị.
Ảnh: AP/TTXVNVới 243 phiếu thuận và 174 phiếu chống, Hạ viện Mỹ ngày 17-11 đã thông qua một dự luật nhằm ngăn việc bán máy bay thương mại cho Iran, theo đó các hãng chế tạo máy bay Boeing và Airbus sẽ bị cấm thực hiện các thương vụ mua bán máy bay thương mại với quốc gia Hồi giáo này. Theo Hạ viện Mỹ, dự luật trên sẽ cấm Bộ Tài chính nước này cấp phép cho các ngân hàng để tài trợ cho các thương vụ mua bán máy bay thương mại với Iran. Đây là nỗ lực mới nhất trong một loạt nỗ lực của các nghị sĩ Đảng Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ nhằm chống lại thỏa thuận về vấn đề hạt nhân giữa Iran, Mỹ và các cường quốc trên thế giới. Trước đó, các hãng Boeing và Airbus đã thỏa thuận sẽ bán hoặc cho Iran thuê hơn 200 máy bay thương mại để giúp Hãng hàng không Iran (IranAir) hiện đại hóa và phát triển phi đội máy bay vốn đã cũ kỹ của họ.
Trong ảnh (tư liệu): Máy bay Airbus A321 đang được chế tạo tại cơ sở sản xuất máy bay Airbus ở Mobile, bang Alabama, Mỹ ngày 13-9-2015.
Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 18-11 (giờ Việt Nam), Ngoại trưởng Mỹ John Kerry có cuộc gặp với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov bên lề các hội nghị của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) diễn ra tại Lima (Peru) nhằm thảo luận hàng loạt vấn đề quốc tế quan trọng. Cuộc gặp, theo đánh giá của Ngoại trưởng Kerry, được coi là mang tính xây dựng, đề cập nhiều vấn đề nóng, như tình hình Yemen, Libya, Syria, Ukraine cũng như mối quan hệ song phương. Trong khi đó, phát biểu trên Kênh truyền hình Nước Nga 24, Ngoại trưởng Lavrov khẳng định sự căng thẳng trong quan hệ Nga - Mỹ hoàn toàn không đáp ứng lợi ích của nhân dân hai nước cũng như trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế, vốn phụ thuộc rất nhiều vào sự phối hợp giữa Nga và Mỹ.
Trong ảnh: Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (phải) và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov sau khi kết thúc cuộc gặp.
Ảnh: AP/TTXVN
Ngày 18-11, Trung Quốc đã đưa ra cảnh báo rằng mọi quan hệ hợp tác song phương không nên gây phương hại tới lợi ích của các quốc gia khác. Động thái này được đưa ra sau khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe có cuộc hội đàm với Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng bày tỏ: "Chúng tôi hy vọng bất kỳ thỏa thuận hợp tác và song phương nào cũng sẽ không gây phương hại tới lợi ích của bên thứ 3". Trước đó ngày 17-11, Thủ tướng Nhật Bản Abe đã trở thành nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên hội đàm với Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Sau cuộc gặp kéo dài khoảng 90 phút tại New York, Thủ tướng Abe đã phát biểu với báo giới rằng ông tin tưởng có thể xây dựng một "mối quan hệ dựa trên sự tin cậy" và ông Trump là một "nhà lãnh đạo đáng tin".
Trong ảnh: Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phát biểu với báo giới sau cuộc gặp Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tại New York.
Ảnh: EPA/TTXVNNgày 18-11, một vụ cháy đã xảy ra tại chi nhánh ngân hàng Commonwealth Bank trên đường Springvale, ngoại ô TP Melbourne, bang Victoria của Australia khiến 27 người bị thương, trong đó 6 người bị bỏng nặng. Vụ việc xảy ra vào khoảng 11 giờ 30 (giờ địa phương). Một nhân chứng cho biết đã nghe thấy tiếng nổ, khói dày đặc bốc ra từ ngân hàng. Đám cháy đã được khống chế sau khoảng gần 1 giờ. Những người bị thương, trong đó có một nghi phạm gây ra vụ cháy, đã được đưa vào bệnh viện. Cảnh sát nghi ngờ thủ phạm gây ra vụ cháy trên là một nam thanh niên 21 tuổi.
Trong ảnh: Lực lượng cứu hộ làm nhiệm vụ tại hiện trường vụ hỏa hoạn.
Ảnh: EPA/TTXVN