Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý" tại Hải Dương là sự kiện nổi bật ngày 14.4.
Tiếp tục chuyến công tác tại Tây Nguyên, trong 2 ngày 13-14.4, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm, làm việc tại tỉnh Kon Tum, kiểm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh và công tác đối ngoại, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trên địa bàn. Sáng 14.4, làm việc với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vui mừng nhận thấy, sau 42 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, vùng đất Kon Tum giàu truyền thống yêu nước cách mạng kiên cường, đã có nhiều đổi mới và có nhiều triển vọng đi lên.
Trong ảnh: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tặng bức ảnh Bác Hồ cho Đảng bộ, chính quyền , quân và dân tỉnh Kon Tum.
Ảnh : Trí Dũng – TTXVN
Ngày 14.4, tại huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với cán bộ chủ chốt tỉnh Kiên Giang. Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến phương châm “Phú Quốc trong Kiên giang và Kiên Giang trong Phú Quốc” coi đây là điểm nhấn đặc biệt trong phát triển kinh tế của Kiên Giang. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho răng, mặc dù chịu nhiều thiệt hại do thiên tai trong năm 2016, nhưng Kiên Giang vẫn có những phát triển mạnh mẽ, toàn diện. Đặc biệt, công tác xúc tiến, đầu tư vào Kiên Giang, Phú Quốc được triển khai tốt, nhiều Tập đoàn lớn đã có mặt, đầu tư và Kiên Giang…
Trong ảnh: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận.
Ảnh: Thống Nhất-TTXVN
Ngày 14.4, cuộc họp về việc triển khai xây dựng Đề án đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập đã diễn ra tại Trụ sở Chính phủ. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước về đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập đã chủ trì cuộc họp. Cùng dự họp có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Tại buổi họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, để việc triển khai Đề án đạt hiệu quả cao, các ngành chức năng và địa phương cần có sự nghiên cứu, khảo sát thực tế thật kỹ lưỡng. Nêu rõ công tác quản lý nhà nước ở các đơn vị sự nghiệp công lập đang có rất nhiều điểm không hợp lý, Phó Thủ tướng nhấn mạnh cần phải có giải pháp đột phá mới có thể giải quyết được những bất cập của thực tế.
Trong ảnh: Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu.
Ảnh: Phương Hoa - TTXVN
Ngày 14.4, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị "Đổi mới tổ chức và hoạt động của cơ quan chuyên trách Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội ở cấp huyện trong giai đoạn hiện nay". Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đến dự và phát biểu tại Hội nghị.
Trong ảnh: Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân với các đại biểu dự hội nghị.
Ảnh: Nguyễn Dân - TTXVN
Ngày 14.4, tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị các trường đại học ngoài công lập với sự tham dự của 60 trường đại học ngoài công lập trong cả nước. Hội nghị nhằm đánh giá tổng thể hoạt động đào tạo của hệ thống các trường đại học ngoài công lập; những vấn đề về cơ chế, chính sách đối với các trường đại học ngoài công lập,…
Trong ảnh: Đại diện trường Đại học Văn Lang phát biểu tại Hội nghị.
Ảnh: Phương Vy-TTXVN
Ngày 14.4, tại Thư viện tỉnh Hải Dương, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với UBND tỉnh Hải Dương tổ chức triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý". Triển lãm giới thiệu nhiều tư liệu, văn bản, hiện vật, ấn phẩm và gần 100 bản đồ được trưng bày là tập hợp các nguồn tư liệu đã được công bố từ trước đến nay của các nhà nghiên cứu, học giả ở trong nước và quốc tế. Đáng chú ý là 4 cuốn atlas do nhà Thanh và Chính phủ Trung Hoa Dân quốc xuất bản…
Trong ảnh: Các đại biểu thăm quan Triển lãm.
Ảnh: Mạnh Tú-TTXVN
Ngày 14.4, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho rằng "một cuộc xung đột có thể xảy ra bất cứ lúc nào" tại Triều Tiên, đồng thời khẳng định sẽ "không có người chiến thắng" trong bất cứ cuộc chiến tranh nào. Phát biểu trong một cuộc họp báo chung với người đồng cấp Pháp Jean-Marc Ayrault tại thủ đô Bắc Kinh, ông Vương Nghị tuyên bố đối thoại là giải pháp duy nhất cho vấn đề Triều Tiên. Hiện đang có nhiều mối lo ngại về việc Triều Tiên sẽ sớm tiến hành thêm các vụ phóng tên lửa hoặc thử hạt nhân lần thứ 6.
Trong ảnh: Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (phải) và người đồng cấp Pháp Jean-Marc Ayrault trong cuộc họp báo chung.
EPA/TTXVN
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ngày 14.4 thông báo nước này sẽ thuê nhiều vệ tinh do thám quân sự của nước ngoài từ năm tới và tăng cường khả năng chiến đấu để đối phó với các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa từ Triều Tiên. Hàn Quốc sẽ chi 238,2 nghìn tỷ won (210 tỷ USD) cho dự án nhằm tăng cường sức mạnh của quân đội trong giai đoạn từ năm 2018-2022. Mục đích của dự án này là nhằm tăng cường khả năng theo dõi và tấn công của quân đội Hàn Quốc, nâng cao khả năng phòng thủ đối với các cơ sở cốt lõi và phát triển khả năng trả đũa độc lập quy mô lớn.
Trong ảnh: Quân đội Hàn Quốc diễn tập bắn đạn thật với loại pháo phản lực đa nòng thế hệ mới mang tên Cheonmu.
Yonhap/TTXVN
Ngày 13.4, quân đội Mỹ đã ném một quả bom GBU-43/B nhằm vào mục tiêu của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Afghanistan. Đây là loại bom phi hạt nhân có sức công phá lớn nhất của quân đội Mỹ, thường được gọi là “mẹ của các loại bom”. Quân đội Mỹ cho biết một máy bay vận tải MC-130 đã ném quả bom GBU-43/B xuống một tổ hợp đường hầm và hang động của IS ở huyện Achin thuộc tỉnh Nangarhar của Afghanistan vào khoảng 19h30 ngày 13.4 theo giờ địa phương (22h00 theo giờ Hà Nội). Người phát ngôn Không quân Mỹ, Đại tá Pat Ryder khẳng định đây là loại bom phi hạt nhân lớn nhất mà Mỹ từng sử dụng trong chiến sự.
Trong ảnh: Một quả bom GBU-43/B (MOAB) tại Trung tâm quân bị của lực lượng không quân Eglin ở Florida, Mỹ.
EPA/TTXVN
Truyền thông Nhật Bản ngày 14.4 đưa tin, cảnh sát nước này đã bắt giữ một người đàn ông bị nghi liên quan đến vụ sát hại bé gái Nhật Linh, 9 tuổi, tại thành phố Abiko, tỉnh Chiba, phía Đông bắc thủ đô Tokyo. Đối tượng bị bắt 46 tuổi, sống tại Matsudo, gần nhà bé Nhật Linh. Cảnh sát Nhật Bản cho biết kết quả xét nghiệm ADN thu được tại hiện trường trùng khớp với mẫu ADN của đối tượng. Trước đó, hôm 24.3, bé gái Lê Thị Nhật Linh, quốc tịch Việt Nam, học lớp 3 tại Trường phổ thông cơ sở Matsudo, tỉnh Chiba được xác nhận mất tích. Cảnh sát sau đó đã tìm thấy thi thể của em bên bờ sông thành phố Akibo.
Trong ảnh: Cảnh sát điều tra tại hiện trường khu vực phát hiện thi thể bé Nhật Linh ở Abiko ngày 26.3.
AFP/TTXVN