10 sự kiện trong nước, quốc tế nổi bật ngày 12.9

12/09/2017 17:25

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Trường Đại học Quốc gia Hà Nội; LHQ nhất trí thông qua nghị quyết mới lệnh trừng phạt Triều Tiên ... là những sự kiện nổi bật ngày 12.9.



Ngày 12.9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương, thành phố Hà Nội đã có buổi làm việc với Ban Giám đốc và cán bộ chủ chốt Đại học Quốc gia Hà Nội để đôn đốc, xử lý tại chỗ những vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng dự án  Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc. Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định quyết tâm của Chính phủ nhằm xây dựng một đô thị đại học trong đó, Đại học Quốc gia Hà Nội là nòng cốt. Trong ảnh: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc xem sa bàn Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hoà Lạc. Ảnh: Thống Nhất-TTXVN



Ngày 12.9, tại Hà Nội, Tòa án nhân dân Tối cao tổ chức Lễ kỷ niệm 72 năm Ngày truyền thống ngành Tòa án nhân dân (13.9.1945 – 13.9.2017). Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đến dự. Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Ba tặng các tập thể, cá nhân thuộc hệ thống Tòa án nhân dân vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác, góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Nhân dịp này, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Tòa án nhân dân” tặng các cá nhân có quá trình đóng góp cho sự nghiệp trưởng thành của hệ thống Tòa án nhân dân. Trong ảnh: Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao tặng Huân chương Lao động của Chủ tịch nước cho các cá nhân có thành tích xuất sắc. Ảnh: Doãn Tấn – TTXVN



Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 12.9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự án Luật Đo đạc và bản đồ.Dự thảo Luật Đo đạc và bản đồ gồm 63 điều thể hiện trong 9 chương, quy định về hoạt động đo đạc và bản đồ cơ bản; đo đạc và bản đồ chuyên ngành; hạ tầng dữ liệu không gian địa lý; điều kiện hoạt động đo đạc và bản đồ; quản lý nhà nước về đo đạc và bản đồ. Trong phiên làm việc buổi chiều, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến (lần 2) về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi); kế hoạch kiểm toán năm 2018 của Kiểm toán nhà nước. Trong ảnh: Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu. Ảnh: Nguyễn Dân –TTXVN



Ngày 12.9, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư quy định về phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời.  Thông tư này gồm 5 Chương, 22 Điều, quy định về quy hoạch và phát triển dự án điện mặt trời; giá bán điện của các dự án điện mặt trời nối lưới và dự án điện mặt trời mái nhà; hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời (nối lưới và mái nhà); trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan… Thông tư quy định các dự án điện mặt trời được hưởng cơ chế giá bán điện tại điểm giao nhận điện là 2.086 đồng/kWh (tương đương với 9,35 Uscents/kWh, được điều chỉnh theo biến động tỷ giá VND/USD). Bên mua điện có trách nhiệm mua toàn bộ sản lượng điện từ dự án điện mặt trời nối lưới có ngày vận hành thương mại trước 30.6.2019 theo hợp đồng mua bán điện mẫu được áp dụng 20 năm. Trong ảnh: Hệ thống pin năng lượng mặt trời tại Trung tâm sửa chữa điện nóng - EVN Hà Nội. Ảnh: Tiến Hiệp - TTXVN



Từ nay đến năm 2020, tỉnh Khánh Hòa sẽ bố trí hơn 600 tỷ đồng để di dời tái định cư cho gần 4.200 hộ sinh sống ở vùng sạt lở, thiên tai nhằm đảm bảo an toàn và ổn định cuộc sống cho người dân. Nguồn vốn được huy động từ Trung ương, ngân sách địa phương và nhân dân đóng góp. Trong ảnh: Một công trình của người dân phường Vĩnh Nguyên, thành phố Nha Trang bị sạt lở do biển xâm thực. Ảnh: Nguyên Lý-TTXVN



Sáng 12.9 (giờ Việt Nam), toàn bộ 15 nước Ủy viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã nhất trí thông qua nghị quyết mới tăng cường các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên nhằm đáp trả vụ thử hạt nhân thứ sáu của nước này hôm 3.9. Nghị quyết mới được thông qua thắt chặt những biện pháp trừng phạt của Nghị quyết hôm 5.8, song "nhẹ nhàng" hơn nhiều so với dự thảo Nghị quyết mà Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley đệ trình hôm 6/9. Biện pháp trừng phạt cứng rắn nhất trong Nghị quyết mới này là cấm toàn bộ hàng xuất khẩu dệt may của Triều Tiên. Bên cạnh đó, Nghị quyết duy trì lệnh cấm vận khí đốt tự nhiên và giới hạn xuất khẩu dầu thô sang Triều Tiên ở mức 2 triệu thùng một năm. Trong ảnh: Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia (giữa) phát biểu tại cuộc họp Hội đồng bảo an LHQ ở New York, Mỹ. THX/TTXVN



Ngày 11.9, các nghị sĩ Anh đã bỏ phiếu ủng hộ dự luật chấm dứt tư cách thành viên của Anh trong Liên minh châu Âu (EU), một động thái rất quan trọng đối với chiến lược rút khỏi EU, còn gọi là Brexit, của chính phủ Anh bất chấp sự phản đối của Công đảng đối lập. Sau hơn 13 giờ thảo luận, Quốc hội Anh đã phê chuẩn dự luật rút khỏi EU với 326 phiếu thuận và 290 phiếu chống. Sau khi được thông qua, dự luật này sẽ tiếp tục được các nghị sỹ Anh nghiên cứu kỹ lưỡng. Đây là bước tiếp theo trong quá trình thực thi kết quả  cuộc trưng cầu dân ý lịch sử hồi tháng 6.2016 về việc Anh rời EU sau khi Thủ tướng Anh Theresa May chính thức thông báo việc này lên EU hồi tháng 3.2017. Trong ảnh: Tòa nhà Quốc hội Anh ở London. AFP/TTXVN



Trung Quốc và ASEAN đã đạt được kết quả hợp tác đáng kể trong nhiều lĩnh vực như thương mại, tài chính. Đó là tuyên bố của Phó Thủ tướng Quốc vụ Trung Quốc Trương Cao Lệ trong bài phát biểu khai mạc Hội chợ Trung Quốc - ASEAN (CAEXPO) và Hội nghị Thượng đỉnh Thương mại - đầu tư Trung Quốc - ASEAN (CABIS) lần thứ 14 diễn ra vào ngày 12.9 tại thành phố Nam Ninh, thủ phủ Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc. Theo Phó Thủ tướng Trương Cao Lệ, việc nâng cấp Khu vực Thương mại tự do Trung Quốc-ASEAN vốn đã có hiệu lực, sẽ tạo động lực mới cho sự phát triển kinh tế và thương mại song phương. Trong ảnh: Phó Thủ tướng Quốc vụ Trung Quốc Trương Cao Lệ (giữa, hàng đầu) và các đại biểu chụp ảnh chung tại Hội chợ Trung Quốc - ASEAN (CAEXPO) lần thứ 14 tại Nam Ninh, thủ phủ Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc. THX/TTXVN



Ngày 12.9, Thổ Nhĩ Kỳ thông báo đã ký với Nga thỏa thuận mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400, có khả năng tấn công mọi mục tiêu trong bán kính 400km ở độ cao lên tới 35km. Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ dẫn lời Tổng thống nước này Recep Tayyip Erdogan cho biết các văn kiện về việc mua bán đã được ký kết và một khoản tiền đặt cọc đã được trả cho Nga. Trước đó, Nga cho biết hệ thống tên lửa phòng không di động chiến lược S-400 “Triumph” của nước này đã nhận được gần 10 đơn đặt hàng. Trong ảnh (tư liệu): Hệ thống tên lửa S-400 Triumph của Nga trong lễ diễu binh kỷ niệm Ngày chiến thắng ở Quảng trường Đỏ, thủ đô Moskva, Nga ngày 9.5. AFP/TTXVN



Hãng hàng không Air Berlin thông báo đã phải hủy khoảng 70 chuyến bay trong ngày 12.9 sau khi các phi công đồng loạt cáo ốm.Theo thông tin đăng trên trang web của hãng, nhiều sân bay của Đức, trong đó trong đó Berlin Tegel, Dueseldorf, Hamburd và Cologne đều đồng loạt phải hủy bỏ các chuyến bay. Đại diện nghiệp đoàn phi công Vereinigung Cockpit chưa đưa ra bình luận gì. Air Berlin là Hãng hàng không lớn thứ hai của Đức, buộc phải đệ đơn bảo hộ phá sản tháng trước sau khi cổ đông Etihad Airways rút vốn sau nhiều năm thua lỗ. Hiện các nhà thầu đang chờ mua tài sản của hãng, trong đó Lufthansa được xem là hãng có thể giành được phần lớn nhất so với các đối thủ. Theo kế hoạch, các nhà thầu sẽ nộp hồ sơ dự thầu cho đến ngày 15.9 và quyết định cuối cùng sẽ được đưa ra sớm nhất vào ngày 21.9, trước cuộc tổng tuyển cử 3 ngày. Trong ảnh: Máy bay của Hãng hàng không Air Berlin tại sân bay ở Berlin. EPA/TTXVN


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    10 sự kiện trong nước, quốc tế nổi bật ngày 12.9