Tranh chấp chủ quyền biển đảo gay gắt ở khu vực Đông Bắc Á; Bất ổn chính trị tại một số nước Đông Nam Á... là 2 trong 10 sự kiện thế giới nổi bật nhất năm 2013.
Biểu tình phản đối Chính phủ tại Bangkok. (Nguồn: AFP/TTXVN)
1. Tranh chấp chủ quyền biển đảo gay gắt ở khu vực Đông Bắc Á
Tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc trở nên gay gắt sau khi Bắc Kinh ngày 23-11 đơn phương tuyên bố Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) chồng lấn với các vùng lãnh hải mà Nhật Bản và Hàn Quốc cũng tuyên bố chủ quyền.
2. Bất ổn chính trị tại một số nước Đông Nam Á
Tình hình chính trường Thái Lan bất ổn nghiêm trọng từ cuối tháng 10 do mâu thuẫn và xung đột phe phái sâu sắc. Trước việc phe đối lập liên tục biểu tình, Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra đã quyết định giải tán Quốc hội và tổ chức bầu cử trước thời hạn vào ngày 2-2-2014.
Tình hình tại Campuchia trở nên căng thẳng do Đảng Cứu nguy Dân tộc Campuchia đối lập không công nhận kết quả bầu cử Quốc hội khóa V, cho dù Đảng Nhân dân Campuchia giành đa số ghế.
3. Đạt được thỏa thuận về Syria và chương trình hạt nhân của Iran
Syria tránh khỏi một cuộc tấn công quân sự của phương Tây sau khi Tổng thống nước này Bashar al-Assad, với sự trung gian của Nga, vào tháng 9 đã chấp thuận giải giáp kho vũ khí hóa học. Trong khi đó, sau nhiều vòng thương lượng, ngày 24-11, Iran và Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) đã đạt được thỏa thuận sơ bộ mang tính lịch sử nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân gây tranh cãi của Tehran, mở đường cho một giải pháp toàn diện và lâu dài cho vấn đề này.
4. Vụ bê bối nghe lén điện thoại của Mỹ gây chấn động thế giới
Việc cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden, ngày 6-6, tiết lộ chương trình do thám toàn cầu của Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA), bao gồm việc nghe lén điện thoại của nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới, đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới quan hệ giữa Mỹ với nhiều nước, kể cả các quốc gia đồng minh ở châu Âu.
5. Tổng thống Venezuela Hugo Chavez và cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela qua đời
Tổng thống Venezuela Hugo Chavez - nhà lãnh đạo của phong trào cánh tả Mỹ Latinh và có tầm ảnh hưởng lớn trên thế giới - qua đời ngày 5-3. Ông Nicolas Maduro được bầu lên nắm quyền, kế tục sự nghiệp xây dựng “Chủ nghĩa xã hội thế kỷ 21” của cố Tổng thống Chavez.
Ngày 6-12 (ngày 5-12 theo giờ địa phương), cựu Tổng thống Nelson Mandela - biểu tượng của cuộc đấu tranh chống chế độ phân biệt chủng tộc Apartheid và là một trong những chính khách xuất chúng của thế kỷ XX – qua đời, thọ 95 tuổi.
6. Kinh tế châu Âu phục hồi
Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) chính thức thoát khỏi cuộc suy thoái kinh tế kéo dài nhất kể từ khi được thành lập năm 1999. Mức tăng trưởng GDP khả quan của nhiều nước, do Đức làm đầu tàu, đánh dấu thời kỳ bắt đầu phục hồi kinh tế của Eurozone. Tuy nhiên, thị trường việc làm ảm đạm, tỷ lệ thất nghiệp và nợ công ở mức cao (tương đương 92% GDP) tiếp tục là nguy cơ tiềm ẩn làm cho đà phục hồi kinh tế của Eurozone vẫn mong manh.
7. Chính phủ Mỹ ngừng hoạt động hơn hai tuần
Mâu thuẫn về trần nợ công giữa hai chính đảng chủ chốt tại Mỹ gồm Đảng Dân chủ (kiểm soát Thượng viện) và Đảng Cộng hòa (kiểm soát Hạ viện) đã buộc Chính phủ Mỹ phải ngừng hoạt động từ ngày 1 đến 16-10, buộc 250.000 công chức nhà nước phải nghỉ việc, gây thiệt hại kinh tế lên tới 24 tỷ USD và ảnh hưởng lớn đến kinh tế toàn cầu.
8. Thỏa thuận Bali tạo bước đột phá trong đàm phán WTO
Kể từ khi thành lập năm 1995, lần đầu tiên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đạt được thỏa thuận về cải cách thương mại tại hội nghị tháng 12-2013 ở Bali (Indonesia), bước đột phá để mở ra triển vọng khai thông Vòng đàm phán Doha về tự do hóa thương mại toàn cầu được WTO khởi động từ năm 2001 vốn rơi vào bế tắc.
9. Siêu bão Haiyan tàn phá Philippines
Siêu bão Haiyan - một trong những cơn bão mạnh nhất trong lịch sử - đổ bộ vào Philippines ngày 8-11 gây thiệt hại nghiêm trọng cho quốc gia này, làm hơn 5.500 người thiệt mạng, khoảng 1.600 người mất tích và hàng triệu người bị mất nhà cửa.
10. Nhân bản thành công tế bào gốc của người
Sau hơn 15 năm nghiên cứu, các nhà khoa học Mỹ đã nhân bản thành công tế bào gốc của người bằng kỹ thuật tương tự như đã sử dụng để nhân bản vô tính cừu Dolly năm 1996. Thành tựu này mở ra triển vọng cho việc điều trị các căn bệnh hiểm nghèo như Parkinson, tim mạch và các tổn thương ở tủy sống.
TTXVN