Tối 18.3, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết vừa có 3 chùm ca bệnh, tổng số 10 người bị ngộ độc Botulinum do ăn cá chép muối ủ chua ở Quảng Nam, trong đó 1 người đã tử vong, 1 bệnh nhân tiên lượng nặng.
TS.BS Lê Quốc Hùng - Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới và bác sĩ CKII Trần Thanh Linh - Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu - có mặt tại Quảng Nam cấp cứu cho các bệnh nhân bị ngộ độc Botulinum - Ảnh: N.H.
3 chùm ca bệnh đều ăn cá chép ủ muối chua
Trước đó vào sáng cùng ngày, Bệnh viện Chợ Rẫy nhận được đề nghị hỗ trợ chuyên môn cho các ca bệnh bị ngộ độc đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quảng Nam.
Ngay lập tức bệnh viện kết nối hội chẩn online cùng các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quảng Nam. Kết quả hội chẩn cho thấy khả năng các bệnh nhân bị ngộ độc Botulinum rất cao.
Trước tình huống cấp bách này, ban lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy quyết định cử các chuyên gia hàng đầu về chống độc và hồi sức gồm TS.BS Lê Quốc Hùng - Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới và bác sĩ CKII Trần Thanh Linh - Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu, cùng một dược sĩ trực tiếp mang 5 lọ thuốc giải độc Botulinum còn lại (thuốc quý và hiếm) lên đường ra Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quảng Nam hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân.
Chiều cùng ngày, các bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy có mặt tại Quảng Nam điều tra dịch tễ và đánh giá có 3 chùm ca bệnh tổng cộng 10 người, khả năng bị ngộ độc Botulinum rất cao.
Chùm ca bệnh thứ 1 gồm 3 nữ và 2 nam, ngụ tại xã Phước Đức, huyện Phước Sơn. Cả 5 người ăn cá chép muối ủ chua.
Sau 12 - 24 giờ ăn cá, các trường hợp này đều có triệu chứng đau bụng, nôn ói, mệt mỏi và yếu dần tay chân. Sau 3 ngày điều trị tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quảng Nam, do diễn tiến quá nặng đã có 1 ca nữ 40 tuổi tử vong. Sức khỏe 4 ca còn lại đã tạm ổn.
Chùm ca bệnh thứ 2 là bệnh nhân nữ, ngụ xã Phước Chánh, huyện Phước Sơn. Sau một ngày ăn cá chép ủ chua, bệnh nhân này nôn ói nhiều, yếu dần tay chân và chuyển bệnh viện cấp cứu. Đến ngày 16.3, bệnh nhân bị suy hô hấp, thở máy.
Chùm ca bệnh thứ 3 gồm 3 nam và 1 nữ cùng gia đình, ngụ xã Phước Kiên, huyện Phước Sơn. Ngày 16.3, cả gia đình ăn cá chép ủ chua và chỉ sau một ngày có triệu chứng nôn ói nhiều, được chuyển Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quảng Nam cấp cứu.
Đến ngày 18.3, có 2 bệnh nhân bị liệt tứ chi, suy hô hấp phải thở máy; còn 2 bệnh nhân còn lại (nam 12 tuổi và nữ 24 tuổi) yếu nhẹ tứ chi, sức cơ 4/5 - 5/5, tự thở được.
Khẩn trương ngăn ngộ độc, truy tìm thủ phạm
Các bác sĩ hội chẩn xử trí cho các bệnh nhân ngộ độc - Ảnh: N.H.
TS.BS Lê Quốc Hùng - Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới - cho biết thêm cả 3 chùm ca bệnh cùng ăn một loại thức ăn là cá chép muối ủ chua.
Trong quá trình chế biến loại thức ăn này còn bỏ vào hộp thủy tinh đóng kín sau 2 - 3 tuần mới lấy ra ăn (tạo điều kiện yếm khí cho vi khuẩn Clostridium Botulinum phát triển).
Và đặc điểm chung là sau ăn chưa đầy 24 giờ đều có triệu chứng rối loạn tiêu hóa làm yếu tứ chi tăng dần. Những trường hợp nặng đều dẫn tới suy hô hấp do liệt cơ, thở máy. Tuy nhiên tất cả đều tỉnh và tiếp xúc được.
Đến 18 giờ 30 ngày 18.3, kết quả xét nghiệm cấy mẫu cá muối ủ chua do Viện Pasteur Nha Trang thực hiện (thức ăn của chùm ca bệnh đầu tiên) xác định Clostridium tuýp E (+).
"Có thể khẳng định là các bệnh nhân bị ngộ độc Botulinum" - TS Hùng nói.
Song song với việc tham vấn hướng điều trị cho các bệnh nhân, Bệnh viện Chợ Rẫy cũng đã gửi báo cáo cho Bộ Y tế về các trường hợp ngộ độc nói trên. Đề nghị ngành y tế địa phương khẩn trương thông báo cho người dân trên địa bàn huyện, tỉnh, ngăn chặn khả năng có người bị ngộ độc tiếp theo do ăn phải thực phẩm này.
Đặc biệt đề nghị phối hợp với các cơ quan hữu trách tìm nguồn nhiễm do 3 chùm ca bệnh ở 3 xã cách nhau khoảng 100km.
3/9 bệnh nhân đã được dùng thuốc giải độc
Thuốc Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT) dùng giải độc tố Clostridium Botulinum là loại thuốc rất hiếm.
Với chẩn đoán chùm ca bệnh đều ngộ độc Botulinum, hiện các bác sĩ chỉ định cho 3 bệnh nhân nặng đang thở máy được dùng ngay thuốc giải độc. Trong quá trình này, các bác sĩ sẽ theo dõi sát phản vệ trong và sau truyền, cũng như các biến chứng loạn nhịp tim.
Ngoài ra, có 2 bệnh nhân tiếp tục theo dõi sát tình trạng yếu liệt nhằm quyết định có nên sử dụng BAT hay không.
Năm 2020 nhiều tỉnh, thành phố cũng đã ghi nhận vụ ngộ độc tương tự liên quan đến pate chay, tại Hà Nội cũng đã có 1 ca tử vong. Thời điểm đó do thiếu thuốc giải độc, Tổ chức Y tế thế giới đã hỗ trợ điều phối thuốc từ Thái Lan và châu Âu (mỗi lọ trị giá hơn 6.000 USD) để điều trị cho bệnh nhân.
Theo Tuổi trẻ