Theo Chi cục Thú y tỉnh, đến 16-5, sau 10 ngày liên tiếp, trên địa bàntỉnh không xuất hiện thêm xã có lợn nhiễm bệnh tai xanh. Trước đó, ngày7-5 xã Thanh Giang (Thanh Miện) là xã thứ 63 xác nhận có dịch tai xanh.
Hiện tại cả 63 xã chưa thể công bố hết dịch, vì theo quy định phải qua 21 ngày không phát sinh thêm lợn ốm hoặc bị tiêu hủy mới được công bố hết dịch. Đến thời điểm trên, có 21 trong tổng số 63 xã có dịch đã qua từ 10 đến 19 ngày không phát sinh thêm lợn ốm hoặc có lợn bị tiêu hủy; số lợn nhiễm bệnh tại các xã có dịch cũng giảm, trung bình mỗi ngày chỉ có thêm từ 85 đến 95 con lợn mới nhiễm bệnh, giảm từ 80 đến 205 con/ ngày so với thời điểm cuối tháng 4. Nguyên nhân số lợn nhiễm tai xanh giảm là do cấp ủy, chính quyền cơ sở sát sao hơn trong chỉ đạo dập dịch, người dân tích cực phun tiêu độc, khử trùng chuồng trại... Nếu thời tiết tiếp tục diễn biến thuận lợi, các địa phương có dịch nỗ lực hơn trong khoanh vùng, bao vây, dập dịch và người dân nâng cao cảnh giác phòng bệnh tai xanh ở lợn, thì trong vài ngày tới, nhiều xã sẽ được xác nhận hết dịch.
* Ngày 13-4, hộ ông Phạm Văn Toàn, ở thôn Phúc Giới, xã Thanh Bính (Thanh Hà) xuất hiện tình trạng lợn ốm chết. Ngày 20-4, huyện Thanh Hà công bố dịch tai xanh tại xã Thanh Bính. UBND xã đã thực hiện nhiều biện pháp ngăn chặn: khử trùng, tiêu độc tại hộ có lợn chết; phun hóa chất ở những điểm đông người như trường học, trạm xá, chợ, trụ sở UBND xã, các trang trại chăn nuôi với quy mô lớn; yêu cầu 11 hộ kinh doanh, buôn bán không giết mổ, bán thịt lợn. Xã lập 3 chốt kiểm dịch nhằm ngăn chặn tình trạng đưa lợn ốm từ vùng có bệnh ra bên ngoài... Bằng những biện pháp trên, Thanh Bính không xuất hiện thêm lợn ốm chết. Như vậy, xã Thanh Bính đủ điều kiện công bố hết dịch tai xanh.