10 năm vẫn "nằm trên giấy"

26/09/2016 06:10

10 năm trôi qua, dự án nuôi thủy sản tập trung nam sông Cửu An (Ninh Giang) vẫn “giậm chân tại chỗ”.



Nhiều diện tích đất nằm trong dự án nuôi thủy sản tập trung nam sông Cửu An đã được nông dân
 chuyển sang trồng cây ăn quả trong thời gian chờ đợi


Khó đủ bề

Dự án nuôi thủy sản nam sông Cửu An được xây dựng và phê duyệt tổng thể từ năm 2006 với tổng diện tích 320 ha dựa trên đặc thù của 6 xã ven sông là Quang Hưng, Tân Phong, Đông Xuyên, Vạn Phúc, Ninh Thành và Vĩnh Hòa. Những diện tích nằm trong quy hoạch đều là vùng đồng trũng cấy lúa 2 vụ bấp bênh hoặc thùng vũng bị bỏ hoang từ lâu. Mặt khác, người dân nơi đây có kinh nghiệm thâm canh thủy sản mang lại giá trị kinh tế cao. Do vậy, dự án này chính là nền tảng để các địa phương có thể biến khó khăn thành lợi thế, góp phần thực hiện thành công mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững của huyện. Mặc dù được đánh giá là cần thiết, phù hợp đối với sự phát triển kinh tế của huyện nhưng hiện tại dự án vẫn chưa được triển khai.

Gia đình anh Đỗ Văn Thắng ở thôn Đông Cao (xã Đông Xuyên) là một trong những hộ đi đầu xin đổi mảnh ruộng tốt trong làng để nhận 1,6 mẫu ruộng tại khu đồng 85 mẫu để chờ dự án. Không những vậy, anh còn đấu thầu gần 4 mẫu công điền nằm trong vùng quy hoạch với hy vọng có thể nuôi thủy sản lâu dài. Tuy nhiên, hiện nay diện tích đất mà anh có ý định nuôi thủy sản trước đó đã phải chuyển sang trồng sắn dây, củ đậu và các loại cây ăn quả để tránh lãng phí. Anh Thắng cho biết: "Tuy chưa được UBND xã chấp thuận việc chuyển đổi này nhưng tôi bắt buộc phải làm vì cấy lúa ở khu đồng chua trũng, sâu bệnh nhiều, hiệu quả không cao mà đất thì không thể bỏ hoang mãi được. Trồng rau màu, cây ăn quả chỉ là giải pháp tình thế của gia đình. Khi dự án được triển khai, tôi sẵn sàng phá bỏ nhưng không biết phải chờ đợi đến khi nào?”.

Theo ông Bùi Minh Chương, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, Phó Trưởng Ban chỉ đạo dự án, mỗi thời điểm dự án lại vướng phải những khó khăn riêng. Thời gian đầu, do ruộng đất còn manh mún nên việc dồn đổi rất khó khăn. Nhiều hộ muốn tham gia dự án nhưng lại không có đất nằm trong quy hoạch và ngược lại. Chính vì vậy, đến năm 2009 xã nhiều nhất mới chỉ có 9 hộ đăng ký. Sau khi huyện hoàn thành dồn điền, đổi thửa, vướng mắc trên đã phần nào được giải quyết nhưng cũng chỉ đáp ứng 50% yêu cầu về diện tích của dự án. Hơn nữa, để được hưởng lợi từ dự án, quỹ đất của các hộ phải đạt tối thiểu 2.500m2, trong khi đó nhiều hộ chỉ có chưa đầy 1.000 m2 lại nằm xen kẽ với các hộ đủ điều kiện nên vấn đề vẫn không thể giải quyết.

Trồng rau màu, cây ăn quả chỉ là giải pháp tình thế của gia đình. Khi dự án được triển khai, tôi sẵn sàng phá bỏ nhưng không biết phải chờ đợi đến khi nào?


Để được chấp thuận đầu tư cho vùng nuôi thủy sản tập trung thì các xã phải đáp ứng nhiều yêu cầu về sản xuất như có ao cấp, ao thải để xử lý nước trước khi đưa nước vào ao nuôi và xả thải ra môi trường, khu xây dựng trạm bơm tiêu thoát nước... để bảo đảm sản xuất sạch, an toàn. Tuy nhiên, vướng mắc ở chỗ địa phương không có đất để xây dựng các công trình vì đất đã giao ổn định, lâu dài cho người dân. Xã Đông Xuyên có gần 100 ha đất nông nghiệp nằm trong dự án, người dân đã dồn đổi được hơn 50 ha. Để dự án được triển khai cần có 7 ha đất để xây dựng các hạng mục trên. Trong khi đó, nguồn vốn được hỗ trợ chỉ để xây dựng cơ sở hạ tầng chứ không được sử dụng giải phóng mặt bằng. Do vậy, nếu người dân không tự nguyện hiến đất thì không thể triển khai được dự án do huyện không có nguồn kinh phí đền bù. Hơn nữa, nếu có thể xây dựng được khu xử lý và điều tiết nước tập trung, cần thành lập tổ quản lý để vận hành, trông coi. Đây cũng là vấn đề nan giải vì hiện tại chưa tìm được nguồn kinh phí để duy trì hoạt động cho tổ quản lý.

Khởi động lại

Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai dự án nhưng huyện Ninh Giang xác định đây là công trình trọng điểm và quyết tâm thực hiện thành công trong nhiệm kỳ này. Nhận thấy nếu triển khai đồng loạt thì sẽ không khả thi nên thay vì thực hiện tổng thể, UBND huyện chủ trương sử dụng vốn để đầu tư theo tiểu vùng. Hiện tại, trong các xã thuộc dự án thì Vĩnh Hòa là xã đã chủ động thực hiện các hạng mục do người dân và chính quyền địa phương phải đầu tư như hệ thống ao nuôi bố trí theo lô, đắp bờ ao, bố trí hệ thống điện, nước phục vụ sản xuất của từng hộ... Số hộ tham gia theo dự án đã được “lấp đầy”. Vì vậy, huyện sẽ tập trung đầu tư nguồn vốn 60 tỷ đồng do Trung ương hỗ hợ trong giai đoạn 2016 - 2020 cho các công trình đầu mối tại 55 ha nuôi thủy sản tại xã Vĩnh Hòa để bảo đảm cho việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của người dân. Đồng thời, huyện sẽ tiến hành nâng cấp đường giao thông tại vùng nuôi thủy sản tập trung bắc sông Cửu An. Dự án chỉ được cấp kinh phí khi có đánh giá tác động tới môi trường do Bộ Tài nguyên và Môi trường quan trắc, thẩm định. Với tập quán thâm canh hiện tại của người dân, khi chưa quan tâm nhiều tới chất lượng sản phẩm thì việc triển khai dàn trải sẽ khó đáp ứng được yêu cầu trên. Vì vậy, huyện chú trọng phát triển dự án theo chiều sâu. "Chỉ khi người dân nhận thấy hiệu quả của tiểu vùng làm điểm thì việc thực hiện ở các tiểu vùng khác sẽ có được sự đồng thuận, triển khai cũng dễ dàng hơn", ông Bùi Minh Chương cho biết thêm.

Tâm lý trông chờ của người dân cũng như những vướng mắc trong việc giải phóng mặt bằng và chậm giải ngân nguồn vốn hỗ trợ là nguyên nhân khiến cho dự án nuôi thủy sản nam sông Cửu An vẫn nằm trên giấy sau 10 năm được phê duyệt tổng thể. Ngoài việc có định hướng cụ thể, huyện cần có biện pháp khơi dậy tinh thần cộng đồng vì sự phát triển chung. Có như vậy, dự án mới sớm đi vào thực tế và phát huy hiệu quả.

DŨNG CƯỜNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    10 năm vẫn "nằm trên giấy"