10 năm thực hiện Chiến lược biển Việt Nam. Bài cuối: Tập trung phát triển nguồn nhân lực biển

03/10/2018 10:03

Với sự đầu tư bài bản, phát triển mạnh, có thể nói công tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ các ngành nghề liên quan đến biển và đại dương thời gian qua đã đi đúng hướng...

>> 10 năm thực hiện Chiến lược biển Việt Nam. Bài 1: Nỗ lực trở thành quốc gia mạnh từ biển
>> 10 năm thực hiện Chiến lược biển Việt Nam. Bài 2: Tạo bứt phá trong quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, đảo



Giữa tháng 5 vừa qua, đoàn công tác của tỉnh Hải Dương do đồng chí Nguyễn Hồng Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy dẫn đầu có chuyến thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa. Trong ảnh: Đoàn công tác của tỉnh Hải Dương cùng một số đoàn Trung ương dâng hương tưởng niệm Bác Hồ tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Trường Sa lớn. Ảnh: Sỹ Thắng

Quản lý bền vững biển Việt Nam, phát triển kinh tế biển... là lĩnh vực phức tạp, đa ngành nghề, sử dụng nhiều lao động, đòi hỏi nguồn nhân lực biển phải có tay nghề, có kỹ thuật nghiệp vụ, được huấn luyện và đào tạo "chuyên nghiệp"... Việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực biển là chìa khóa của sự thành công trong phát triển bền vững kinh tế biển, quản lý, sử dụng và bảo vệ tài nguyên môi trường biển Việt Nam.

Đa dạng hóa công tác đào tạo

Theo đánh giá của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, nhân lực biển Việt Nam còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng, cơ cấu nhân lực còn mất cân đối, đội ngũ nhân lực quản lý yếu về chuyên môn, nghiệp vụ. Lục lượng thuyền viên vừa chỉ đáp ứng nhu cầu hạn chế trong nước, vừa chưa có khả năng xuất khẩu như Philippines, Indonesia, Hàn Quốc, Trung Quốc… Đội ngũ nhân lực nghiên cứu sáng tạo còn ít, chất lượng chưa cao nên thành quả khoa học về biển và công nghệ phục vụ các hoạt động liên quan đến biển chưa đáp ứng được yêu cầu.

Nguyên nhân chủ yếu là do đầu tư cho việc phát triển nhân lực biển còn chưa tương xứng; đội ngũ giảng viên còn thiếu và yếu; cơ sở đào tạo, các viện nghiên cứu, phương tiện trang thiết bị, trình độ cán bộ phục vụ công tác đào tạo, phát triển nhân lực... vừa thiếu, vừa yếu, trong khi hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo về biển chưa được thúc đẩy mạnh mẽ.

Khắc phục những khó khăn đó, trong khoảng thời gian 10 năm trở lại đây, công tác phát triển nguồn nhân lực biển tại nước ta đã được quan tâm, đầu tư hiệu quả. Chính phủ đã giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai rà soát các đề án phát triển nguồn nhân lực, trong đó chú trọng phát triển nguồn nhân lực biển thông qua đào tạo (đại học và trên đại học), dạy nghề, xây dựng cơ sở đào tạo và các chương trình đào tạo nhân lực cho quản lý, khai thác biển. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội triển khai rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch mạng lưới các cơ sở dạy nghề, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế biển và theo dõi việc thực hiện chiến lược, quy hoạch phát triển nguồn nhân lực đối với lao động phục vụ Chiến lược biển.

Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã sửa đổi, bổ sung đưa vào quy chế tuyển sinh đại học, thạc sỹ, tiến sỹ các chính sách ưu tiên đối với sinh viên, học viên có hộ khẩu thường trú tại các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo. Bộ triển khai rà soát các chương trình đào tạo phục vụ phát triển kinh tế biển, hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở đào tạo mở mã ngành đào tạo phù hợp, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế biển. Hiện đã có 20 chuyên ngành đào tạo liên quan đến biển, 92 lượt cơ sở đào tạo 20 ngành ở trình độ đại học, thạc sỹ, tiến sỹ.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã đưa 15 nghề thuộc lĩnh vực kinh tế biển vào Danh mục nghề trọng điểm đào tạo nhân lực (9 nghề ở cấp độ quốc tế, 3 nghề cấp độ khu vực, 8 nghề cấp độ quốc gia). Các mô hình thí điểm cũng được xây dựng để đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng tàu cá hạng tư cho ngư dân trong việc thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020. Bên cạnh đó, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng và thực hiện 2 chương trình đào tạo nghề và 1 chương trình bồi dưỡng hoàn thiện kỹ năng nghề thuyền trưởng, máy trưởng hạng tư cho ngư dân vùng biển. Đến năm 2016, hơn 20.000 ngư dân khai thác hải sản xa bờ đã đào tạo nghề được.

Các địa phương ven biển cũng đã tăng cường hoạt động đào tạo, dạy nghề cho lao động trong các ngành nghề kinh tế biển trên địa bàn, lồng ghép nội dung phát triển nguồn nhân lực kinh tế biển trong xây dựng và thực hiện quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của địa phương đến năm 2020. Hệ thống các trường đào tạo nghề, dạy nghề tại các địa phương ven biển được đầu tư nâng cấp và thành lập mới, đến nay có 90 trường cao đẳng nghề, 133 trường trung cấp nghề và 454 trung tâm dạy nghề. Trong đó, nhiều trường cao đẳng, trung cấp nghề có đào tạo ngành nghề về kinh tế biển.

Qua từng năm, mạng lưới trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề và trung tâm dạy nghề tiếp tục được rà soát và hoàn thiện, tập trung phát triển 40 trường cao đẳng nghề chất lượng cao, 20 trường cao đẳng nghề, 75 trường trung cấp nghề và 150 trung tâm dạy nghề đào tạo các nghề trong lĩnh vực thủy sản. Tại 28 địa phương ven biển, tổng số lao động được đào tạo phục vụ trực tiếp các hoạt động khai thác, đánh bắt, chế biến hải sản là khoảng 30.000 người. Đồng thời, các địa phương cũng triển khai và nhân rộng các mô hình dạy nghề trong lĩnh vực thủy sản thông qua tổ chức thí điểm dạy nghề máy trưởng, thuyền trưởng hạng tư cho ngư dân ở 16/28 địa phương ven biển với tổng số 25.000 ngư dân (chiếm 30% số ngư dân cần được đào tạo).

Bên cạnh đào tạo trong nước, hợp tác quốc tế trong việc xây dựng và nâng cao trình độ nguồn nhân lực biển cũng đã được chú trọng. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã giao Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam làm đầu mối làm việc với Nhật Bản để cùng nhau trao đổi thống nhất về các vấn đề kỹ thuật, đề nghị phía Nhật Bản hỗ trợ chuyển giao phương tiện để đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường và nghiên cứu khoa học biển tại Việt Nam.

Đầu tháng 9.2018 vừa qua, tại Hội thảo “Chính sách đại dương - Kinh nghiệm của Nhật Bản” tổ chức tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết: Công tác đào tạo nguồn nhân lực là công tác quan trọng và được Việt Nam đặt lên hàng đầu. Trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo để cùng thống nhất và hợp tác với Nhật Bản trong vấn đề đào tạo sinh viên chất lượng cao trong lĩnh vực này.  Bên cạnh đó, Việt Nam mong muốn sẽ được Nhật Bản hỗ trợ các khóa đào tạo về quản lý các vấn đề ứng phó với thiên tai biển, bảo tồn sinh thái, môi trường, quy hoạch điều tra cơ bản, đây là những vấn đề hết sức cần thiết hiện nay.

Về phía Nhật Bản, Bộ trưởng phụ trách Chính sách đại dương Nhật Bản Fukui Teru đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam cử những đơn vị chức năng chuyên trách để phía Nhật có thể hỗ trợ Việt Nam về phương tiện (tàu nghiên cứu biển), đồng thời hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực để thực hiện các hoạt động này.

Mở rộng ngành học về biển


Đại tá Nguyễn Công Sơn, Phó Chính ủy Vùng 4 Hải quân kể về di tích nhà cao chân tại đảo Đá Đông A cho đoàn công tác. Ảnh: Sỹ Thắng

Việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực gắn với nghiên cứu khoa học phục vụ phát triển kinh tế biển trong những năm qua tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực hải sản, hàng hải và dầu khí. Để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực biển trong tình hình mới, hiện nay nhiều cơ sở đào tạo đã mở rộng các ngành học về biển, mở rộng đào tạo nhiều đối tượng theo học khác nhau trong lĩnh vực biển và đại dương.

Ngoài một số trường đại học lớn như Đại học Đà Nẵng, Đại học Huế, Đại học Nha Trang, Đại học Hàng hải Việt Nam… một số trường đại học khác đã bổ sung các chương trình đào tạo mới về kinh tế biển và quản lý biển như Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Đại học Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh... Đồng thời, các cơ sở đào tạo như Viện Y học biển, Trường đại học Y Hải Phòng đã xây dựng, hoàn thiện các khung chương trình đào tạo sinh viên, thạc sỹ y học biển và tổ chức đào tạo chuyên khoa cấp 1, chương trình đào tạo định hướng, đào tạo liên tục cho các đối tượng về chuyên ngành y học biển, cấp cứu, điều trị thành công nhiều bệnh nhân tai biến do lặn, tham gia công tác chỉ đạo tuyến, tư vấn về y học biển cho nhiều đơn vị trong ngành y tế... Nhìn chung, các trường đại học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã có những chuyên ngành, khoa, bộ môn giảng dạy, đào tạo, nghiên cứu sâu về khoa học - công nghệ biển.

Ngành hàng hải đã phối hợp với các trường đại học và các cơ sở đào tạo trong cả nước tăng cường nguồn nhân lực chuyên ngành. Cho đến nay, đội ngũ thuyền viên có trên 44.000 người, đội ngũ đăng kiểm tàu biển cũng được phát triển về số lượng và nâng tầm chất lượng theo các tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) và Hiệp hội các Tổ chức Đăng kiểm quốc tế (IACS).

Không chỉ đào tạo chính quy ở cấp đại học và sau đại học, các hoạt động đào tạo đã được các bộ, ngành, địa phương triển khai cho nhiều đối tượng khác nhau như: Cán bộ nghiên cứu khoa học, cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ, chuyên gia và đội ngũ lao động chuyên ngành kỹ thuật, ngư dân, người làm nghề biển, đội ngũ lao động trên biển, đảo và ven biển được tiến hành với nhiều hình thức đa dạng như đào tạo qua công việc, tham quan học hỏi, tập huấn kỹ năng và nghiệp vụ, mở các lớp bồi dưỡng ngắn hạn, thông qua các hoạt động khoa học – công nghệ và hợp tác quốc tế về biển, hải đảo, thông qua “vừa học, vừa làm”…

Bên cạnh đó, các nội dung tuyên truyền về biển, hải đảo được lồng ghép vào các kế hoạch giáo dục, đào tạo của các cấp học và trình độ đào tạo, gắn giáo dục và đào tạo với chủ quyền biển, hải đảo, tạo nên sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức và hành động. Nội dung tăng cường giáo dục về biển, đảo và chủ quyền biển, đảo của Việt Nam tại Biển Đông trong trường học đã được đưa vào nhiệm vụ của các trường phổ thông trên toàn quốc từ năm học 2014-2015 đến nay.

Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên cho biết, những năm qua, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các bộ, ngành và 28 địa phương ven biển thực hiện tốt kế hoạch tuyên truyền, tập huấn, thông tin về Biển Đông; đảm bảo chính xác thông tin và kịp thời cung cấp cho nhân dân; đấu tranh việc xuyên tạc công tác bảo vệ chủ quyền biển, đảo; có nhiều đổi mới về nội dung, hình thức tuyên truyền, tập huấn, phổ biến thông tin về biển, đảo theo hướng thiết thực, hiệu quả. Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương đã chú trọng phát triển nhân lực các ngành, lĩnh vực về biển như dầu khí, hàng hải, hải sản, du lịch...; xây dựng các cơ sở đào tạo, nghiên cứu ngành, nghề về biển (viện, đại học, cao đẳng, dạy nghề) dọc các thành phố biển; các cơ sở giáo dục, y tế, nhà công vụ cho cán bộ quản lý giáo  dục, y tế, giáo viên tại các vùng bãi ngang, ven biển, đảo.

Với sự đầu tư bài bản, phát triển mạnh, có thể nói công tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ các ngành nghề liên quan đến biển và đại dương thời gian qua đã đi đúng hướng. Đây cũng là "nội lực" cần có để nước ta đi lên thành một quốc gia mạnh về biển trong thời gian tới.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    10 năm thực hiện Chiến lược biển Việt Nam. Bài cuối: Tập trung phát triển nguồn nhân lực biển