10 năm dạy võ miễn phí

27/08/2017 10:04

10 năm nay, võ sư Lương Ấn Đường, 46 tuổi, huyền đai đệ thất đẳng taekwondo, Chủ tịch Hội taekwondo Q.Ô Môn, TP Cần Thơ đã mở những lớp dạy võ miễn phí cho mọi người.


Võ sư Đường uốn nắn, chỉnh sửa động tác cho từng võ sinh - Ảnh: M.T.


10 năm, võ sư Đường đã dạy miễn phí cho trên 4.000 lượt võ sinh. Nhờ tập võ mà võ sinh có sức khỏe tốt, bảo vệ được tài sản khi gặp trộm cướp hoặc khi xui rủi gặp tai nạn biết thế né hay cách té ngã để không bị thương...

“Học võ để làm gì?”

Mỗi tối, tại võ đường có diện tích 704m2, võ sư Đường cùng 4 trợ lý giảng dạy cho khoảng 100 võ sinh thuộc 4 lớp: lớp thiếu niên nhi đồng, lớp taekwondo tự vệ dành cho nữ sinh, lớp taekwondo ITF và lớp taekwondo WTF. Võ sư Đường cùng trợ lý Đức hướng dẫn cho các học trò cách hóa giải khi bị người khác ôm sau lưng. Giọng ông sang sảng: “Trước tiên ta chùn người xuống, một tay chụp tay đối phương, một tay lòn ngược chéo qua hông đối phương để quật đối phương xuống”.

Vừa nói ông vừa thực hành quật Đức té xuống một cách ngoạn mục. Rồi ông cho trò bắt cặp với nhau thực hành đến khi thuần thục. Tiếp đó, ông đến nhóm “taekwondo tự vệ nữ” cùng trợ lý Tiên hướng dẫn cho võ sinh kỹ thuật tự vệ khi bị kẻ gian giật túi xách. Tiên đóng vai kẻ cướp, chạy ngang giật túi xách của ông, ông nắm túi xách ngồi ghì xuống, Tiên chịu không nổi lực kéo liền buông túi xách ra.

Thị phạm xong, ông giảng giải: “Khi ngồi ghì xuống, lực chúng ta sẽ mạnh hơn khiến đối phương mất thăng bằng sẽ buông tay nếu không muốn té. Còn nếu chúng ta cứ đứng nắm túi xách giằng co thì chẳng những bị té, mà túi xách cũng bị giật mất. Nhớ khi ngồi chúng ta phải ngồi chân trước chân sau, chứ không phải ngồi bệt xuống”.

Trước khi buổi học kết thúc, ông hỏi các môn sinh: “Các con cho thầy biết: mục đích học võ để làm gì?”. Tất cả đồng thanh: “Dạ, để rèn luyện sức khỏe, để tự vệ, giúp người sức yếu thế cô...”.

Phổ cập võ học

10 năm trước, võ sư Đường quyết định mua đất xây võ đường dạy võ nhằm giúp những người yêu võ nhưng không có tiền đóng học phí có được cơ hội học các đòn thế của võ thuật. Dần theo sự phát triển của xã hội đã nảy sinh những vấn đề nhức nhối khác: tình trạng cướp giật, trẻ em bị xâm hại tình dục... nên ông càng muốn đưa võ đến với mọi người, nhằm giúp họ trang bị những kỹ năng tự vệ khi có nguy hiểm bất ngờ ập đến.

Ông nói: “Khi một đứa trẻ bị xâm hại sẽ ám ảnh đến cả tương lai, còn nếu bị giật túi xách thì họ chẳng những mất giấy tờ, tiền bạc, tư trang, mà thậm chí còn nguy hiểm đến tính mạng nếu không biết cách chống đỡ. Trong khi đó, nếu biết võ thì tự khắc các em sẽ biết cách hóa giải, hạn chế bị tổn thương...”. Với suy nghĩ đó, nên ông mở thêm nhiều khóa phục vụ các đối tượng khác nhau. Bình quân một năm ông mở 5-6 khóa, thu hút 400 học viên.

Ông phải soạn riêng từng giáo án sao cho phù hợp với sức khỏe, độ tuổi, giới tính và thời gian luyện tập của từng nhóm đối tượng. Chẳng hạn như lớp thiếu niên nhi đồng chủ yếu học tấn pháp, 26 tư thế gạt đỡ, cốt yếu biết được cách không cho kẻ xấu tiếp cận, cách thoát thân khi bị khống chế cũng như rèn sức khỏe.

Riêng lớp tự vệ dành cho nữ sinh, ông soạn giáo trình kết hợp đào tạo vệ sĩ với ứng dụng tập luyện sao cho thời gian học chỉ ba tháng nhưng võ sinh sẽ thuần thục các kỹ thuật tự vệ, hay cách giữ điện thoại khi bị giật... Tất nhiên trong quá trình dạy ông luôn nhắc nhở người học về đức võ, không được ỷ mạnh hiếp yếu, không được dùng võ làm chuyện trái đạo lý.

Phụng sự cuộc sống

Chị Huỳnh Mai Anh - võ sinh của võ sư Đường - cho biết lần đó chị đang cầm túi xách đi bộ trên vỉa hè thì bị hai kẻ gian đi xe máy từ phía sau chạy tới giật lấy. Theo phản xạ, chị dùng chiêu thế mà mình được học giữ túi xách lại, khiến tên cướp phải buông tay bỏ chạy.

Chị Nguyễn Ngọc Thảo, mẹ bé Lương Thảo Vy, tâm sự: “Dẫu dạy miễn phí nhưng thầy dạy rất nhiệt tình, động tác nào võ sinh không làm được là thầy chỉ đi chỉ lại tường tận. Thầy còn dạy về lễ nghĩa, con cái phải biết hiếu thảo với cha mẹ, phải biết dũng cảm cứu người nên tôi rất yên tâm cho con theo thầy học võ”.

Nhiều phụ huynh có con em không chịu học hành, chỉ lo nghịch phá, gây gổ đánh người thì gửi đến nhờ ông uốn nắn giùm. Tiếng lành cứ thế đồn xa, võ sinh đến học ngày càng đông khiến võ đường không đủ sức chứa, ông phải mua thêm miếng đất sát bên cạnh võ đường để mở rộng diện tích.

10 năm dài, ông dốc hết thời gian, sức lực, tiền bạc và vật chất cho võ đạo bởi theo ông: “Đó là chuyện mà con nhà võ phải làm để trả ơn những gì đã thụ thưởng từ võ. May mắn là vợ chồng tôi có tiệm thuốc tây nên kinh tế cũng khá giả. Bà xã cũng là dân võ nên hết lòng ủng hộ tôi mở lớp võ miễn phí, giúp tôi toàn tâm toàn lực cống hiến hết mình cho việc dạy võ”.


MINH TÂM (Tuổi trẻ)

(0) Bình luận
10 năm dạy võ miễn phí