10% lao động giúp việc bị quấy rối tình dục

21/12/2012 15:55

Hơn 30% số lao động giúp việc tại gia đình bị bạo lực, gần 10% bị quấy rối tình dục, đề nghị quan hệ hoặc ép quan hệ tình dục.

Bộ Luật Lao động mới, được thông qua vào tháng 6-2012, lần đầu tiên công nhận giúp việc gia đình là một nghề và dành 5 điều khoản cụ thể điều chỉnh loại hình lao động này.

Bà Lin Lean Lim, chuyên gia cao cấp và cố vấn của ILO về Bình đẳng giới và Việc làm bền vững nhận định: Đây là một sự đột phá, tuy nhiên cần phải luật hóa vấn đề lao động giúp việc, bởi bộ phận này đang ngày một tăng trong lực lượng lao động.

Một nghiên cứu do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và ILO thực hiện trong năm 2011 cho thấy, 46% các hộ gia đình được khảo sát ở Hà Nội và TP HCM có người giúp việc và tỷ lệ này tăng hơn gấp đôi so với giai đoạn trước năm 2000. Nữ giới chiếm tới 90,7% các giúp việc gia đình và phần lớn là lao động nhập cư.   


Một phụ nữ giúp việc bị chủ nhà hành hạ phải nhập viện (Ảnh: TNO)

Bà Lin Lean Lim cho biết: “Cả hai nhóm này đều dễ bị tổn thương, dễ trở thành nạn nhân của phân biệt đối xử, bóc lột và lạm dụng. Bởi vậy, đưa giúp việc gia đình vào Luật cũng đồng nghĩa với việc thúc đẩy việc làm bền vững, bình đẳng giới và bảo vệ lao động dễ bị tổn thương”.

Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân đồng ý rằng, vấn đề giúp việc gia đình là một vấn đề lớn của Việt Nam, không chỉ bởi nhu cầu gia tăng trong xã hội, mà còn ở chỗ Việt Nam đưa lao động giúp việc ra nước ngoài và tiếp nhận giúp việc nước ngoài làm việc, đặc biệt là ở TP HCM.  

Ông Phạm Minh Huân thừa nhận, việc thực hiện những điều khoản mới quy định về giúp việc gia đình không phải là một điều đơn giản. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hiện đang soạn thảo tài liệu hướng dẫn thi hành các điều khoản này, trước khi Bộ Luật có hiệu lực vào tháng 5-2013, đồng thời đang xem xét ra một nghị định dưới luật.

Bà Lim cho rằng, văn bản hướng dẫn cần định nghĩa cụ thể về lao động giúp việc gia đình, quy định các vấn đề chính trong hợp đồng lao động và phải bao gồm cả các công ty môi giới cung cấp lao động giúp việc; đồng thời bà khuyến nghị rà soát lại các điều khoản khác trong Bộ Luật Lao động, như lương tối thiểu và bảo hiểm xã hội, để xem những phần nào được áp dụng cho lao động giúp việc gia đình.   

Theo số liệu từ Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, có tới hơn 30% số lao động giúp việc tại gia đình bị bạo lực, gần 10% bị quấy rối tình dục, đề nghị quan hệ hoặc ép quan hệ tình dục. 50% số lao động nghĩ đây là việc làm thời vụ và 100% số lao động đi giúp việc không coi đây là công việc, đa phần họ không có BHYT và BHXH.

Lại Thìn(VOV)
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    10% lao động giúp việc bị quấy rối tình dục