Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam (VAAS) thời gian qua đã nghiên cứu thành công nhiều giống cây trồng mới. Xin giới thiệu10 giốngđiển hình.
1. Giống hoa cúc VCM1
Nguồn gốc:
Viện Di truyền Nông nghiệp.
Giống VCM1 được chọn tạo theo mục tiêu cải tiến giống từ việc chiếu xạ in vitro trên giống gốc CN43 có hoa màu trắng được nhập nội từ Hà Lan, đã tạo ra giống cúc mới có hoa màu vàng tươi. Giống được Bộ NN-PTNT công nhận cho sản xuất thử tại Quyết định số 235/QĐ-TT-CLT, ngày 15/7/2010.
Đặc điểm chính:
Là giống cúc để 1 bông/cây, hoa có màu vàng tươi. Thời gian sinh trưởng từ 90-95 ngày, cây cao 65-68cm, đường kính hoa 8-10cm, độ bền hoa cắt 10 - 12 ngày. Giống có ưu điểm trồng được cả vụ sớm và vụ muộn, góp phần rải vụ hoa nâng cao hiệu quả kinh tế, thu nhập bình quân trong sản xuất là 150-160 triệu đồng/ha
Điển hình:
Đã được áp dụng thành công tại một số tỉnh phía Bắc (Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Phòng, Lào Cai, Thanh Hóa, Quảng Bình)
Địa chỉ liên hệ:
Viện Di truyền Nông nghiệp, đường Phạm Văn Đồng, Từ Liêm, Hà Nội, điện thoại: 04.38360631.
2. Giống khoai sáp MDH.01
Nguồn gốc:
Viện KHKT Nông nghiệp duyên hải Nam Trung bộ.
Giống khoai sáp MDH.01 là dòng vô tính được chọn lọc từ quần thể mẫu giống địa phương Phước Sọ - Nghệ An (dòng 95-03) trong tập đoàn 80 giống khoai sáp (khoai mùng) thu thập từ năm 1993-1995 của Trung tâm Tài nguyên Thực vật, được Viện KHKT Nông nghiệp DHNTB khảo nghiệm, sản xuất thử tại Phú Yên và Gia Lai. Giống khoai sáp MDH.1 đã được Bộ NN-PTNT công nhận sản xuất thử tại Quyết định số 608/QĐ-TT-CLT ngày 14/12/2010.
Đặc điểm chính:
Thời gian sinh trưởng 9-9,5 tháng. Chiều cao cây 80-85 cm. Dạng củ con hình trứng dài, củ cái hình trứng, kích thước củ cái nhỏ. Số củ con/khóm là 8,6; tỷ lệ củ thương phẩm cao (71-80%). Năng suất 24,03 tấn/ha tại Phú Yên và 27,88 tấn/ha tại Gia Lai, cao hơn giống đối chứng từ 37,7 - 42,9%.
Tỷ lệ chất khô 33,32%; màu thịt trắng, chất lượng ăn luộc bở, thơm, ngon và không ngứa. Khá sạch bệnh, chịu được bệnh mốc sương, không bị bệnh thối củ, thối rễ.
Địa chỉ liên hệ:
Viện KHKT Nông nghiệp duyên hải Nam Trung bộ, đường Tây Sơn, KV8, phường Nhơn Phú, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, điện thoại: 056.3846626/056.3646792.
3. Giống sắn KM140
Nguồn gốc:
Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Nông nghiệp Hưng Lộc (Viện KHKT Nông nghiệp miền Nam).
KM140 là con lai của tổ hợp KM98-1 x KM36 được chọn lọc từ năm 1998. Giống sắn KM 194 đã được Bộ NN-PTNT công nhận chính thức tại Quyết định số 359/QĐ-TT-CCN ngày 20/9/2010.
Đặc điểm chính:
Thời gian thu hoạch hợp lý từ 7- 10 tháng sau khi trồng. Bình quân năng suất củ tươi đạt 33,4 tấn/ha (trong điều kiện thâm canh như Đồng Nai, Tây Ninh có thể đạt 40-50 tấn/ha), hàm lượng tinh bột 27,2%, hàm lượng HCN 105,9 mg/kg chất khô. Thân thẳng, nhặt mắt, thích hợp với điều kiện sinh thái Việt Nam. Dạng củ đồng đều, thịt củ màu trắng, thích hợp với chế biến và thị trường.
KM140 là giống sắn cao sản nên chỉ thích hợp với điều kiện thâm canh.
Điển hình:
Giống sắn KM140 hiện đã được trồng rộng rãi trên toàn quốc với diện tích hàng trăm ngàn ha.
Địa chỉ liên hệ:
Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Nông nghiệp Hưng Lộc, xã Hưng Thịnh, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai, điện thoại: 061. 3868146; 3868981; 0918 064 926; email: tckhanh64@gmail.com; website: http:www.iasvn.org.
4. Giống lúa OM6161
Nguốn gốc:
Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long.
Giống lúa OM6161 được chọn lọc từ tổ hợp lai C51/Jasmine 85 (marker), dòng triển vọng được chọn bằng marker, sau đó đưa vào khảo nghiệm từ vụ hè thu 2006. Giống được công nhận chính thức tại Quyết định số 457 QĐ-TT-CLT ngày 05/11/2010. Giống được cấp Bằng bảo bộ giống cây trồng mới tháng 2/2011.
Đặc điểm chính:
Thời gian sinh trưởng 95-100 ngày, thân rạ cứng, cao cây 110-112cm, đẻ nhánh khá, số bông/khóm 8-12 bông, khối lượng 1.000 hạt 29,8g. Năng suất trung bình vụ ĐX 6-7 tấn/ha; HT 5-6,5 tấn/ha. Tỷ lệ gạo lức 79%, tỷ lệ gạo trắng 69,47% và tỷ lệ gạo nguyên 51,47%. Chiều dài hạt 7,0mm, dài/rộng 2,28mm. Độ bạc bụng cấp 1. Độ trở hồ cấp 5. Độ bền gel 72,33 mm. Hàm lượng amylose 19-20%. Mùi thơm cấp 2. Có khả năng kháng được bệnh đạo ôn (cấp 3) và kháng rầy nâu (cấp 3).
Điển hình:
Đây là giống rất tốt để đưa ra diện rộng và bổ sung vào cơ cấu giống cho các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long và Nam Trung bộ như Cần Thơ, An Giang, Tiền Giang, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Tháp, Bến Tre (đặc biệt ở Hậu Giang diện tích phát triển rất mạnh nên giống này còn có tên Hậu Giang 2).
Địa chỉ liên hệ:
Bộ môn Di truyền và chọn giống, Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long, xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, điện thoại: 0710.3861386.
5. Giống thanh long ruột tím hồng LĐ5
Nguồn gốc:
Viện Cây ăn quả miền Nam.
Giống thanh long LĐ5 được chọn tạo theo mục tiêu đa dạng hóa sản phẩm quả thanh long trên thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, từ lai hữu tính giữa giống thanh long ruột đỏ Long Định 1và giống thanh long ruột trắng Chợ Gạo. Năm 2010 giống thanh long LĐ5 được Bộ NN-PTNT công nhận sản xuất thử tại đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam bộ.
Đặc điểm chính:
Cây sinh trưởng mạnh, cành trưởng thành khá to, khỏe, có hình dạng và màu sắc khá giống cành thanh long ruột trắng và thanh long ruột đỏ Long Định 1, đọt non có màu đỏ hồng, gần giống với giống thanh long ruột đỏ Long Định 1. Khả năng ra hoa mạnh và gần như quanh năm, hoa có khả năng thụ phấn tự nhiên để tạo quả. Thời gian từ khi trồng đến khi ra hoa đầu tiên từ 9-11 tháng, ra hoa chính vụ từ tháng 3-8 và có khả năng ra hoa tự nhiên trái vụ từ tháng 10-2. Khả năng cho quả 10-12 tháng sau khi trồng. Trong vụ chính, năng suất trung bình đạt 10,34kg/trụ/vụ (cây 16 tháng tuổi). Trong vụ nghịch, năng suất trung bình đạt 2,74 kg/trụ/vụ (cây 18 tháng tuổi).
Khối lượng trung bình 350-400g, vỏ quả màu đỏ tươi, sáng, khá bóng, tai quả có màu xanh đến xanh đỏ và khá cứng. Thịt quả có màu tím hồng, vị ngọt chua nhẹ, độ brix đạt trung bình 16,7%, thịt quả khá chắc trung bình 0,96 kg/cm2.
Điển hình:
Đang sản xuất thử tại Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An và Tiền Giang.
Địa chỉ liên hệ:
Công ty Tư vấn đầu tư và phát triển nghề vườn, Viện Cây ăn quả miền Nam, xã Long Định, Châu Thành, Tiền Giang, điện thoại: 073.3893127.
6. Giống dưa bở vàng thơm số 1
Nguồn gốc:
Viện Cây Lương thực và cây thực phẩm.
Giống được chọn lọc theo phương pháp chọn lọc cá thể đồng dạng từ các mẫu giống dưa bở nhập nội năm 1997. Giống được Bộ NN-PTNT công nhận sản xuất thử tại Quyết định số 632/QĐ-TT-CLT ngày 24/12/2010.
Đặc điểm chính:
Thời gian sinh trưởng 70-75 ngày. Thích hợp trồng trong vụ xuân hè, vụ hè tại các tỉnh đồng bằng sông Hồng. Dạng hình khỏe, thân và lá xanh đậm, khả năng phân nhánh trung bình. Quả dạng tròn cao, khối lượng quả 1,2-1,3kg, khi chín vỏ màu vàng sẫm, cùi dày, màu trắng ngà, hàm lượng chất khô 5,35%, hàm lượng tinh bột 2,58%, độ Brix 4,8%, rất thơm. Năng suất ổn định đạt 33,7-34,8 tấn/ha. Lưu ý: giống chịu lạnh kém.
Địa chỉ liên hệ:
Bộ môn Cây Thực phẩm, Viện Cây lương thực và cây thực phẩm, xã Liên Hồng, Gia Lộc, Hải Dương, ĐT: 0320.3716386.
7. Giống nấm Ngọc châm
Nguồn gốc:
Trung tâm Công nghệ sinh học thực vật, Viện Di truyền nông nghiệp.
Giống được chọn lọc từ nguồn vật liêu nhập nội từ Italia. Giống được công nhận sản xuất thử tại Quyết định số 193/QĐ-TT-CLT ngày 9/5/2011.
Đặc điểm chính:
Nhiệt độ sinh trưởng của hệ sợi 10-35oC, thích hợp nhất 22-25oC. Nhiệt độ sinh trưởng của quả thể 5-18oC, thích hợp nhất 12-14oC. Thời gian sinh trưởng pha sợi: 70-80 ngày. Thời gian phát triển, ra quả thể, thu hái: 15-20 ngày/đợt thu hoạch. Khả năng chống chịu sâu bệnh tốt.
Quả thể mọc thành cụm (5-15 quả thể/cụm), màu trắng muốt, cuống dài 5- 9 cm, đường kính mũ 2,3-3,5 cm. Nấm có mùi thơm của hải sản, ngọt tự nhiên, tươi lâu khi bảo quản, vận chuyển ít bị gãy dập. Năng suất trung bình đạt 25kg nấm tươi/1 tấn nguyên liệu khô. Nguyên liệu nuôi trồng chính: mùn cưa, bông phế loại...
Điển hình:
Đã áp dụng sản xuất Hà Nội, Hưng Yên, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Nam Định.. đạt kết quả tốt và ổn định.
Địa chỉ liên hệ:
Trung tâm CNSH thực vật, Viện Di truyền Nông nghiệp, đường Phạm Văn Đồng - Từ Liêm - Hà Nội, điện thoại: 04.38364296/ 3.8386632; Fax: 04.37541159.
8. Giống đậu tương rau AGS346
Nguồn gốc:
Viện Nghiên cứu Rau quả.
Giống đậu tương rau AGS 346 đã được AVRDC chọn lọc từ tổ hợp lai {Ryokkoh x (Shih SHih x SRF 400)} x Emerald, nhập nội về Việt Nam 1995. Giống được công nhận chính thức tại Quyết định số 31/QĐ-TT-CLT ngày 29 tháng 1 năm 2011.
Đặc điểm chính:
Hoa tím, vỏ hạt non màu xanh, hạt khô màu vàng xanh. Dạng sinh trưởng trung gian, dạng cây bán đứng. Thời gian thu hoạch quả xanh tùy theo vụ, sau khi trồng khoảng 63-70 ngày (vụ thu đông), 75-80 ngày (vụ xuân). Khả năng thích ứng rộng và chống đổ khá, chống chịu tốt với một số sâu bệnh hại chính như sâu đục quả, sâu cuốn lá, bệnh gỉ sắt...
Khối lượng 100 hạt tươi >52g, số quả tươi/500g từ 195-203 quả, chiều dài quả 4,7-5,3cm, chiều rộng quả 1,3-1,45cm, năng suất quả thương phẩm đạt 10-13 tấn/ha. Hạt có vị ngọt, mềm, dễ tách vỏ sau luộc.
Điển hình:
Đã được áp dụng thành công tại một số tỉnh như Hải Phòng, Hải Dương, Hà Tây cũ, Thái Bình, Nghệ An, An Giang.
Địa chỉ liên hệ:
Bộ môn Rau - gia vị, Viện Nghiên cứu Rau quả, Trâu Quỳ - Gia Lâm - Hà Nội, điện thoại: 04.38276 312.
9. Giống chuối tiêu VN-1064
Nguồn gốc:
Viện KHKT Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc.
Giống VN-1064 tuyển chọn từ tập đoàn giống chuối lưu giữ tại Phú Hộ, Phú Thọ. Mẫu tuyển chọn được thu thập tại xã Bản Nguyên, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú thọ năm 1994. Giống được Bộ NN-PTNT công nhận giống chính thức tại Quyết định số 1147 QĐ/BNN-KHCN, ngày 19/4/2006.
Đặc điểm chính:
Chiều cao thân giả 220-250 cm, mầu vàng sáng ít mảng nâu đen. Chiều dài phiến lá 190-200 cm, chiều rộng phiến lá 80-85 cm, thế lá hơi đứng không uốn cong ở đầu lá, gân chính mầu trắng vàng sáng, mặt sau lá có phấn trắng.
Thời gian từ trồng đến thu hoạch: 285 ngày. Năng suất: 50-60tấn/ha (mật độ trồng 2.500cây/ha). Số nải/buồng: 9-12, số quả/buồng: 145-165, khối lượng buồng: 22-25 kg. Chiều dài quả: 19 cm, đường kính quả: 4 cm, tỷ lệ thịt quả: 70%, màu sắc vỏ quả lúc chín vàng tươi không bị rụng quả.
Điển hình:
Một số mô hình sản xuất tiêu biểu: Xã Bản Nguyên, huyện Lâm Thao, Phú Thọ; xã Cao Xá, Việt Trì, Phú Thọ; xã Hương Nộn, Tam Nông, Phú Thọ; huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc.
Địa chỉ liên hệ:
Trung tâm Nghiên cứu và phát triển rau hoa quả, Viện KHKT NLN miền núi phía Bắc, xã Phú Hộ, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ, ĐT: 0210.3760092; website: www.nomafsi.com.vn.
10. Giống cà phê chè TN1
Nguồn gốc:
Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên.
Giống TN1 là con lai F1 giữa KH3-1 (vật liệu hoang dại được thu thập từ Ethiopia) x Catimor (giống thương mại đang được trồng phổ biến tại Việt Nam). Giống TN1 được Bộ NN-PTNT công nhận giống chính thức năm 2010.
Đặc điểm chính:
Cây ghép sinh trưởng trung bình, thấp cây, bộ tán bé và gọn, lóng đốt ngắn. Ngoại hình không khác nhiều với giống Catimor. Sau 30 tháng trồng cây cao 157cm, chiều dài cành cấp 1 khoảng 70 -75cm và có 19 đốt. Cành cấp 1 vươn thẳng tạo với thân chính một góc 55 - 600. Quả chín có màu đỏ, khối lượng 100 nhân trên 16g, tỷ lệ tươi/nhân thấp khoảng 5,5 - 6 tùy điều kiện trồng trọt. Khả năng phân cành cấp 2 nhiều và có tiềm năng năng suất rất cao. Kháng rất cao với bệnh gỉ sắt.
Điển hình
Các vùng trồng cà phê chè chính của các tỉnh: Sơn La, Điện Biên, Hòa Bình, Quảng Trị, Đăk Lăk, Lâm Đồng.
Địa chỉ liên hệ:
Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, 53 Nguyễn Lương Bằng, TP Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk, ĐT: 0500.3862092; website: www.wasi.org.vn.