Người chủ của bức tranh "Cô gái đeo đồng hồ" có giá 139,3 triệu USD đã bắt đầu sưu tập các tác phẩm nghệ thuật sau một vụ trộm lớn ở nhà riêng.
Năm 2022, ngành đấu giá tranh phục hồi sau thời kỳ tạm lắng do đại dịch. Đó là một năm thịnh vượng với nhiều kỷ lục mới, đặc biệt là bộ sưu tập huyền thoại của Paul Allen - người đồng sáng lập Microsoft với Bill Gates.
Sang năm 2023, theo Value, thị trường nghệ thuật có sự điều chỉnh và hạ nhiệt, một phần do thách thức của nền kinh tế toàn cầu. Tổng giá trị của 10 bức tranh đắt nhất được bán đấu giá là 675,4 triệu USD, giảm 44,5 triệu USD so với năm ngoái. Christie's và Sotheby's duy trì sự thống trị trong đó, Christie's bán 6 bức trong danh sách và Sotheby's bán 4 bức còn lại. Tám trong số mười tác phẩm hàng đầu đã được bán ở New York (Mỹ). Danh họa người Áo Gustav Klimt chiếm hai vị trí bao gồm bức tranh đắt thứ hai.
Femme à la montre (Cô gái đeo đồng hồ) - Pablo Picasso: 139,3 triệu USD
Bức tranh đắt nhất năm 2023 thuộc về Femme à la montre (1932) của Pablo Picasso, đạt 139,3 triệu USD tại Sotheby's New York (Mỹ) vào tháng 11, đồng thời trở thành tác phẩm có giá trị thứ hai của họa sĩ được bán đấu giá.
Bức tranh rực rỡ vẽ Marie-Thérèse Walter - nàng thơ đồng thời là người tình của Picasso. Sáng tác gây chú ý không chỉ vì nền màu xanh rực rỡ mà còn là sự xuất hiện của một chiếc đồng hồ. Mô típ chiếc đồng hồ chỉ xuất hiện trong ba bức chân dung suốt cả sự nghiệp của Picasso.
Đầu tiên là bức chân dung Olga - người vợ đầu tiên của Picasso từ năm 1917, một năm trước đám cưới của họ. Hơn một thập kỷ sau, mô típ này lại xuất hiện trong Femme à la montre, chiếc đồng hồ nằm trên cổ tay của của Walter, người đã "mượn" phụ kiện cũng như chiếm lấy tình cảm của Picasso. Bức tranh thứ ba được vẽ năm 1936, khi Picasso ly hôn với Olga đồng thời hết yêu Walter.
Tác phẩm trước khi bán đấu giá vào tháng 11/2023 thuộc về bà Emily Fisher Landau, một trong những nhà sưu tập và bảo trợ nghệ thuật vĩ đại nhất của Mỹ.
Năm 1966, nhà môi giới Ernst Beyeler đã chọn lọc bức Femme à la montre từ xưởng vẽ của Picasso. Hai năm sau, bà Landau mua lại tác phẩm và lưu giữ suốt 55 năm qua cho tới khi bà qua đời vào 27/3/2023 ở tuổi 103.
Nổi lên với tư cách là người bảo trợ từ cuối những năm 1960, bà Landau từng hào phóng tặng hơn 400 tác phẩm cho Bảo tàng Nghệ thuật Whitney. Năm 1991, bà thành lập Trung tâm Nghệ thuật Fisher Landau và chào đón công chúng tới thưởng lãm bộ sưu tập 1.500 tác phẩm của mình.
Theo New York Times, mối duyên với nghệ thuật của bà Landau bắt đầu từ một vụ trộm. Năm 1969, một băng nhóm đột nhập vào ngôi nhà ở New York (Mỹ) của bà Landau và chồng là doanh nhân Martin Fisher. Những tên trộm cải trang thành thợ sửa điều hòa lấy đi những bộ trang sức tuyệt đẹp mà ông Fisher tặng cho vợ qua nhiều năm.
Sau khi nhận được tiền bảo hiểm cho các món đồ bị ăn trộm, bà Landau quyết định đầu tư vào nghệ thuật. Cuối cùng, bà đã sở hữu một trong những bộ sưu tập đáng ngưỡng mộ nhất ở Mỹ. "Tôi chưa bao giờ chọn thứ gì vì nó hợp thời trang. Đó luôn luôn là những gì tôi thích theo bản năng", bà Landau tâm sự.
Nguyên tắc đó định hướng hoạt động sưu tập của người phụ nữ này trong nhiều thập kỷ tiếp theo. Bức Femme à la Montre là một trong những thương vụ đầu tiên của bà Landau.
Rất ít nhà sưu tập non trẻ có đủ tự tin để mua tranh Picasso nhưng con mắt sắc sảo của bà Landau đã khiến nhà sưu tập ra quyết định nhanh chóng. Sáng tác của Picasso luôn là trung tâm trong bộ sưu tập của bà hơn 5 thập kỷ, được treo trong ngôi nhà ở New York.
9 tác phẩm đắt giá khác
T.H (theo Vietnamnet)