Một trong những thách thức lớn nhất sắp tới của Trung Quốc là đợt "xuân vận", khi dự kiến khoảng 1,7 tỷ lượt khách đi lại trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm nay.
Không nên đánh giá thấp nguy cơ COVID-19 nghiêm trọng trở lại, căn cứ vào số lượng lớn người đi lại trong xuân vận. Nếu không, những nỗ lực tối đa của Trung Quốc từ năm ngoái sẽ vô ích.
Bác sĩ Vương Quảng Phát (người đứng đầu khoa hô hấp tại Đệ nhất y viện thuộc Đại học Bắc Kinh) bình luận
Bà Vương Bân, chuyên viên thuộc Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc, đánh giá "xuân vận" sẽ là "đợt kiểm tra lớn" đối với công tác phòng chống dịch.
Sau khi kiểm soát được dịch bệnh tại Vũ Hán đầu năm 2020 và giữ số ca nhiễm mới trên cả nước ở mức thấp, đầu năm 2021 tình hình dịch tại Trung Quốc có dấu hiệu nghiêm trọng trở lại khi gần đây ghi nhận hơn 100 ca/ngày.
Lo lắng gia tăng
Nhìn chung, Trung Quốc đã kiểm soát được sự lây lan của COVID-19, với nhiều nơi ở nước này quay lại tình trạng bình thường vào cuối năm 2020. Tuy nhiên, sự gia tăng ca nhiễm đột ngột ngay trước Tết Nguyên đán năm nay đã gây nhiều lo ngại, đặc biệt viễn cảnh giống Vũ Hán năm ngoái.
Hàng triệu người ở tỉnh Hà Bắc, quanh Bắc Kinh và các tỉnh đông bắc Trung Quốc đã bị đặt vào tình trạng phong tỏa gần đây khi nước này chứng kiến đợt bùng phát dịch mới nghiêm trọng nhất kể từ tháng 3.2020.
Tuần này, Thủ đô Bắc Kinh bị phong tỏa một phần sau khi ghi nhận nhiều ca nhiễm trong cộng đồng. Tất cả 1,7 triệu dân tại quận Đại Hưng - nơi có một trong 2 sân bay quốc tế của Bắc Kinh - không được rời Bắc Kinh nếu họ không có giấy phép đặc biệt từ nhà chức trách và kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính. Bắc Kinh chính thức có vùng nguy cơ cao (tại Đại Hưng) và ít nhất 3 vùng nguy cơ trung bình.
Tuy nhiên, việc áp dụng các biện pháp chống dịch khắt khe kèm theo những vấn đề nảy sinh trước tết như tăng giá thực phẩm đang khiến người dân Bắc Kinh than phiền. "Nếu muốn chúng tôi ở tại Bắc Kinh trong kỳ nghỉ tết thì đầu tiên cần kiểm soát giá rau củ. Ở lại đây, tôi sẽ không thể ăn được món sủi cảo" - một người dùng Weibo bình luận.
Ngày 21.1, TP Thượng Hải - trung tâm thương mại của Trung Quốc - cũng ghi nhận 3 ca lây nhiễm trong cộng đồng đầu tiên trong vòng 2 tháng. Thượng Hải đã triển khai xét nghiệm tất cả nhân viên tại các bệnh viện đầu ngày 21.1, sau khi 2 nhân viên tại 2 cơ sở khác nhau có kết quả xét nghiệm COVID-19 "đáng nghi".
Hôm 20.1, TP Thụy Lệ thuộc tỉnh Vân Nam ở tây nam Trung Quốc, một địa điểm du lịch nổi tiếng, đã ngăn nhập cảnh với các du khách từ nước ngoài. Thành phố này cũng xét nghiệm tất cả công dân Trung Quốc đến từ những khu vực được chỉ định có nguy cơ cao hoặc trung bình, đồng thời yêu cầu họ cách ly 3 tuần (trong đó có 2 tuần tại cơ sở cách ly tập trung).
"Một ngôi làng, một chính sách"
Trung Quốc lên kế hoạch áp dụng các yêu cầu xét nghiệm COVID-19 khắt khe trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Trong đó, những người từ tỉnh khác về các vùng nông thôn sẽ phải có kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính trong vòng 7 ngày. Tuy nhiên, còn nhiều chi tiết vẫn chưa được công bố chính thức.
Trong bối cảnh đó, Trung Quốc đẩy mạnh xử lý tình hình dịch bệnh hiện tại để chuẩn bị cho một cái tết đỡ căng thẳng. Theo Hãng tin Reuters, hiện nay Trung Quốc đang sử dụng các chiến thuật địa phương hóa để đối phó đợt bùng phát dịch mới, nhằm tránh sử dụng biện pháp phong tỏa trên diện rộng - vốn đã ảnh hưởng nặng nề tới nền kinh tế năm ngoái.
Tại tỉnh Hà Bắc, trong một cuộc họp đầu tuần này, các quan chức đã được thông báo về việc tuân thủ nguyên tắc "một ngôi làng, một chính sách" và vạch các kế hoạch riêng cho mỗi cộng đồng. Trung Quốc cũng giao cho chính quyền các tỉnh và các chủ thuê lao động thúc giục hoặc khuyến khích người dân không đi lại trong kỳ nghỉ tết sắp tới, bắt đầu từ ngày 12.2.
Giới chức y tế nhấn mạnh ở những vùng nông thôn còn lỗ hổng trong công tác kiểm soát dịch, các địa phương phải có cơ sở xét nghiệm axit nucleic với khả năng cho ra kết quả trong 12 giờ. Các chính quyền cấp tỉnh và thành phố phải sẵn sàng hỗ trợ vùng nông thôn khi xuất hiện đợt bùng phát mới.
Ngày 21.1, trang web của Chính phủ Trung Quốc đã đăng lại một thông điệp của Hãng Tân Hoa xã: "Tuyệt đối không xả hơi!". Tân Hoa xã đưa ra lời kêu gọi này vào ngày trước đó khi đánh giá về tình hình dịch tại Hà Bắc, cho rằng dù những ngày gần đây số ca nhiễm mới ở tỉnh Hà Bắc tăng chậm lại nhưng tỉnh này vẫn đang trong thời kỳ cần cảnh giác cao.
144 Ngày 21.1, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc cho biết nước này ghi nhận thêm 144 ca bệnh COVID-19 trong ngày 20.1, bao gồm 126 ca lây nhiễm trong cộng đồng xuất hiện chủ yếu ở miền bắc gồm tỉnh Hắc Long Giang (68 ca), Cát Lâm (33), Hà Bắc (20), Sơn Tây (2), Sơn Đông (1) và Thủ đô Bắc Kinh (2). Tính đến nay, hơn 15 triệu người ở Trung Quốc đã được tiêm vắcxin ngừa COVID-19. |
Theo Tuổi trẻ