Đợt nóng khủng khiếp vừa qua biến Pháp và nhiều nước châu Âu như nằm trong "chảo nóng". Tại Pháp, các quan chức y tế cho biết có đến 1.500 người người chết chỉ trong 18 ngày nắng nóng.
Các nhà khí tượng học cho biết sóng nhiệt là do gió nóng đến từ sa mạc Sahara. Đây là hậu quả của biến đổi khí hậu - Ảnh: NDTV
Con số này do Bộ trưởng Đoàn kết và Y tế Pháp cho biết trong bài phát biểu trên Đài phát thanh France Inter hôm 8.9.
Điều đặc biệt là các ca tử vong này tập trung chỉ trong vòng 18 ngày nắng nóng cực điểm ở tháng 6 và 7 vừa qua. Và đây là "con số trung bình hằng năm vào cùng thời điểm của các năm khác", theo Bộ trưởng Agnes Buzyn.
Một nửa ca tử vong trong số đó là người ở độ tuổi trên 75.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Agnes Buzyn cho biết 1.500 ca tử vong năm nay chỉ là một phần mười so với số ca tử vong trong đợt nắng nóng kinh hoàng năm 2003 khi có đến 15.000 người thiệt mạng. Sau mùa hè kinh hoàng năm 2003, hệ thống cảnh báo thời tiết cực đoan được sử dụng ở Pháp.
Trước đó, vào các tháng 6 và 7, Chính phủ Pháp đưa cảnh báo ở mức cực kỳ nguy hiểm khi nhiệt độ ngoài trời lên tới hơn 40 độ C. Sức nóng khủng khiếp biến Pháp và nhiều nước châu Âu giống như nằm trong "chảo nóng". Đây cũng là lúc cao điểm mùa du lịch và dã ngoại.
Tại Paris và các vùng lân cận, nhiều đơn vị từ thiện tổ chức chiến dịch cung cấp nước cho người vô gia cư, lắp đặt điều hòa ở nơi công cộng để du khách và người dân có nơi nghỉ chân. Bộ trưởng Giáo dục Pháp Jean-Michel Blanquer quyết định cho học sinh tiểu học nghỉ học và dời lịch cho các kỳ thi quốc gia khi trời quá nóng.
"Chúng tôi đã thành công trong việc phòng chống, hạn chế tình trạng chết vì nóng tại Pháp nhờ vào các thông điệp mạnh mẽ và kịp thời", Bộ trưởng Agnes Buzyn nói.
MINH HẢI (Tuổi trẻ)