Theo Viện dinh dưỡng, Việt Nam còn gần 1,3 triệu trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng nhẹ cân, 2,1 triệu trẻ em suy dinh dưỡng thấp còi.
Nhân viên y tế cung cấp dịch vụ dinh dưỡng cho trẻ em. (Ảnh: TTXVN)
Bà Nguyễn Thị Lâm – Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng cho biết, thời gian vừa qua, tình trạng dinh dưỡng và khẩu phần ăn của người dân Việt Nam đã được cải thiện. Tuy nhiên, các vấn đề dinh dưỡng của bà mẹ và trẻ em vẫn chưa được như mong muốn.
Phát biểu tại cuộc họp báo về kế hoạch truyền thông hưởng ứng lễ dinh dưỡng và phát triển tổ chức sáng 19-10, tại Hà Nội, bà Lâm nhấn mạnh tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ nhỏ vẫn còn cao, nhất là nhóm trẻ dưới 5 tuổi.
Theo Kết quả tổng điều tra dinh dưỡng năm 2010, ước tính đến năm 2010, Việt Nam còn gần 1,3 triệu trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng nhẹ cân, khoảng 2,1 triệu trẻ em suy dinh dưỡng thấp còi và khoảng 520.000 trẻ em suy dinh dưỡng gầy còm.
Báo cáo cũng chỉ rõ, năm 2010, có một phần ba trẻ em Việt Nam dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thấp còi.
Bên cạnh đó, các vấn đề thiếu chất dinh dưỡng, đặc biệt là thiếu máu, thiếu sắt, thiếu kẽm, Vitamin A vẫn là những vấn đề cần phải được cải thiện thông qua việc triển khai đồng bọ những chương trình, giải pháp can thiệp.
Chính vì vậy, Viện Dinh dưỡng tổ chức Tuần lễ dinh dưỡng và phát triển từ ngày 16 đến 23-10 với thông điệp “Tăng cường sản xuất và sử dụng nguồn lương thực-thực phẩm tại địa phương góp phần đảm bảo an ninh Dinh dưỡng cho mọi gia đình.’’
Tuần lễ dinh dưỡng là dịp để Viện dinh dưỡng triển khai các hoạt động để vận động người dân quan tâm tới công tác tạo ra và sử dụng nguồn lương, thực thực phẩm dồi dào, giàu dinh dưỡng tại địa phương giúp cải thiện tình trạng dinh dưỡng nhằm nâng cao sức khỏe và phòng chống bệnh tật cho mọi người dân trong cộng đồng.
Các hoạt động của tuần lễ dinh dưỡng tập trung vào việc khuyến khích người dân biết lựa chọn và sử dụng thực phẩm bảo đảm đủ dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm và phù hợp với điều kiện kinh tế; tạo ra nguồn lương thực thực phẩm dồi dào tại gia đình và địa phương; biết cách chế biến và thực hành vệ sinh đúng để bảo đảm thức ăn không trở thành nguồn lây bệnh và không bị hao hụt chất dinh dưỡng.
Thùy Giang(Vietnam+)