“1, 1, 1 và 1”

15/03/2017 07:55

Đó là con số được đưa ra tại cuộc họp Ban Chỉ đạo xây dựng Đảng và các đoàn thể chính trị-xã hội trong doanh nghiệp ngoài nhà nước tỉnh vừa qua.


Theo đó, trong năm 2017, mỗi cấp ủy huyện phải thành lập ít nhất 1 tổ chức đảng, 1 tổ chức công đoàn, 1 tổ chức đoàn thanh niên trong doanh nghiệp ngoài nhà nước hoặc thành lập ít nhất 1 chi bộ nòng cốt để đảng viên đang lao động trong doanh nghiệp ngoài nhà nước chưa có tổ chức đảng tham gia sinh hoạt. Nghe qua thì thấy “1” có vẻ là con số dễ thực hiện, nhưng thực tế lại không đơn giản.

Ai cũng biết, xây dựng các tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp ngoài nhà nước là để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với khu vực kinh tế này. Qua đó, bảo đảm cho các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục phát triển lành mạnh, đúng hướng, đóng góp tích cực vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhưng sau hơn 10 năm thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW của Bộ Chính trị về nội dung này, con số tổ chức đảng trong doanh nghiệp ngoài nhà nước của tỉnh ta vẫn hết sức khiêm tốn, chưa tương xứng với số doanh nghiệp đang hoạt động.

Có rất nhiều vấn đề cần xem xét khi thành lập tổ chức đảng trong doanh nghiệp ngoài nhà nước. Trước hết, sự phát triển của doanh nghiệp theo hướng nào, có thể tiếp tục mở rộng quy mô hay phá sản là tình huống khó dự liệu chính xác. Nếu đánh giá không đúng tình hình, dự báo thiếu chuẩn xác, rất dễ dẫn đến tình trạng thành lập được tổ chức đảng, đoàn thể chính trị-xã hội trong doanh nghiệp xong thì doanh nghiệp phá sản, tổ chức lại phải giải thể.

Ở góc độ khác, ngay cả khi thành lập được tổ chức đảng trong doanh nghiệp ngoài nhà nước, thì duy trì hoạt động của tổ chức này như thế nào cho hiệu quả cũng là việc cần bàn. Bởi vì mọi hoạt động của tổ chức đảng trong doanh nghiệp phụ thuộc rất lớn vào ông chủ, nên hoạt động của tổ chức đảng, đoàn thể ở đây cũng không ngoại lệ. Nếu chủ doanh nghiệp không phải đảng viên, hoặc là đảng viên nhưng không phải người đứng đầu tổ chức đảng ở doanh nghiệp ấy thì vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng đối với doanh nghiệp không thể phát huy. Chưa kể, nếu người lao động là đảng viên không giữ vị trí cán bộ lãnh đạo trong bộ khung quản lý của doanh nghiệp thì vị thế của tổ chức đảng trong doanh nghiệp lại càng hạn chế.

Việc tổ chức hội họp, sinh hoạt đảng, đoàn thể phụ thuộc vào thời gian làm việc của lao động. Người lao động trong doanh nghiệp cho dù là đảng viên cũng có thể bị sa thải bất cứ lúc nào tùy thuộc nhu cầu sử dụng lao động thực tế của doanh nghiệp. Vì vậy, nhiều đảng viên đang lao động trong doanh nghiệp e ngại, không muốn tham gia sinh hoạt Đảng. Có doanh nghiệp tuy đã thành lập được tổ chức đảng, song việc duy trì sinh hoạt không nền nếp, có khi 3- 6 tháng mới sinh hoạt chi bộ 1 lần. Có lãnh đạo chi bộ đảng trong doanh nghiệp muốn giải thể chi bộ, chuyển đảng viên về sinh hoạt tại chi bộ thôn, khu dân cư cho đỡ phải làm báo cáo…

Từ thực tiễn hoạt động hiệu quả của một số tổ chức đảng trong doanh nghiệp ngoài nhà nước, có thể thấy để thực hiện mục tiêu tỉnh đặt ra, bước đầu chúng ta nên tập trung thành lập, xây dựng tổ chức đảng trong các doanh nghiệp của Việt Nam. Trong đó, quan tâm đến việc đánh giá đúng thực trạng hoạt động của doanh nghiệp, lựa chọn các doanh nghiệp có tiềm năng phát triển, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật để vận động, bồi dưỡng, kết nạp chủ doanh nghiệp và đội ngũ cán bộ quản lý của doanh nghiệp vào Đảng. Có thể coi việc trở thành đảng viên là mục tiêu phấn đấu của người lao động. Nên xây dựng chế độ sinh hoạt, báo cáo linh hoạt cho các tổ chức đảng trong doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nên tiếp cận theo hướng khác. Đó là tăng cường quản lý nhà nước, giám sát việc chấp hành pháp luật của doanh nghiệp và chú trọng phát triển tổ chức công đoàn hoạt động độc lập, không phụ thuộc vào giới chủ…

HOÀI ANH

(0) Bình luận
“1, 1, 1 và 1”