Người nhiễm HIV/AIDS cần có thẻ bảo hiểm y tế

15/11/2018 10:02

Nếu không có thẻ BHYT, người nhiễm HIV sẽ phải tự chi trả chi phí khám chữa bệnh ngoại trú, nội trú và không có thuốc ARV để điều trị...

Hướng dẫn người bệnh sử dụng thuốc ARV tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh

Từ ngày 1.1.2019, Dự án Quỹ toàn cầu chính thức dừng hỗ trợ thuốc kháng virus (ARV) cho bệnh nhân HIV/AIDS đang điều trị tại phòng khám ngoại trú HIV/AIDS thuộc Trung tâm Y tế thị xã Chí Linh. Thay vào đó, người bệnh sẽ được thanh toán thông qua Quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) đối với thuốc ARV và các dịch vụ điều trị khác nếu có thẻ BHYT. Theo lộ trình đến năm 2020, tất cả các cơ sở điều trị HIV/AIDS trong tỉnh sẽ sử dụng nguồn BHYT để thanh toán thuốc ARV và các chi phí khám chữa bệnh khác.

Hiện toàn tỉnh có 5 cơ sở điều trị thuốc ARV cho bệnh nhân HIV/AIDS là Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh, Trung tâm Y tế thị xã Chí Linh và Trung tâm Y tế các huyện Kinh Môn, Kim Thành, Cẩm Giàng với tổng số trên 1.400 bệnh nhân, trong đó 80% có thẻ BHYT. Thị xã Chí Linh có hơn 200 bệnh nhân nhưng chỉ có 60% số người tham gia BHYT, chủ yếu là người nghèo, một số ít là cán bộ viên chức, công nhân, còn lại là các đối tượng tự nguyện.

Sau khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thanh toán thuốc ARV từ nguồn BHYT và hỗ trợ mua thẻ BHYT cho người n hiễm HIV, năm 2018, UBND tỉnh đã hỗ trợ 206 bệnh nhân nghèo mua thẻ BHYT (năm 2017 hỗ trợ cho 135 bệnh nhân). Sở Y tế đã gửi văn bản đến Quỹ toàn cầu, Quỹ mục tiêu y tế quốc gia đề nghị hỗ trợ người bệnh mua thẻ BHYT. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh đã cử cán bộ trực tiếp xuống hỗ trợ các phòng khám ngoại trú của các huyện để triển khai việc thanh toán BHYT theo quy định. Chỉ định thuốc ARV vào sổ khám bệnh, bệnh án điều trị ngoại trú và vào phần mềm quản lý khám chữa bệnh của bệnh viện; hướng dẫn, dự trù, báo cáo xuất nhập tồn thuốc theo quy định của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và Bộ Y tế. Đồng thời tăng cường tuyên truyền, vận động để người nhiễm HIV tự nguyện mua BHYT…

Tuy vậy, theo bác sĩ Nguyễn Thế Anh, cán bộ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh, để phấn đấu có 100% số bệnh nhân HIV được tham gia BHYT vẫn còn gặp không ít khó khăn. Nhiều người nhiễm HIV chưa tự nguyện mua thẻ BHYT do có tâm lý trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước hoặc của các dự án. Người nhiễm HIV vẫn chưa hiểu hết được lợi ích của BHYT, họ cho rằng thuốc ARV vẫn đang được cấp miễn phí nên chưa nhất thiết phải tham gia BHYT. Nhiều người bệnh không còn đủ sức lao động, kinh tế khó khăn cũng không có tiền mua BHYT…

Cũng theo bác sĩ Thế Anh, hiện chi phí cho riêng thuốc ARV bậc 1 của bệnh nhân HIV/AIDS từ 4 - 6 triệu đồng/người/năm, nhưng đối với bệnh nhân kháng thuốc, chi phí có thể tăng lên gấp nhiều lần, chưa kể các chi phí khám chữa bệnh khác như công khám, xét nghiệm, các thuốc điều trị bệnh nhiễm trùng cơ hội... Nếu không có thẻ BHYT, người nhiễm HIV sẽ phải tự chi trả chi phí khám chữa bệnh ngoại trú, nội trú và không có thuốc ARV để điều trị (vì thuốc ARV không bán ở ngoài thị trường). Theo quy định hiện hành, trẻ em dưới 6 tuổi nhiễm HIV, người nhiễm HIV là người nghèo, người dân tộc thiểu số... được bảo hiểm chi trả 100% chi phí khám chữa bệnh. Mức chi trả cho người cận nghèo, người đã nghỉ hưu là 95% và các đối tượng khác là 80%. Như vậy, người nhiễm HIV chỉ phải chi trả tối đa 20%. Người nhiễm HIV/AIDS khi mua BHYT sẽ được hưởng nhiều lợi ích của các dịch vụ y tế trong khám bệnh, làm xét nghiệm, mua thuốc ARV, điều trị dự phòng nhiễm trùng cơ hội… BHYT sẽ giúp người nhiễm HIV được tiếp tục điều trị bằng thuốc ARV lâu dài khi không còn các nguồn tài trợ quốc tế. Bởi vậy, bên cạnh nguồn hỗ trợ của Nhà nước, mỗi người nhiễm HIV/AIDS cần hiểu đúng và mua BHYT để được điều trị bệnh lâu dài, ổn định. Các ngành, đoàn thể cần tăng cường tuyên truyền để người nhiễm HIV và gia đình người bệnh biết để thực hiện.

HẢI HÀ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người nhiễm HIV/AIDS cần có thẻ bảo hiểm y tế