Hiện số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tại Hải Dương chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ dù quyền lợi khi tham gia loại hình bảo hiểm này đã được tăng lên.
Nhân viên Bảo hiểm Xã hội tỉnh tuyên truyền chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện tới người dân
Hải Dương thuộc top đầu của cả nước về số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Tuy nhiên, số người này lại chỉ chiếm khoảng 3% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia.
Theo Bảo hiểm Xã hội tỉnh, tính đến ngày 31.12.2020, toàn tỉnh có 33.194 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, vượt 4,7% kế hoạch, tăng 14.268 người so với năm 2019.
Chưa nghĩ dài
Người chưa tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện chủ yếu là lao động tự do. Nguyên nhân chính do nhiều người chưa nắm được hết các chính sách ưu việt, lợi ích cũng như về quy trình, thủ tục đăng ký tham gia BHXH tự nguyện. Một bộ phận người dân chưa biết có loại hình BHXH trên.
Đến gia đình bà Nguyễn Thị H., 60 tuổi, ở làng nghề thêu ren Xuân Nẻo, xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ), khi chúng tôi nói muốn tìm hiểu về việc tham gia BHXH tự nguyện của gia đình thì bà bảo: "Nhà tôi mua bảo hiểm rồi, không có nhu cầu nữa đâu". Nhưng khi hỏi lại thì được biết bà H. mua một loại bảo hiểm thương mại chứ không phải BHXH tự nguyện. Điều khiến bà H. nhầm lẫn là do chưa biết thông tin gì về loại bảo hiểm này.
Qua tìm hiểu, không chỉ có bà H. mà nhiều người đang làm việc trong làng nghề thêu ren Xuân Nẻo chưa nắm được thông tin về BHXH tự nguyện. Một số người đã biết song chưa phân biệt được lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện so với bảo hiểm thương mại khác.
Hiện có không ít người, nhất là lao động ở các vùng nông thôn làm việc tự do cũng vì tiếc khoản tiền bỏ ra nên không tham gia BHXH tự nguyện. Ngoài lúc nông nhàn, anh Nguyễn Văn T., 54 tuổi, ở thị trấn Gia Lộc thường làm việc tại các công trình xây dựng. Làm việc tự do, không được tham gia BHXH bắt buộc nhưng anh T. cũng chưa nghĩ đến tham gia BHXH tự nguyện. Quan điểm của anh T. cũng giống như nhiều người cho rằng nếu đóng BHXH phải mất thời gian dài mới được hưởng (20 năm đóng BHXH), trong khi trước mắt lại phải trích ra một khoản tiền hằng tháng để đóng.
Theo bà Lương Thị Thu Hảo, Trưởng Phòng Truyền thông và Phát triển đối tượng (BHXH tỉnh), người lao động ở các làng nghề ít tham gia BHXH tự nguyện còn do công việc thiếu ổn định, thu nhập bấp bênh nên không muốn hằng tháng phải bỏ ra một khoản để đóng. Nhiều người lao động còn liên tục thay đổi công việc và địa bàn nên chưa muốn mua BHXH tự nguyện. Hiện nay, công tác tuyên truyền về chính sách BHXH tự nguyện còn gặp nhiều khó khăn bởi thực tế một bộ phận người dân vẫn quen nhìn vào những cái lợi trước mắt mà không tính đến lợi ích lâu dài nên chưa nhiệt tình tham gia BHXH tự nguyện. Tại một số địa phương, cấp ủy, chính quyền chưa thực sự quan tâm đến chính sách BHXH tự nguyện. Sự phối hợp trong tổ chức thực hiện chính sách BHXH tự nguyện của các cấp, các ngành với cơ quan BHXH chưa thường xuyên, có nơi coi đây là nhiệm vụ của riêng cơ quan BHXH. Vì vậy chưa tạo được niềm tin cho nhân dân khi tìm hiểu và tham gia BHXH tự nguyện để được hưởng chính sách bảo vệ.
Tăng hỗ trợ
Từ ngày 1.1.2021-31.12.2025, người tham gia BHXH tự nguyện theo quy định thuộc hộ nghèo, cận nghèo được tỉnh trích ngân sách hỗ trợ thêm 10% mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn (ngoài mức 30% đối với người thuộc hộ nghèo và 25% đối với người thuộc hộ cận nghèo đã được ngân sách nhà nước hỗ trợ). Chính sách này sẽ giúp người có hoàn cảnh khó khăn có thêm điều kiện để tham gia BHXH tự nguyện. Đây là việc làm cần thiết, góp phần thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, nhóm giải pháp đề ra tại Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 1.6.2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020 và Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25.10.2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
BHXH là một trong những chính sách an sinh xã hội có ý nghĩa quan trọng giúp người lao động tự do, nông dân… có cuộc sống ổn định khi không còn khả năng lao động. Đối với lao động tự do, nhất là những người làm việc nặng nhọc, có rủi ro tai nạn nghề nghiệp cao như xây dựng, cơ khí, vận tải... thì việc tham gia BHXH rất cần thiết. Bởi trong trường hợp xảy ra rủi ro, người lao động sẽ được bảo đảm các chế độ theo quy định, giảm gánh nặng kinh tế cho gia đình.
Theo ông Phạm Trường Thắng, Giám đốc BHXH huyện Kim Thành, để tăng số người tham gia BHXH tự nguyện, trước hết ngành BHXH cần phối hợp với một số ngành, đoàn thể, địa phương tập trung tuyên truyền, vận động, giúp người dân hiểu rõ lợi ích cũng như quy trình, thủ tục đăng ký tham gia BHXH tự nguyện.
Người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện là công dân Việt Nam từ 15 tuổi trở lên, trừ người đang tham gia BHXH bắt buộc. Những chính sách BHXH tự nguyện được mở rộng giúp cho những người lao động tự do tham gia để khi hết tuổi lao động được hưởng các chế độ như người hưu trí. Khi tham gia BHXH tự nguyện, nếu nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi trở lên và có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên sẽ được hưởng lương hưu hằng tháng. Những người này sẽ được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí khi đang hưởng lương hưu. Người đang hưởng lương hưu hoặc đang tham gia BHXH tự nguyện từ đủ 5 năm trở lên qua đời thì thân nhân được hưởng tiền mai táng phí và tiền tuất một lần. Người tham gia BHXH tự nguyện còn được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng khi tham gia BHXH tự nguyện với thời gian hỗ trợ tối đa 10 năm. |
THẢO NGUYỄN