Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc. Bài 1: Tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc

16/11/2017 20:00

Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã để lại cho chúng ta một di sản tinh thần vô giá, một hệ thống tư tưởng về nhiều mặt. Trong đó tư tưởng về đại đoàn kết là tư tưởng nổi bật, có giá trị trường tồn đối với quá trình phát triển của Đảng ta.

 Nhân dịp kỷ niêm ngày truyền thống của MTTQ Việt Nam 18.11 Báo điện tử Hải Dương khởi đăng loạt bài.

Sự liên kết giai cấp, trước hết là liên minh giai cấp công nhân với nông dân là hết sức cần thiết, bảo đảm cho thắng lợi của cách mạng vô sản.

Nguồn gốc

Từ truyền thống yêu nước, nhân ái, tinh thần cố kết cộng đồng của dân tộc Việt Nam. Trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, tinh thần yêu nước gắn liền với ý thức cộng đồng, ý thức cố kết dân tộc, đoàn kết dân tộc Việt Nam đã hình thành và củng cố, tạo thành một truyền thống bền vững. Tinh thần ấy, tình cảm ấy theo thời gian đã trở thành lẽ sống của mỗi con người Việt Nam, làm cho vận mệnh mỗi cá nhân gắn chặt vào vận mệnh của cộng đồng, vào sự sống còn và phát triển của dân tộc.

Nó là cơ sở của ý chí kiên cường, bất khuất, tinh thần dũng cảm hy sinh vì dân, vì nước của mỗi con người Việt Nam, đồng thời là giá trị tinh thần thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng và của mỗi cá nhân trong quá trình dựng nước và giữ nước, làm nên truyền thống yêu nườc, đoàn kết của dân tộc.

Từ quan điểm của Chủ nghĩa Mác - Lênin. Theo chủ nghĩa Mác- Lênin, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, nhân dân là người sáng tạo lịch sử; giai cấp vô sản muốn thực hiện vai trò là lãnh đạo cách mạng phải trở thành hạt nhân của đoàn kết dân tộc, liên minh công nông là cơ sở để xây dựng lực lượng to lớn của cách mạng. Chủ nghĩa Mác-lênin đã chỉ ra cho các dân tộc bị áp bức con đường tự giải phóng. Lê-nin cho rằng, sự liên kết giai cấp, trước hết là liên minh giai cấp công nhân với nông dân là hết sức cần thiết, bảo đảm cho thắng lợi của cách mạng vô sản. Rằng nếu không có sự đồng tình và ửng hộ của đa số nhân dân lao động với đội ngũ tiên phong của nó, tức giai cấp vô sản, thì cách mạng vô sản không thể thực hiện được. Đó là những quan điểm lý luận hết sức cần thiết để Hồ Chí Minh hình thành tư tưởng về đại đoàn kết dân tộc.

Từ sự tổng kết những kinh nghiệm các phong trào cách mạng Việt Nam và thế giới. Là một người am hiểu sâu sắc lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc mình, Hồ Chí Minh nhận thức được trong thời phong kiến chỉ có những cuộc đấu tranh thay đổi triều đại nhưng chúng đã ghi lại những tấm gương tâm huyết của ông cha ta với tư tưởng “Vua tôi đồng lòng, anh em hòa thuận, cả nước góp sức” và “Khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc là thượng sách giữ nước”. Chính chủ nghĩa yêu nước, truyền thống đoàn kết của dân tộc trong chiều sâu và bề dày của lịch sử này đã tác động mạnh mẽ đến Hồ Chí Minh và được người ghi nhận như những bài học lớn cho sự hình thành tư tưởng của mình.

Từ 1911 - 1941, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi đầu khắp hết các châu lục. Cuộc khảo nghiệm thực tiễn rộng lớn và công phu đã giúp Người nhận thức một sự thực: “Các dân tộc thuộc địa tiềm ẩn một sức mạnh vĩ đại, song cuộc đấu tranh của họ chưa đi đến thắng lợi bởi vì các dân tộc bị áp bức chưa biết tập hợp lại, chưa có sự liên kết chặt chẽ với giai cấp công nhân ở các nước tư bản, đế quốc, chưa có tổ chức và chưa biết tổ chức…”

Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 thành công đã đưa Hồ Chí Minh đến bước ngoặt quyết định trong việc chọn con đường cứu nước, giải phóng dân tộc, giành dân chủ cho nhân dân. Từ những bài học kinh nghiệm quý báu mà cuộc cách mạng này đã mang lại cho phong trào cách mạng thế giới. Đặc biệt là bài học về sự huy động, tập hợp, đoàn kết lực lượng quần chúng công nông binh đông đảo để giành và giữ chính quyền cách mạng.

Nội dung

Tư tưởng về đại đoàn kết toàn dân tộc được thể hiện ở năm quan điểm cơ bản sau:

Một là, đại đoàn kết dân tộc là vấn đề chiến lược, bảo đảm thành công của cách mạng. Người cho rằng muốn giải phóng các dân tộc bị áp bức và nhân dân lao động phải tự mình cứu lấy mình bằng cách mạng vô sản. Trong từng thời kỳ, từng giai đoạn cách mạng, có thể và cần thiết phải điều chỉnh chính sách và phương pháp tập hợp lực lượng cho phù hợp với những đối tượng khác nhau, nhưng đại đoàn kết dân tộc luôn luôn được Người coi là vấn đề sống còn của cách mạng.

Đoàn kết không phải là thủ đoạn chính trị nhất thời mà là tư tưởng cơ bản, nhất quán, xuyên suốt tiến trình cách mạng Việt Nam. Đoàn kết quyết định thành công cách mạng. Vì đoàn kết tạo nên sức mạnh, là then chốt của thành công. Muốn đưa cách mạng đến thắng lợi phải có lực lượng đủ mạnh, muốn có lực lượng phải quy tụ cả dân tộc thành một khối thống nhất. Giữa đoàn kết và thắng lợi có mối quan hệ chặt chẽ, quy mô của đoàn kết quyết định quy mô,mức độ của thành công.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Toàn dân Việt Nam chỉ có một lòng: Quyết không làm nô lệ. Chỉ có một chí: Quyết không chịu mất nước. Chỉ có một mục đích: Quyết kháng chiến để tranh thủ thống nhất và độc lập cho Tổ quốc. Sự đồng tâm của đồng bào ta đúc thành một bức tường đồng vững chắc xung quanh Tổ quốc. Dù địch hung tàn, xảo quyệt đến mức nào, đụng đầu nhằm bức tường đó, chúng cũng phải thất bại”.

Từ thực tiễn cách mạng, Hồ Chí Minh đã rút ra kết luận: “Sử dạy cho ta bài học này: Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại, lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn”.

Hai là, đoàn kết dân tộc là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng. Hồ Chí Minh cho rằng “Đại đoàn kết dân tộc không chỉ là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của đảng mà còn là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của cả dân tộc”. Bởi vì, đại đoàn kết dân tộc chính là nhiệm vụ của quần chúng, do quần chúng, vì quần chúng. Đảng có sứ mệnh thức tỉnh, tập hợp, đoàn kết quần chúng tạo thành sức mạnh vô địch trong cuộc đấu tranh vì độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân, hạnh phúc cho con người.

Ba là, đoàn kết dân tộc là đại đoàn kết toàn dân. Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, “dân” chỉ mọi con dân đất Việt, con rồng cháu tiên, không phân biệt dân tộc đa số, người tín ngưỡng với người không tín ngưỡng, không phân biệt già trẻ , gái, trai, giàu, nghèo. Nói dến đại đoàn kết dân tộc cũng có nghĩa phải tập hợp mọi người dân vào một khối trong cuộc đấu tranh chung. Người đã nhiều lần nói rõ: “ ta đoàn kết để đấu tranh cho thống nhất và độc lập tổ quốc; ta còn phải đoàn kết để xây dựng nước nhà. Ai có tài, có đức, có sức, có lòng phụng sự tổ quốc và phụng sự nhân dân thì ta đoàn kết với họ”.

Bốn là, đại đoàn kết dân tộc phải biến thành sức mạnh vật chất có tổ chức là Mặt trận dân tộc thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng. Ngay từ khi mới ra đời, Đảng đã chủ trương đoàn kết mọi lực lượng dân tộc và dân chủ trong một Mặt trận để cùng nhau chống kẻ thù chung vì độc lập tự do của Tổ quốc.

 Ngay sau khi thành lập Đảng, ngày 18.11.1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ra chỉ thị về vấn đề thành lập Hội phản đế Đồng minh, hình thức đầu tiên của Mặt trận dân tộc Thống nhất Việt Nam. Từ đó tới nay, ở mỗi thời kỳ khác nhau có những hình thức và tên gọi cụ thể và tổ chức có khác nhau cho phù hợp với nhiệm vụ cách mạng của từng thời kỳ nhưng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nơi tập hợp các giai tầng trong xã hội vì những mục tiêu lớn của dân tộc luôn tồn tại và phát triển.

Năm là, Đoàn kết trong Đảng là hạt nhân của đại đoàn kết toàn dân tộc

Tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh về đoàn kết trong Đảng, được quán triệt trong suốt quá trình lãnh đạo, đặc biệt thể hiện cô đọng trong Di chúc của Người trước lúc đi xa. Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh nói đến “vài việc”, trong đó, trước hết chính là “nói về Đảng”. Khi nói về Đảng, vấn đề đầu tiên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, đó là vấn đề “đoàn kết”.

Vấn đề đoàn kết trong Đảng được trở đi trở lại nhiều lần trong Di chúc. Trong những “điều mong muốn cuối cùng”, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nói đến vấn đề đoàn kết trong Đảng. Như vậy, có thể thấy rõ rằng, vấn đề đoàn kết trong Đảng chiếm vị trí đặc biệt quan trọng trong những suy tư, trăn trở của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong Di chúc, vấn đề đoàn kết trong Đảng được Hồ Chí Minh đề cập trên ba phương diện:

Thứ nhất, đoàn kết trong Đảng là một cơ sở của đoàn kết nhân dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế, là một cội nguồn làm nên những thắng lợi to lớn trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Thứ hai, qua sự nghiệp cách mạng trường kỳ, đoàn kết đã trở thành một truyền thống cực quý báu của Đảng và của dân ta. Chính vì thế, toàn thể đảng viên từ Trung ương đến các chi bộ đều có trách nhiệm phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình.

Thứ ba, không chỉ cần được bảo vệ, gìn giữ, sự đoàn kết trong Đảng còn cần được không ngừng củng cố và phát triển. Cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết, thống nhất của Đảng là thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình, phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau.

 Với ba phương diện về giá trị, tầm quan trọng và thái độ, cách thức ứng xử cần có đối với sự đoàn kết trong Đảng như trên, có thể thấy rằng, vấn đề đoàn kết trong Đảng đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập một cách toàn diện và sâu sắc.

LƯƠNG ANH TẾ, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hải Dương

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc. Bài 1: Tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc