Phát triển sản phẩm nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ

27/10/2020 20:52

Báo điện tử Hải Dương đăng toàn văn tham luận của đồng chí Nguyễn Ngọc Sẫm, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tứ Kỳ tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.


Đồng chí Nguyễn Ngọc Sẫm, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tứ Kỳ tham luận tại Đại hội

Trước hết, tôi đồng tình cao với Báo cáo chính trị do Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI chuẩn bị và đã được Đoàn Chủ tịch trình trước Đại hội. Được sự cho phép của Đoàn chủ tịch Đại hội, tôi xin tham luận với nội dung: “Các giải pháp phát triển sản phẩm nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ với các vùng sản xuất tập trung”.

Trong những năm qua Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hải Dương luôn coi trọng và ưu tiên đầu tư cho phát triển nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ có giá trị gia tăng cao. Trong mục tiêu tổng quát, Báo cáo chính trị do Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI chuẩn bị và trình Đại hội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025, đã khẳng định: cùng với Công nghiệp, công nghệ cao và Dịch vụ chất lượng cao; nông nghiệp hữu cơ có giá trị gia tăng cao là một trong ba trụ cột nhằm phát triển Hải Dương nhanh và bền vững. Trong phần giải pháp Báo cáo chính trị cũng đã nêu: “Lựa chọn phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực theo hướng hàng hóa tập trung, áp dụng công nghệ tiên tiến, sản xuất hữu cơ, đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường” là một trong những giải pháp để phát triển kinh tế của tỉnh Hải Dương trong nhiệm kỳ tới.

Năm năm qua, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các sở, ngành của tỉnh, huyện Tứ Kỳ đã tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp, trong đó sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ với vùng sản xuất tập trung đã đạt được những kết quả quan trọng. Huyện Tứ Kỳ đã quy hoạch được 160 vùng sản xuất lúa tập trung quy mô từ 10 ha/vùng trở lên, 65 vùng chuyên canh cây rau màu, 20 vùng sản xuất tập trung gắn với bao tiêu sản phẩm quy mô từ 30 ha/vùng trở lên, 24 vùng nuôi trồng thủy sản với quy mô từ 20 ha trở lên, 85 trang trại chăn nuôi tập trung; xây dựng nhà màng, nhà lưới để áp dụng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao rau, củ, quả an toàn.

Đặc biệt, với đặc điểm riêng có, huyện đã xây dựng được 06 vùng sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ gắn với khai thác rươi, cáy tự nhiên với diện tích gần 250 ha. Trong đó, có 03 sản phẩm là gạo hữu cơ, rươi, cáy được cấp chứng nhận đạt sản phẩm OCOP. Rươi, cáy Tứ Kỳ đạt chất lượng 4 sao, gạo hữu cơ đạt tiêu chuẩn 5 sao. Được sự quan tâm của Trung ương và của tỉnh, sau khi dự án cải tạo, nâng cấp cống Sồi (xã An Thanh) và cống Lều Vịt (xã Quang Trung) hoàn thành, dự kiến trong năm tới diện tích sản xuất lúa hữu cơ, kết hợp khai thác rươi, cáy tự nhiên sẽ là 530 ha, cho thu nhập từ 300 - 350 triệu đồng/ha/năm.

Nông nghiệp sạch là một hệ thống quản lý, sản xuất nông nghiệp tránh sử dụng các loại phân bón và thuốc trừ sâu tổng hợp; giảm tối đa ô nhiễm không khí, đất và nước. Nông nghiệp hữu cơ là hệ thống sản xuất không sử dụng các chất hoá học tổng hợp và vật liệu biến đổi gen trong các vật tư đầu vào; tạo điều kiện cho sự chuyển hoá khép kín vật chất trong hệ sinh thái nông nghiệp và chỉ được sử dụng các vật tư được quy định của tiêu chuẩn sản xuất hữu cơ.

Ở nước ta nói chung và tỉnh Hải Dương nói riêng, những năm 60 - 70 của thế kỷ trước, nền nông nghiệp được coi là nền nông nghiệp sạch, bởi các nguyên liệu chủ yếu được sử dụng để sản xuất có nguồn gốc hữu cơ. Tuy nhiên, dưới sức ép về năng suất, sản lượng, chúng ta đã chuyển sang sử dụng các nguyên liệu đầu vào vô cơ. Chính vì trong thời gian dài sử dụng các biện pháp canh tác đó, nên việc đưa sản xuất nông nghiệp quay trở về nền nông nghiệp sạch đang gặp rất nhiều trở ngại. Đất đai bạc màu, môi trường ô nhiễm. Sản phẩm nông nghiệp bị nhiễm độc, thịt, cá tồn dư kháng sinh ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người tiêu dùng.

Hiện tại việc sản xuất nông sản sạch, nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh nhà cũng đang đối mặt với các vấn đề khó khăn như: sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ mới dừng lại ở dạng mô hình, quy mô nhỏ lẻ và đang gặp khó khăn để chuyển đổi sang quy mô hàng hóa. Tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp sạch, sản xuất hữu cơ trên tổng diện tích đất canh tác thấp.

Ngoài một số ít doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp sạch, hữu cơ, thì phần lớn nông dân thiếu thông tin về quy trình sản xuất, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nên gặp nhiều vấn đề trong thực hành sản xuất. Mặt khác, sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ khó nhân rộng do vốn đầu tư hạ tầng sản xuất ban đầu khá lớn. Các sản phẩm hữu cơ chưa đa dạng và chất lượng không đồng đều, một số sản phẩm đã được xuất khẩu nhưng ở dạng thô nên giá trị còn thấp.

Quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch cơ bản bằng biện pháp thủ công hoặc thuốc sinh học, mất nhiều công lao động, nên giá thành sản phẩm thường cao, dẫn đến thị trường tiêu thụ gặp nhiều khó khăn … Mặt khác, do được giao ruộng đất ổn định, lâu dài, nhiều hộ nông dân sản xuất với quy mô nhỏ, manh mún hoặc có tâm lý giữ đất (dù bỏ hoang không sản xuất), nên khó khăn trong tập trung sản xuất lớn. Việc tổ chức sản xuất để đáp ứng quy định nghiêm ngặt của tiêu chuẩn nông sản sạch, nông sản hữu cơ hiện cũng là một thách thức đối với người sản xuất nông nghiệp và các nhà quản lý.

Hải Dương thuộc vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, có nhiều lợi thế trong sản xuất nông nghiệp. Hải Dương cũng có những sản vật nông nghiệp hoặc được chế biến từ sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng và có thương hiệu như vải Thanh Hà - Chí Linh, Rươi - cáy Tứ Kỳ, rượu nếp cái hoa vàng Kinh Môn, bánh gai Ninh Giang, bánh khảo, bánh đậu xanh Hải Dương...

Rõ ràng, việc duy trì các sản phẩm truyền thống của địa phương, phát triển sản xuất bền vững, sản xuất sạch, hữu cơ theo hướng sản xuất hàng hóa đang là yêu cầu sống còn đối với kinh tế nông nghiệp, nhất là trong tình trạng môi trường sống, môi trường sản xuất ngày càng bị xâm hại nghiêm trọng như hiện nay. Ở tầm vĩ mô cần có sự nghiên cứu phân tích, đánh giá một cách khách quan, toàn diện, có cơ sở khoa học và thực tiễn về tiềm năng, lợi thế cũng như khó khăn, thách thức đối với phát triển nông nghiệp sạch, hữu cơ trên địa bàn tỉnh nhà.

Từ những kinh nghiệm bước đầu trong chỉ đạo sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, hình thành các vùng sản xuất tập trung trên địa bàn huyện Tứ Kỳ, tôi mạnh dạn đề xuất với Đại hội một số nhóm giải pháp cụ thể như sau:

Thứ nhất, chúng ta cần khẳng định quyết tâm chính trị, thống nhất về quan điểm và chỉ đạo tập trung từ cấp tỉnh xuống đến cấp xã trong định hướng đến một nền sản xuất nông nghiệp bền vững, sản xuất sạch, hữu cơ với các vùng sản xuất tập trung. Trên cơ sở xác định rõ quan điểm, mục tiêu, phương hướng, cần xây dựng lộ trình và giải pháp thực hiện nền sản xuất nông nghiệp sạch song hành, tổng thể cùng các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác.

Thứ hai, cần quan tâm đến quy hoạch sử dụng đất, quy vùng sản xuất tập trung gắn với phát triển kinh tế xã hội mang tính lâu dài bền vững, ổn định. Trong đó quan tâm đến quy hoạch chi tiết từng vùng và thực hiện tốt quy hoạch được phê duyệt. Thực hiện chiến lược bảo vệ diện tích đất nông nghiệp có giá trị vì đất sản xuất đang ngày càng bị thu hẹp.

Dựa trên điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, đặc điểm cây trồng, vật nuôi, đặc điểm dân cư - lao động, thế mạnh từng vùng đất trong tỉnh để hình thành nên các vùng sản xuất lớn, từ đó có điều kiện cho đầu tư vốn, cơ sở hạ tầng, khoa học kỹ thuật. UBND tỉnh cần có nghiên cứu cụ thể để đề xuất với Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương xem xét, sửa đổi, bổ sung, ban hành một số chính sách tháo gỡ vướng mắc về đất đai, mở rộng hạn điền, tạo điều kiện cho sản xuất quy mô lớn.

Thứ ba, thực hiện có hiệu quả chính sách thu hút, hỗ trợ các doanh nghiệp lớn đầu tư vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tập trung thu hút đầu tư vào nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp sạch. Khuyến khích hỗ trợ và tạo điều kiện phát triển kinh tế hợp tác trên cơ sở liên kết, liên minh giữa các hộ, các trang trại bằng nhiều hình thức, nhiều cấp độ để nâng cao hiệu quả kinh tế. Tiếp tục có chính sách hỗ trợ giống, vốn, vật tư cho nông dân để thuận lợi trong quy vùng sản xuất và khuyến khích người dân tham gia mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ.

Thứ tư, cần đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; tăng cường tìm thị trường đầu ra cho sản phẩm. Cần tăng cường sự liên kết giữa nhà nông - nhà khoa học và nhà doanh nghiệp. Tăng cường nguồn vốn đầu tư cho các chương trình khuyến nông, chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật từ sản xuất đến chế biến, bảo quản, vận chuyển nông sản. Khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nghiệp bao tiêu đảm bảo đầu ra cho sản phẩm ...

Khuyến khích các cửa hàng, siêu thị thu mua sản phẩm để sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ phát triển ổn định. Thực hiện xúc tiến thương mại, thông qua các kênh thông tin, triển lãm, các hội chợ... để quảng bá thương hiệu hàng nông sản sạch, hữu cơ của Hải Dương. Tăng cường mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm ở các vùng, miền khác trong nước và đặc biệt là việc tìm hiểu, kết nối, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nông dân xuất khẩu nông sản sạch, hữu cơ ra nước ngoài.

Thứ năm, quan tâm phát triển sản phẩm nông nghiệp có tính đặc trưng, đặc sản vùng miền theo tiêu chuẩn sản phẩm OCOP. Sự đa dạng về khí hậu, đất đai, vị trí địa lý là điều kiện để mỗi địa phương có được nhiều loại nông sản, đặc sản đa dạng, phong phú. Khi được sản xuất theo quy trình sản xuất sạch, hữu cơ, những đặc sản đó không chỉ được nhân dân trong nước yêu thích, mà sẽ là sản phẩm xuất khẩu được người dân nhiều nước trên thế giới đón nhận.

Thứ sáu, Tỉnh ủy, UBND tỉnh cần chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu phát triển mô hình nông nghiệp nuôi - trồng tự nhiên kết hợp với du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm nhất là ở các vùng sản xuất ven các con sông lớn trong tỉnh. Để phát triển mạnh mô hình này, cần tiếp tục có các chính sách hỗ trợ công tác quy hoạch, thiết kế mạng lưới hạ tầng đồng bộ như giao thông nội bộ, hệ thống tưới tiêu, hệ thống điện, hệ thống nhà hàng, khách sạn,... tạo điều kiện để thu hút khách du lịch đến tham quan, nghỉ ngơi và tiêu thụ nông sản sạch, hữu cơ; hình thành các mô hình nuôi - trồng và du lịch sinh thái - trải nghiệm ở các huyện, thị xã, thành phố.

Thứ bảy, cần tuyên truyền sâu rộng về sản xuất bền vững, sản xuất sạch, hữu cơ và việc tiêu thụ, sử dụng nông sản sạch trong đông đảo các tầng lớp nhân dân. Loại bỏ dần tâm lý vì lợi nhuận nhất thời mà sử dụng hóa chất độc hại vào sản xuất, gây ô nhiễm môi trường, tổn hại sức khỏe người tiêu dùng và tổn hại chính bản thân người nông dân. Tập trung hình thành thói quen lựa chọn nông sản, thực phẩm sạch trong tiêu dùng và đời sống sinh hoạt. 

Thứ tám, các cơ quan quản lý nhà nước cần kiểm soát chặt chẽ chất lượng các loại giống cây trồng, vật nuôi, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học; thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường nông thôn; ngăn chặn hàng giả, kém chất lượng để đảm bảo thị trường nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch.

Phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả, bền vững là tìm được sự cân bằng giữa nhu cầu sản xuất lương thực, thực phẩm với việc bảo tồn hệ sinh thái môi trường. Sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ hiện là một xu hướng phát triển tất yếu để đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững. Trên đây là ý kiến tham luận của tôi về việc phát triển sản phẩm nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ với các vùng sản xuất tập trung, xin trình bày để Đại hội tham khảo, cùng xây dựng, bổ sung vào văn kiện Đại hội.

NGUYỄN NGỌC SẪM
Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tứ Kỳ

(0) Bình luận
Phát triển sản phẩm nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ