Hơn 20 năm bén rễ đất đồi Chí Linh, giờ đây na đã trở thành cây làm giàu cho nông dân nơi đây nhưng để có được thành quả trên vùng đồi sỏi đá, người dân đã phải dày công tìm tòi kỹ thuật cho na ra quả rải vụ...
Nhờ áp dụng kỹ thuật nên nông dân Chí Linh có thể thu hoạch na làm 3 đợt trong năm
“Ép” cây
Nông dân Chí Linh vừa mới thu hoạch xong đợt na mùa, tất bật chăm sóc lứa na gối và đang chuẩn bị cho vụ na đông. Nếu như trước đây, na chỉ cho quả tập trung trong vòng hơn 1 tháng thì hiện tại, người dân đã rải vụ, kéo dài thời gian thu hoạch từ tháng 6 âm lịch tới Tết Nguyên đán. Điều này không những làm gia tăng tuổi thọ của cây mà còn tránh tình trạng bị thương lái ép giá. Vừa nhanh tay thụ phấn cho na, chị Hoàng Thị Yến ở khu dân cư số 2, phường Bến Tắm phấn khởi nói: “Gia đình tôi trồng na từ năm 2011, thấy rõ giá trị kinh tế từ loại cây này. Với 1 ha na, mỗi năm nhà tôi thu lãi 600 triệu đồng. Trồng na không mất nhiều chi phí so với những cây trồng khác, song đòi hỏi sự tỉ mỉ, kỳ công trong chăm sóc từng mầm hoa. Tuy nhiên, với lợi nhuận thu về như vậy thì công sức bỏ ra hoàn toàn xứng đáng”.
Là người gắn bó đầu tiên với cây na trên đất Chí Linh, ông Hoàng Xuân Dính ở phường Hoàng Tiến nắm chắc các kỹ thuật để na ra quả theo ý muốn. Theo ông Dính, muốn na cho quả ít hay nhiều phụ thuộc vào mầm na. Thông thường, người dân cắt tỉa mầm trên thân để kích thích ra hoa, còn giữ mầm ngoài tán nuôi quả. Thời gian đầu, do chưa có kinh nghiệm nên nông dân để cây thụ phấn tự nhiên, tỷ lệ đậu quả không cao. Thấy vậy, một số hộ cẩn thận hơn, thụ phấn nhân tạo bằng cách cho phấn của hoa đực tác động trực tiếp lên hoa cái. Dù năng suất được cải thiện song cách làm thủ công này tốn thời gian, có thể làm lỡ vụ na. Vài năm nay, người dân vùng na truyền nhau bí quyết thụ phấn mới vừa nhanh, lại hiệu quả. Một tháng sau khi cắt tỉa, na sẽ ra hoa, nông dân hái hoa đực vào buổi chiều rồi phơi qua đêm. Sau đó, phấn hoa được gom vào lọ thủy tinh có ống dẫn. Việc thụ phấn không còn tốn công như trước mà kết quả lại khả quan hơn. “Chỉ sau 3 ngày thụ phấn, quan sát màu sắc của đài hoa là chúng tôi có thể dự đoán được chất lượng quả sau này. Do đó, nếu không như ý muốn thì sẽ cắt bỏ hoa luôn để không mất công chăm sóc. Vì người dân đã thành thục các kỹ thuật nên việc thụ phấn rất thuận lợi, chỉ khi gặp gió mùa đông bắc cây mới đậu quả kém nhưng trường hợp này không nhiều”, ông Dính cho biết.
Nhờ sự tỉ mỉ mà người dân vùng đồi Chí Linh có được giá trị kinh tế cao từ cây na. Đây là loại cây người dân không lo mất mùa, mất giá vì làm chủ được thời vụ và sản lượng.
Nâng cao giá trị
Cùng với cam, thanh long, cây na đã đồng hành với nông dân Chí Linh từ thời điểm cây vải không còn mang lại thu nhập ổn định. Theo thời gian, đến nay cam, thanh long không còn được ưu ái, người dân phá bỏ nhiều thì cây na vẫn giữ vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp của các xã, phường phía bắc quốc lộ 18 như Hoàng Tân, Hoàng Tiến, Bến Tắm, Bắc An… Hiện TP Chí Linh có khoảng 750 ha na tập trung đã được cấp nhãn hiệu tập thể và đang phát triển theo hướng nâng cao chất lượng để gia tăng giá trị.
Là hộ đầu tiên tham gia trồng na VietGAP nên thời gian đầu, gia đình chị Nguyễn Thị Tình ở phường Hoàng Tiến không tránh khỏi những bỡ ngỡ của phương thức sản xuất mới. Mặc dù vậy, sau một thời gian áp dụng, nhận thấy hiệu quả của cách làm mới, chị càng có thêm niềm tin về cây trồng này. Theo chị Tình, trồng na VietGAP tiết kiệm được chi phí đầu vào, giá bán cao hơn từ 10-15% so với sản xuất đại trà. Thế nhưng chị Tình vẫn còn băn khoăn: “Hiện chúng tôi vẫn chưa thể liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ. Người trồng na chưa bị thua lỗ song giá na chưa ổn định, lúc lên cao khoảng 50.000 đồng/kg, khi xuống thấp chỉ còn 20.000 đồng/kg. Vì đã làm chủ được kỹ thuật chăm sóc, rồi nâng cao chất lượng quả nên chúng tôi mong mỏi xây dựng được liên kết chuỗi để có thể yên tâm sản xuất”.
Bà Vũ Thị Hà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định na là cây trồng thế mạnh của TP Chí Linh. Nhưng do thị trường tiêu thụ chưa mở rộng, người dân cần duy trì diện tích na hiện có và tập trung đầu tư cho chất lượng quả. Sở sẽ bám sát, cùng người dân hoàn thiện quy trình, kỹ thuật chăm sóc để khai thác tối đa lợi thế từ cây na. Thời gian tới, na Chí Linh sẽ được sản xuất đồng bộ theo quy trình VietGAP. Đây là cơ sở để na Chí Linh tiếp cận được nhiều phân khúc thị trường, hạn chế lệ thuộc vào thương lái.
DŨNG CƯỜNG