Khó xóa các ổ đạo ôn trên lúa chiêm xuân

19/04/2018 14:32

Bệnh đạo ôn là dịch bệnh nguy hại, ảnh hưởng lớn đến năng suất, chất lượng lúa.

Ông Trần Trung Âu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh

Ở Hải Dương, bệnh thường xuất hiện đầu tiên tại các xã như Hà Thanh, Hà Kỳ (Tứ Kỳ); Vĩnh Hòa, Nghĩa An, Tân Phong, Tân Quang (Ninh Giang); Lê Hồng (Thanh Miện), sau đó lây lan sang các khu vực khác. Mặc dù xác định được nguồn bệnh nhưng việc xóa bỏ rất khó. Phóng viên Báo Hải Dương đã trao đổi với ông Trần Trung Âu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh về vấn đề này.

- Vì sao bệnh đạo ôn lại phát sinh đầu tiên từ những địa phương kể trên, thưa ông?

- Các yếu tố về giống, phương thức gieo cấy, mật độ cấy, chân ruộng, kỹ thuật bón phân và thời tiết là nguyên nhân khiến bệnh đạo ôn phát sinh gây hại. Các địa phương trên chủ yếu gieo cấy những giống lúa mẫn cảm với bệnh này như Q5, BC 15, TBR225, P6, Nàng xuân và các loại lúa nếp. Bệnh phát triển mạnh trên những chân ruộng trũng, hẩu, nhiều bùn. Khu vực này người dân thường cấy mạ dược với mật độ dày. Việc bón phân thiếu cân đối trong điều kiện độ ẩm không khí cao, trời âm u cũng là những yếu tố làm cho bệnh bùng phát. Dù tìm ra nguyên nhân gây bệnh nhưng việc phòng tránh rất khó khăn bởi khó thay đổi được tập quán gieo cấy của người dân địa phương. Ngoài ra, mầm bệnh đạo ôn được ủ từ giai đoạn mạ, nhất là với mạ dược có thời gian sinh trưởng kéo dài. Song những địa phương này không thể thay thế mạ dược bằng mạ sân vì có nhiều diện tích đồng trũng. Vì vậy, rất khó kiểm soát nguồn bệnh ở khu vực này.

- Có cách nào hạn chế bệnh đạo ôn bùng phát?

- Để hạn chế bệnh bùng phát ở những địa phương này, phải giảm tối đa diện tích gieo cấy mạ dược. Vận động nông dân sử dụng các giống lúa kháng đạo ôn. Trước khi gieo cấy, phải vệ sinh đồng ruộng, dọn sạch tàn dư bệnh của vụ trước. Trong quá trình chăm sóc lúa, nông dân cần bón phân cân đối hợp lý, không bón thừa đạm, nên sử dụng phân bón theo bảng so màu lá lúa. Khi thấy thời tiết phù hợp cho bệnh phát sinh, phát triển thì chủ động phòng ngừa trước bằng cách hạn chế phân đạm, tăng cường phân kali. Có thể phun thuốc phòng trừ nếu ruộng được gieo cấy bằng giống nhiễm với mật độ dầy và bón thừa đạm. Nông dân cần theo dõi ruộng thường xuyên, nhất là những giai đoạn cây lúa mẫn cảm với bệnh (từ giai đoạn lúa con gái đến trỗ bông). Khi thấy bệnh chớm xuất hiện trên đồng thì ngừng bón đạm và cần phun trừ bằng các loại thuốc đặc hiệu như Trizole 400SC/75WP/WDG, Saipan 2SL, Lúa vàng 20WP. Nếu bệnh phát triển nhanh có thể phun lại sau từ 5-7 ngày.

- Xin cảm ơn ông!

NGUYỄN MƠ (thực hiện)

(0) Bình luận
Khó xóa các ổ đạo ôn trên lúa chiêm xuân