"Apple có thể mở ra một thời kỳ mới trong ngành xe hơi", Giáo sư Peter Wells tại Đại học Cardiff, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ngành xe hơi chia sẻ.
Nhiều năm nay, giới công nghệ đã đồn đoán về dự án Titan của Apple. Đây được cho là dự án xe tự lái, nhưng những thông tin chi tiết vẫn được giữ kín nhiều năm. Không ai đoán được Apple định tự tay thiết kế và sản xuất một chiếc xe, hay chỉ đóng vai trò "bộ não" điều khiển xe.
Thông tin chi tiết hơn được chính một đối tác Apple tiết lộ vào đầu tháng 1. Hyundai Motors, nhà sản xuất Hàn Quốc xác nhận đàm phán với Apple về việc sản xuất xe điện tự lái. Ngay sau khi có thông tin, nhiều nhà phân tích đã chỉ ra rằng sự kết hợp này hoàn toàn có thể thay đổi cách ngành công nghiệp xe hơi vận hành.
"Sự kết hợp với Apple có thể mở ra một thời kỳ mới trong ngành công nghiệp xe hơi", Giáo sư Peter Wells tại đại học Cardiff, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ngành xe hơi chia sẻ với Zing.
Cách làm của Apple khác gì truyền thống ngành xe?
Trong ngành xe, hầu hết hãng xe hơi cố gắng kiểm soát toàn bộ khâu phát triển sản phẩm, linh kiện đầu vào và bán hàng, hay còn gọi là mô hình chiều dọc. Đây là một quy trình rắc rối, phức tạp.
"Làm ôtô với số lượng lớn là một thử thách thực sự mà các ông lớn công nghệ sẽ không muốn đối mặt một mình. Cần nhiều thời gian, số tiền đầu tư khổng lồ, để có thể tạo ra một mẫu xe, nhà máy, xây dựng chuỗi cung ứng, mạng lưới phân phối, thương hiệu", ông Wells cho biết.
Tuy nhiên, Apple có thể định hướng làm xe tự lái bằng đúng mô hình chiều ngang mà họ đang áp dụng cho iPhone, iPad hay MacBook. Trong mô hình này, Apple đóng vai trò người thiết kế sản phẩm và điều phối chuỗi cung ứng hay linh kiện. Hãng thuê đối tác như Foxconn hay Pegatron để thực hiện toàn bộ các khâu sản xuất còn lại, bao gồm cả cân đối linh kiện.
Trong mô hình này, mỗi đối tác của Apple đều có lợi nhuận khổng lồ nhờ quy mô hàng trăm triệu máy mỗi năm với mỗi sản phẩm. Mỗi công ty cũng có thể chủ động địa điểm đặt nhà máy, điều hành chuỗi cung ứng riêng của mình, với mục tiêu đáp ứng được về sản lượng, chất lượng theo tiêu chuẩn của Apple, đồng thời kiếm được lợi nhuận cao nhất cho mình.
Với cách làm sản phẩm công nghệ nói trên, đối tác sản xuất hoàn toàn chỉ đóng vai trò "thầu phụ". Apple là công ty sở hữu thương hiệu sản phẩm, đảm bảo chất lượng cuối cùng, và người dùng chỉ cần biết họ đang sử dụng hàng Apple chứ không cần biết công ty nào đóng gói, sản xuất.
Nhiều chuyên gia về xe đánh giá nếu áp dụng cách làm này với xe điện của mình, Apple sẽ phá vỡ mô hình dọc chủ đạo trong ngành sản xuất xe nhiều năm nay.
"Các hãng xe sẽ trở thành thầu phụ của Apple và đánh mất bản sắc của họ", Nikkei dẫn lời lãnh đạo một công ty xe hơi lớn của Nhật.
Sự đánh đổi giữa thương hiệu và tương lai
Thực tế trong ngành công nghiệp xe vẫn có những mô hình theo chiều ngang, và chúng ngày càng phổ biến. Baidu, công ty Internet hàng đầu Trung Quốc cũng là một trong những cái tên dẫn đầu trong phát triển xe tự lái. Vào đầu tháng 1, Baidu công bố sản xuất xe điện với Geely theo mô hình OEM.
Didi Chuxing, nền tảng gọi xe của Trung Quốc cũng công bố sản xuất xe điện cùng BYD Auto vào tháng 11/2020. Công ty này cho biết mục tiêu là đưa 1 triệu xe ra thị trường vào năm 2025.
Magna International, công ty Canada vừa tham gia sản xuất linh kiện, vừa là đối tác thầu phụ cho một số hãng xe, cũng đang nhắm tới hợp đồng sản xuất xe cho Apple. Theo Nikkei, Foxconn cũng là một cái tên được cân nhắc.
"Thị trường xe điện có thể trở thành cơ hội nghìn tỷ USD trên toàn cầu trong thập niên tiếp theo, do vậy đây cũng là bước đi hợp lý của Apple", ông Daniel Ives, Giám đốc điều hành tại Wedbush Securities nhận xét.
Cơ hội lớn này, cùng quy mô các sản phẩm trước đó của Apple khiến cho nhiều nhà sản xuất xe không thể ngoảnh mặt, dù mô hình có thể không phù hợp với họ. Hyundai Motors được cho là đang hợp tác với Apple thông qua thương hiệu Kia.
"Thường thì các hãng xe không muốn trở thành nhà sản xuất cho bên thứ ba như các hãng công nghệ, bởi lợi nhuận khi đó sẽ quá nhỏ. Họ sẽ muốn hợp tác theo kiểu đồng thương hiệu hơn. Vấn đề với nhiều hãng sản xuất xe lớn là họ không đủ lớn để tự tồn tại trong tương lai, và Hyundai cũng là một trong số đó", ông Wells nhận định.
Sự cạnh tranh giờ đây là giữa các hãng xe có tên tuổi với các công ty Trung Quốc. Những hãng xe Trung Quốc thì muốn tìm cách để có thể xuất hiện rộng rãi hơn trên toàn cầu, trong khi các hãng xe lớn thì vẫn có lợi thế về mặt công nghệ, thương hiệu.
Ông Wells thậm chí cho rằng các thương hiệu lớn kiểu Honda có thể cấp một loại nhãn hiệu như "Honda Inside" (giống như chương trình Intel Inside cực kỳ thành công vào thập niên 2000) cho các đối tác.
"Có rất nhiều tình huống có thể xảy ra, bởi ngành công nghiệp xe hơi đang bước vào một giai đoạn thay đổi về chiến lược chưa từng có", chuyên gia nghiên cứu về thị trường xe này nhận định.
Tuy nhiên, danh sách những đối tác muốn hợp tác với Apple có thể không tồn tại những hãng xe sang như BMW hay Daimler AG (chủ sở hữu thương hiệu Mercedes-Benz).
"BMW từng có thời gian hợp tác với Apple, nhưng rồi cũng không đi đến đâu. Tôi cho rằng các thương hiệu xe sang khó có thể làm việc với Apple, một phần vì văn hóa doanh nghiệp quá khác biệt, một phần vì sẽ rất khó để hai thương hiệu lớn cùng ra mắt một sản phẩm hay dịch vụ", ông Wells chia sẻ.
Bên cạnh Apple, một ông lớn khác trong làng công nghệ là Alphabet (công ty mẹ của Google) cũng sở hữu thương hiệu xe tự lái Waymo. Apple, Alphabet đều là những công ty hàng đầu về các thành tựu công nghệ, trí tuệ nhân tạo. Đó là lợi thế để họ phát triển xe tự lái.
Dù vậy, các ông lớn công nghệ cũng không thể tự mình "cân" toàn bộ quy trình sản xuất xe. Sự hợp tác với các hãng xe là điều bắt buộc.
"Các hãng công nghệ cũng không thể giải quyết mọi vấn đề của ngành công nghiệp xe. Hãng xe còn phải liên minh với nhà sản xuất pin, điện, thậm chí là các hãng nghiên cứu hàng không để tiếp tục tiến lên, khi ngành công nghiệp dần chuyển đổi từ bán xe sang bán dịch vụ vận chuyển", ông Wells kết luận.
Theo Zing