Mùa du lịch Thanh Mai

25/11/2018 09:13

Vào dịp cuối thu đến đầu đông, rừng lá phong ở chùa Thanh Mai, xã Hoàng Hoa Thám (Chí Linh) chuyển sang màu vàng xen kẽ với tán lá xanh, góp phần thu hút hàng ngàn du khách về tham quan.

Thời điểm lá phong chuyển màu, lượng khách đến đây tham quan tăng khoảng 30% so với thời gian khác trong năm. Ảnh: Thành Chung

Khu vực xung quanh chùa Thanh Mai là nơi lý tưởng cho các hoạt động du lịch tâm linh, trải nghiệm.

Điểm đến hấp dẫn

2 năm nay, cứ đến tháng 11, các thành viên trong nhóm phượt Hà Nội lại chọn chùa Thanh Mai làm điểm đến cho chuyến du lịch trải nghiệm. Đoạn đường đi từ chân núi tới chùa Thanh Mai phải qua những đoạn dốc uốn khúc, quanh co cùng cảnh rừng núi cuối thu đẹp như một bức tranh càng tăng thêm sức hút với các bạn trẻ này. Bạn Đỗ Thị Hà, một thành viên trong nhóm chia sẻ: "Với chi phí không quá tốn kém, cả nhóm được ngắm rừng lá phong thay màu với vẻ đẹp độc, lạ. Ngoài ra, nhóm còn tổ chức các hoạt động ngoài trời ý nghĩa như leo núi, cắm trại, nhảy dù". Họ cùng nhau lưu giữ kỷ niệm trên mạng xã hội Facebook. Và cũng nhờ hiệu ứng của mạng xã hội, nhiều nhóm phượt khác cũng tìm hiểu và lựa chọn đây là điểm dã ngoại. 

Theo sư thầy Thích Chí Trung, trụ trì chùa Thanh Mai, những năm gần đây, du khách không chỉ đến đây vào dịp lễ hội mà cả những ngày cuối tuần. Đặc biệt, thời điểm mùa lá phong đổi màu hấp dẫn du khách ở cả trong và ngoài tỉnh, lượng khách đến tham quan tăng từ 20-30% so với thời gian khác trong năm, chủ yếu là các bạn trẻ. 

Lá phong ở đây không đồng loạt chuyển màu như những nơi khác mà từ từ, chậm rãi. Từ màu xanh sang màu vàng rồi đỏ, sau đó mới rụng xuống. Cạnh chùa Thanh Mai còn có suối chảy róc rách, trong rừng có hoa dẻ nở trắng. Trước chùa là núi Bái Vọng, nơi đặt phần mộ của cụ Nguyễn Phi Khanh - thân phụ Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi.

Ngoài vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, chùa Thanh Mai còn thu hút du khách bởi sự cổ kính và lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị về lịch sử, văn hóa lâu đời. Chùa được xây dựng từ thời nhà Trần. Qua thời gian, chùa được trùng tu, tôn tạo, trở thành một điểm đến thú vị cho du khách đến chiêm bái, tìm hiểu. Kiến trúc chùa theo kiểu chữ đinh, tiền đường chồng diêm 8 mái. Khuôn viên chùa còn có các tấm bia từ thời Trần, Lê. Đặc biệt là bia Thanh Mai Viên Thông tháp bi được tạc bằng đá đặt trên lưng rùa, ghi chép về thân thế và sự nghiệp của thiền sư Pháp Loa - vị tổ thứ 2 của thiền phái Trúc Lâm. Vào cuối năm 2016, tấm bia này được công nhận là bảo vật quốc gia. 

Chị Nguyễn Thị Lan ở TP Phủ Lý (Hà Nam), một du khách cho biết: "Tôi cùng với người thân trong gia đình đến chùa Thanh Mai vừa để cầu bình an, vừa để các thành viên được thư giãn cuối tuần. Các con tôi được biết thêm nhiều kiến thức lịch sử. Ngoài ra, chúng tôi còn tổ chức các trò chơi mà trẻ con thành phố ít có cơ hội khám phá, trải nghiệm như bắt châu chấu, leo núi, bịt mắt bắt dê...".

Sớm khai thác tiềm năng du lịch

Gần đây, nhờ hiệu quả tuyên truyền, nhất là từ các trang mạng xã hội nên chùa Thanh Mai được mọi người biết đến là điểm ngắm lá phong độc đáo của nước ta. Hiện nay, có khoảng 15 ha rừng có nhiều cây phong xen lẫn với các loại cây khác gần chùa Thanh Mai. Trong đó có từ 3-5 gốc phong cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Thanh Mai còn là một trong những vùng giữ được diện tích rừng tự nhiên lớn của tỉnh với nhiều loại gỗ quý như lim, lát, sến... Xã Hoàng Hoa Thám đang triển khai dự án bảo tồn rừng phong với mục đích nâng cao ý thức của người dân trong bảo vệ rừng, bảo vệ di tích.

Gần đây cũng đã xuất hiện một số tour du lịch đến chùa Thanh Mai trong thời gian 1 ngày để du khách có cơ hội thỏa mãn nhu cầu tâm linh, trải nghiệm như tour từ đền thờ Chu Văn An - di tích Côn Sơn, Kiếp Bạc - chùa Thanh Mai; chùa Thanh Mai - di tích An Sinh (Đông Triều) - chùa Quỳnh Lâm - di tích bãi cọc Bạch Đằng (Quảng Ninh)... Tuy nhiên, lượng khách đến với chùa Thanh Mai còn lẻ tẻ, tự phát, chủ yếu khách đến vào thời gian lá phong chuyển màu hay dịp có lễ hội chùa, thời gian còn lại trong năm vẫn ít người đến.

Tháng 10.2017, UBND thị xã Chí Linh phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức tọa đàm về giải pháp phát triển du lịch tại thị xã, trong đó các đại biểu đã chỉ ra những hạn chế trong phát triển du lịch ở các di tích nói chung và chùa Thanh Mai nói riêng. Các hoạt động hỗ trợ du khách đến tham quan hay lưu trú nhằm giữ chân du khách còn ít. Hiện các sản phẩm du lịch còn nghèo nàn, đơn điệu. Do vậy, nhiều du khách đến đây vãn cảnh, ngắm rừng phong được 1 - 2 tiếng rồi lại đi nơi khác. Một số đại biểu gợi ý thị xã Chí Linh cần tạo điều kiện, kêu gọi sự vào cuộc của các doanh nghiệp để xây dựng các khu lưu trú đáp ứng nhu cầu ăn nghỉ của khách du lịch. 

Để đánh thức tiềm năng du lịch tại khu vực chùa Thanh Mai, thời gian tới, các cơ quan chức năng nên đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá hình ảnh về chùa Thanh Mai; xây dựng các sản phẩm dịch vụ đặc trưng để giữ chân du khách. Thị xã Chí Linh cần kết nối với các công ty du lịch lữ hành nhằm phát triển điểm du lịch chùa Thanh Mai vào các tour du lịch tâm linh, trải nghiệm… Có thể hình thành tour du lịch nối các điểm di tích ở thị xã Chí Linh gồm chùa Thanh Mai, đền Sinh - đền Hóa, đền Cao, đền Nguyễn Thị Duệ, đền thờ Chu Văn An và khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc.

THẢO NGUYỄN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mùa du lịch Thanh Mai