Những câu thơ neo lại tình người, nghĩa nước

08/12/2019 11:32

Nhà thơ Nguyễn Thị Mai có nhiều bài thơ hay khi viết về những cảnh ngộ đời thường. Thơ chị nồng hậu và vị tha da diết. Chính cái nhịp lục bát của thể thơ đã làm cân bằng lại nhịp sống lắc lư của con tàu khi “Mang quê ra đảo”.

Tứ thơ được triển khai bằng nhịp tâm tình cảm thông và chia sẻ. Nếu không có tình người neo lại thì dễ sa vào kể lể, vốn là một điều tối kỵ trong thơ. Vì thế nhà thơ đã chọn những chi tiết có sức gợi cảm vừa cụ thể đời thường, vừa có tính biểu tượng để chọn lọc ra hiệu ứng dây chuyền, uyển chuyển mà đằm thắm. Chính lối viết giao đãi này dễ tìm được sự cộng hưởng đồng điệu. “Mang quê ra đảo cho anh gặp nhà” - quê và nhà đó chính là cội nguồn, là cái neo bền vững để anh trụ lại giữa biển khơi những ngày sóng gió. Tứ thơ giản dị mà không giản đơn. Những con chữ rất gần gũi với cuộc sống thường ngày “Này là trái bưởi trái cam/Này là hạt giống rau làng vườn quê” đã vẽ lên một chân dung làng khá thân thuộc trong tâm cảm của người lính Việt. Chính hạt giống rau làng là nơi để ươm không chỉ những ngọn rau xanh mướt mà ươm cả niềm tin và khát vọng của người lính đảo. Có một hình ảnh bất ngờ ám ảnh tôi: “Cây hoa giấy thắm để che nắng trời”. Hoa giấy mỏng mảnh sắc tươi như những cánh thư nhỏ của đất liền che cả nắng trời thiêu đốt. Chi tiết này là điểm nhấn tạo ra những dư ba lay thức tâm tình, gói lại các món quà quê thật đơn sơ mà thiết thực biết bao. Bởi cái mạch suối cội nguồn tiềm tàng của quê hương xứ sở nên “Mang quê ra đảo” không chỉ là những sản vật đất liền mà còn mang cả hồn quê, hồn nước “Gửi vào lời hát thân quen/ Là bao chia sẻ đắp đền buồn vui”. Chỉ nghe “Tiếng thương như mẹ, giọng cười như em”, lòng người lính ra đảo đã dịu mát lại dù trải qua bao sóng gió. Ở đây ta chú ý nhà thơ đã khá tinh tế khi chọn “Tiếng thương” để nói về mẹ và “giọng cười” của em. Chỉ biến đổi một chút về tần số từ “tiếng” sang “giọng” mà khắc họa được bao nỗi niềm. Từ những âm vực của đời thường đến âm vực của tâm hồn là hợp âm tình cảm át cả bao tiếng gào thét của bão giông, của những hiểm nguy đang rình rập quanh mình. Khổ cuối của bài thơ là tiếng lòng, trào dâng cảm xúc, của ngọn sóng yêu thương dâng cuộn lên. Đó cũng chính là ngọn sóng của thi ca “Để quê gần lại Trường Sa/Để ngàn dặm biển chỉ là tấc gang”. 

“Mang quê ra đảo” in trên báo Văn nghệ là một trong những bài thơ hay khi viết về biển đảo. Đặc biệt trong những ngày Biển Đông dậy sóng thì sức khái quát của tứ thơ dang rộng thành đôi cánh lãng mạn để cắt nghĩa vì sao Tổ quốc ta trụ vững bên bờ sóng bởi cái gạch nối “Mang quê ra với Trường Sa - Để anh được trở về nhà với quê". 

NGUYỄN NGỌC PHÚ

Mang quê ra đảo

Thương người xa giữ biển xanh
Mang quê ra đảo cho anh gặp nhà
Đất quê gần lại Trường Sa
Để ngàn dặm biển chỉ là tấc gang

Này là trái bưởi trái cam
Này là hạt giống rau làng vườn quê
Cả đây gói bánh, hộp chè
Cây hoa giấy thắm để che nắng trời. 

Quê ra còn có bao người
Tiếng thương như mẹ giọng cười như em
Gửi vào lời hát thương quen
Là bao chia sẻ đáp đền buồn vui

Sinh Tồn ơi! Cô Lin ơi!
Và bao đảo giữa nước trời quê ta
Mang quê ra với Trường Sa
Để anh được trở về nhà với quê.

NGUYỄN THỊ MAI

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những câu thơ neo lại tình người, nghĩa nước