Lời thề giữ đảo lưu truyền sử xanh

07/06/2020 15:06

Bài thơ Mộ gió trên đảo Lý Sơn chân mộc về ngôn ngữ, kết hợp với thể thơ lục bát truyền thống giàu nhạc tính đủ để tâm hồn người đọc bâng khuâng cảm xúc “về nguồn”.

Mộ gió trên đảo Lý Sơn được tác giả sáng tác sau chuyến đi thực tế đến đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Thi phẩm thể hiện niềm xúc động đến thắt lòng khi tác giả viếng thăm những ngôi mộ gió đơn sơ, bé nhỏ nơi hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc “mà nghe vọng tiếng nước non ngàn trùng”. Những vần thơ viết về biển đảo trên đây đã hòa cùng mạch nguồn cảm hứng chung của thời đại, chạm được vào trái tim người đọc, nhân lên tình cảm yêu nước thiết tha từ mỗi người dân nước Việt.

Hai câu thơ mở đầu của Mộ gió trên đảo Lý Sơn là một hiện thực đến nhói buốt hồn người. Đó là nỗi đau khi thân vùi giữa trùng khơi mà nấm đất nằm vương trên đảo nhỏ. Tôi nghĩ chính cách biểu đạt chân thành, tự nhiên ấy đã là một khởi đầu thành công cho thi phẩm này: "Người nằm đâu dưới biển sâu/ Tôi bên mộ gió cúi đầu kính nhang!".

Sau phút giây thành kính trước hàng hàng mộ gió, thắp nén nhang vái linh hồn tiền nhân đã khuất, nhà thơ bàng hoàng tưởng như mình lạc vào chốn hoang liêu nào. Ấn tượng về những nấm mộ không hài cốt “lơ thơ ngọn cỏ, lênh loang nắng chiều” cứ ám ảnh và day dứt không nguôi. Thương cảm và xót xa lắm nhà thơ mới hạ được những câu thơ đầy xúc động khi dựng lại cảnh tượng nhân dân làm hình hài mộ gió mới thiêng liêng và kính cẩn biết chừng nào: "Xương - dâu, thịt - sét, gió - hồn/ Tạc nên khí phách can trường người xưa/ Đâu tượng đài phủ nắng mưa/ Đâu bia tưởng niệm, tháp chùa vàng son?/ Đây hàng nấm mộ cỏn con/ Mà nghe vọng tiếng nước non ngàn trùng".

Những thân cây dâu xếp lại làm thành xương cốt, đất sét hóa thành da thịt để tạo nên hình hài người đã hy sinh, hồn vía là tiếng gió u u thổi dọc bãi bờ ngàn năm không dứt. Ôi chao, tôi đọc những câu thơ này của Nguyễn Tiến Sỹ mà cõi lòng tê tái, thấu được nỗi đau cha ông trong hành trình giữ nước, giữ biển đảo mới lớn lao và gian khổ đến nhường nào. Từ đó, nhà thơ khẳng định những ngôi mộ gió đơn sơ, bé nhỏ nằm kia chính là “khí phách can trường người xưa”. Không cần tượng đài, bia đá, tháp chùa vàng son, lộng lẫy mới vĩnh hằng cùng non nước. Hàng mộ gió dọc bãi bờ biển đảo là cả tiếng vọng nước non, là hồn thiêng sông núi kết tụ vững bền tạc nên bóng dáng cha ông một thời: "Vọng về giữa chốn thinh không/ Hoàng Sa bão tố, Biển Đông sóng cồn/ Chân mây lãng đãng cánh buồm/ Bóng hùng binh giữ nước non, biển trời".

Dường như giữa thinh không vẫn còn vọng vang lời hùng binh cứu nước và lời sắc chỉ truyền lưu của vua ban. Đặc biệt, nhà thơ sử dụng rất thành công nghệ thuật đồng hiện nên quá khứ và hiện tại tất cả đang lồng vào nhau. Tôi có cảm giác từ lúc nhà thơ đưa hai tay “kính nhang” bên hàng hàng mộ gió là có cả bóng dáng cha ông một thuở hiện về. Tất cả đồng cảm, day dứt, xa xót và cả niềm tự hào về truyền thống đánh giặc hào hùng của một dân tộc chưa bao giờ chịu khuất phục trước ngoại bang: "Vọng về từ phía trùng khơi/ Lời thề giữ đảo nghìn đời vẫn nguyên/ Thấm vào sắc chỉ lưu truyền/ Thịt xương gửi lại nơi miền viễn khơi".

Bên cạnh mạch cảm xúc giàu chất sử thi và cảm hứng ngợi ca mang tinh thần bi tráng, nhà thơ cũng lắng lòng mình để liên tưởng đến lời ru từ những cuộc đời góa phụ như đá vọng phu đầy thương cảm. Nhờ đó, bài thơ không chỉ dừng lại ở vẻ đẹp hào hùng mà còn cả tiếng nói trữ tình, tha thiết qua những phận đời bé nhỏ, heo hút của những người mẹ, người chị nơi hậu phương một thời giặc giã. Chính “lời ru rát chiều” đã khiến trái tim người đọc càng thấm thía và đau xót hơn về những mất mát, hy sinh mà nhân dân ta phải trải qua để giữ gìn biển đảo: "Vọng về những tiếng ru nôi/ Lời ru khắc khoải… hóa đời Vọng Phu/ Đảo xa sương khói mịt mù/ Người đi để lại lời ru rát chiều!".

Hai câu thơ cuối bài khép lại một cách tương ứng hài hòa về mặt cấu trúc với hai câu đầu, đồng thời mở ra một niềm dự cảm, một khát vọng sáng tươi hơn về tiền đồ tương lai của Tổ quốc. Chính sự hy sinh của tiền nhân đã thắp sáng chân trời, rực lên sắc màu thắm đỏ trong buổi chiều nơi biển đảo Lý Sơn. Nén nhang cháy đỏ hay đó cũng là tiếng lòng của hậu thế gửi đến tiền nhân về một lời nguyền đinh ninh son sắt: "Nén nhang tôi cắm liêu xiêu/ Rực lên màu ráng đỏ chiều Lý Sơn!".

Bài thơ Mộ gió trên đảo Lý Sơn chân mộc về ngôn ngữ, kết hợp với thể thơ lục bát truyền thống giàu nhạc tính đủ để tâm hồn người đọc bâng khuâng cảm xúc “về nguồn”. Sâu lắng hơn, qua thi phẩm này, Nguyễn Tiến Sỹ đã ca ngợi sự hy sinh to lớn của bao lớp cha ông đã không tiếc máu xương để giữ gìn biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. “Thác là thể phách, còn là tinh anh” (Nguyễn Du). Những ngôi mộ gió chính là “tinh anh” của người xưa lắng lại thẳm sâu nơi lòng hậu thế, neo đậu thiên thu với biển cả bạc trùng.

LÊ THÀNH VĂN

Mộ gió trên đảo Lý Sơn

    Người nằm đâu dưới biển sâu
Tôi bên mộ gió cúi đầu kính nhang!

     Đơn sơ một nấm cát vàng
Lơ thơ ngọn cỏ, lênh loang nắng chiều
     Tưởng mình trong chốn hoang liêu
Khi bên mộ gió bên chiều Lý Sơn.

     Xương - dâu, thịt - sét, gió - hồn
Tạc nên khí phách can trường người xưa
     Đâu tượng đài phủ nắng mưa
Đâu bia tưởng niệm, tháp chùa vàng son?
     Đây hàng nấm mộ cỏn con
Mà nghe vọng tiếng nước non ngàn trùng.

     Vọng về giữa chốn thinh không
Hoàng Sa bão tố, Biển Đông sóng cồn
     Chân mây lãng đãng cánh buồm
Bóng hùng binh giữ nước non, biển trời.

     Vọng về từ phía trùng khơi
Lời thề giữ đảo nghìn đời vẫn nguyên
     Thấm vào sắc chỉ lưu truyền
Thịt xương gửi lại nơi miền viễn khơi.

     Vọng về những tiếng ru nôi
Lời ru khắc khoải… hóa đời Vọng Phu
     Đảo xa sương khói mịt mù
Người đi để lại lời ru rát chiều!

     Nén nhang tôi cắm liêu xiêu
Rực lên màu ráng đỏ chiều Lý Sơn!

NGUYỄN TIẾN SỸ


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lời thề giữ đảo lưu truyền sử xanh