Phải lo xa

17/11/2017 09:02

Chiều 13.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận rất sôi nổi dự thảo Luật An ninh mạng do Bộ Công an soạn thảo.

Tranh luận đã xảy ra khi khoản4, điều 34 dự thảo luật quy định: "Các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, internet tại Việt Nam phải tuân thủ pháp luật, tôn trọng chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia Việt Nam, có giấy phép hoạt động, đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam...". Sở dĩ Bộ Công an xây dựng dự thảo luật trên là do mỗi năm Việt Nam phải hứng chịu từ 5.000 - 6.000 cuộc tấn công mạng nhằm vào hạ tầng truyền dẫn vật lý như cáp truyền dẫn quốc tế, trục truyền dẫn nội bộ quốc gia, hạ tầng dịch vụ lõi, hệ thống điều khiển tự động hóa của các cơ sở trọng yếu về kinh tế, quốc phòng và an ninh.

Quy định trên đồng nghĩa với việc Google, Facebook, Viber, Skype… phải có văn phòng đại diện, đặt máy chủ tại Việt Nam nếu muốn làm ăn kinh doanh tại Việt Nam. Nhiều ý kiến cho rằng quy định trong dự thảo luật không khả thi vì các tập đoàn công nghệ sẽ không đặt máy chủ ở Việt Nam vì chi phí lớn. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng đã cảnh báo quy định trong dự thảo luật là trái với các cam kết quốc tế Việt Nam đã tham gia. Quy định này có thể làm cho các "ông lớn" công nghệ rời khỏi Việt Nam, khi đó thiệt hại cho nền kinh tế Việt Nam sẽ rất lớn. Cũng có ý kiến cho rằng nếu các "ông lớn" công nghệ không đáp ứng các quy định của Luật An ninh mạng nếu được thông qua thì ai sẽ thay thế họ cung cấp các dịch vụ cho người dân và doanh nghiệp Việt Nam...

Cần phải nói rằng một bộ phận lớn người dân Việt Nam hiểu chưa đúng quy định đặt máy chủ tại Việt Nam trong dự thảo luật. Cần phân biệt rõ giữa "máy chủ quản lý dữ liệu người dùng" và "máy chủ cung cấp dịch vụ". Các tập đoàn công nghệ như Google, Facebook, Microsoft đang cung cấp các dịch vụ Gmail, Google Drive, Google Plus, YouTube, Messenger, Skype... xuyên biên giới trên nền tảng internet mà vị trí máy chủ không được xác định cụ thể. Đó là các máy chủ cung cấp dịch vụ. Trong khi đó, Luật An ninh mạng chỉ yêu cầu các tập đoàn công nghệ đặt máy chủ lưu trữ dữ liệu của người dùng Việt Nam tại Việt Nam bởi điều gì sẽ xảy ra nếu thông tin cá nhân, vị trí, thói quen của người Việt Nam bị thu thập phục vụ mục đích xấu. Giả sử có một cuộc chiến tranh mạng tấn công Việt Nam từ những sơ hở nêu trên thì hậu quả sẽ khôn lường.

Hiện cả Facebook và Google đã và đang đặt nhiều máy chủ tại Việt Nam làm nhiệm vụ lưu trữ trung gian. Như vậy, quy định đặt máy chủ lưu trữ dữ liệu của người dùng Việt Nam tại Việt Nam chỉ là một biện pháp kỹ thuật để bảo đảm an toàn, an ninh, lành mạnh môi trường internet. Hơn thế, với việc các nhà cung cấp đặt hệ thống máy chủ lưu trữ dữ liệu người dùng tại Việt Nam, người dùng sẽ được lợi khi tốc độ truy cập nhanh hơn mà không phụ thuộc cổng internet quốc tế, cáp quang biển thường xuyên có sự cố. Khi đó, các hiện tượng tin giả, vu khống, bịa đặt trên mạng xã hội cũng sẽ giảm bớt.

Việt Nam hiện có 64 triệu tài khoản Facebook, chiếm hơn 3% trên tổng số 2 tỷ thành viên Facebook toàn cầu, đứng thứ 7 thế giới. Mỗi năm, Facebook thu khoảng 3.000tỷ đồng từ dịch vụ quảng cáo trực tuyến tại thị trường Việt Nam. Google thu 2.200 tỷ đồng, phần còn lại thuộc về các doanh nghiệp Việt Nam với 1.900 tỷ đồng. Lợi nhuận cao, các tập đoàn Facebook, Google  không dễ gì từ bỏ một trong những quốc gia có tốc độ phát triển internet nhanh nhất thế giới này. Không những vậy, Nga, Liên minh châu Âu hay nhiều nước trên thế giới cũng đã kiểm soát rất chặt chẽ các máy chủ lưu trữ dữ liệu người dùng. Các nước này yêu cầu Google, Facebook... hoạt động trên lãnh thổ phải đặt máy chủ lưu trữ dữ liệu của công dân trên lãnh thổ của họ. Do vậy, quy định đặt máy chủ đã được nhiều quốc gia áp dụng vì sự an toàn, an ninh và quyền lợi của người dùng mạng xã hội của quốc gia đó.

SỸ THẮNG

(0) Bình luận
Phải lo xa