Hy Lạp có đổi mới sau khi bầu lại thủ tướng cũ?

21/09/2015 18:21

Một tháng sau khi từ chức Thủ tướng Hy Lạp, ông Alexis Tsipras lại được bầu vào đúng vị trí mà ông đã từ nhiệm sau chiến thắng chóng vánh trong cuộc tổng tuyển cử ngày 20-9.



Nhiều khó khăn, thách thức trước mắt đang chờ chính phủ của ông Alexis Tsipras giải quyết


Mong manh chính phủ liên minh

Vào lúc 1 giờ 30 ngày 21-9 (giờ Việt Nam), Bộ Nội vụ Hy Lạp thông báo, với 54% số cử tri đi bỏ phiếu, Đảng Syriza của ông Tsipras đã dành được chiến thắng áp đảo với 35,5% số phiếu. Kết quả này giúp Syriza dành được 145 trong tổng số 300 ghế trong Quốc hội.

Phát biểu trước đám đông người ủng hộ ở Athens, ông Tsipras cho biết Đảng Syriza của mình đã nhận được sự ủy thác rõ ràng qua cuộc bầu cử. “Kết quả này không thuộc về Syriza. Kết quả này thuộc về tầng lớp công nhân của đất nước, những người muốn chiến đấu vì một ngày mai tốt đẹp hơn, những người mơ về một tương lai sáng lạn hơn. Và đây là những gì mà chúng ta đạt được vì làm việc chăm chỉ”, ông Tsipras nói.

Theo giới phân tích, ông Tsipras và chính phủ mới đang đứng trước những thách thức rất to lớn khi vừa phải lèo lái nền kinh tế ốm yếu với món nợ khổng lồ, vừa phải xây dựng lòng tin với nhân dân và các chủ nợ quốc tế. Thách thức đầu tiên đặt ra với ông Tsipras là thành lập một chính phủ liên minh để lãnh đạo đất nước do Đảng Syriza không đạt đủ số ghế quá bán ở Quốc hội (145/300 ghế).

Đảng cánh hữu "Những người Hy Lạp độc lập" đã tuyên bố sẽ thành lập liên minh với Syriza và liên minh này sẽ chiếm tổng cộng 155 ghế trong Quốc hội, một đa số được cho là quá mong manh và tiềm ẩn nhiều nguy cơ trước mắt. Trong khi đó, việc Đảng "Bình minh mới" có xu hướng phát-xít mới và bài ngoại trở thành đảng lớn thứ ba với 7% số phiếu là một kết quả đáng lo ngại, một mối đe dọa lớn đối với sự ổn định của xã hội và chính trị Hy Lạp.

Không dừng lại ở đó, cuộc bầu cử vừa qua với tỷ lệ người đi bầu chỉ ở mức 54%, thấp chưa từng có kể từ 70 năm nay, phản ánh đúng những gì đang diễn ra với các cử tri Hy Lạp: họ không muốn tiếp tục các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" quá hà khắc, nhưng cũng không còn con đường nào khác là vẫn phải đi theo chính sách của ông Tsipras, chấp nhận những thỏa thuận bất lợi với các chủ nợ để có thể được vay nợ. Do đó, thách thức đối với Thủ tướng Tsipras không nhỏ.

Đây là cuộc bỏ phiếu thứ năm trong 6 năm qua và là thứ ba trong 9 tháng qua ở Hy Lạp sau khi ông Tsipras đã từ chức hồi tháng 8 vì những chia rẽ nghiêm trọng trong nội bộ đảng Syriza liên quan đến gói cứu trợ trị giá 86 tỷ euro mà các chủ nợ dành cho Hy Lạp, đổi lại Hy Lạp phải tiếp tục các chính sách khắc khổ và tư hữu hóa nhiều tài sản nhà nước. Việc từ chức và tiến hành bầu cử sớm được cho là cách để củng cố lại đảng cầm quyền Syriza, gạt bỏ các thành viên chống đối ra khỏi đảng, đồng thời tìm kiếm thêm sự ủng hộ ở các đảng nhỏ.

Nhiều bất ổn kinh tế

Bất chấp kết quả của cuộc bầu cử ở Hy Lạp, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) khẳng định Athens chắc chắn cần một gói cứu trợ, nếu không có nó, đất nước này có thể một lần nữa mất khả năng thanh toán các hóa đơn trong dài hạn. Châu Âu dường như không sẵn sàng thảo luận đến vấn đề này và cho rằng cần phải xem xét các cải cách kinh tế của Athens trước tiên.

Trong khi đó, nền kinh tế của Hy Lạp vẫn còn rất mong manh kể từ sau cuộc khủng hoảng mùa hè vừa qua. Việc kiểm soát dòng vốn vẫn dậm chân tại chỗ, nền công nghiệp thì tụt dốc và tỷ lệ thất nghiệp đáng báo động ở mức 25%. Raoul Ruparel, giám đốc Open Europe cho CNN biết: “Chúng tôi đã thấy một sự sụt giảm lớn trong các nhánh kinh tế Hy Lạp, cụ thể là nhập khẩu và xuất khẩu, vì vậy có vẻ như nền kinh tế này vẫn chưa thể hồi phục trong thời gian tới. Không có điều gì mới xảy ra đối với bộ máy chính trị cũng đồng nghĩa với việc không có gì mới trong quá trình cải cách nền kinh tế”.

Gabriel Sterne, người đứng đầu Tổ chức Nghiên cứu toàn cầu (thuộc viện kinh tế Oxford) phân tích: “Hy Lạp khó có khả năng chống đỡ trước những sóng to gió lớn và vấn đề là các khó khăn này rồi sẽ đi xa đến đâu và có bao nhiêu thành viên trong Liên minh châu Âu (EU) sẽ đồng ý với Đức trong vấn đề không tiếp tục đầu tư cho Hy Lạp nếu nó không đáng”. Trước đó, vào tháng 7, EU đã đồng ý cứu trợ 97 tỷ USD cho Athens để ngăn chặn nước này vỡ nợ và giúp Hy Lạp không phải ra khỏi khối.

Tuy nhiên, người phát ngôn của Đảng Syriza khẳng định Hy Lạp sẽ tuân thủ các thỏa thuận đã ký với các chủ nợ hồi tháng 7 vừa qua. Chính phủ sẽ tiếp tục thương lượng nhằm giãn nợ và giảm các khoản nợ. Việc tiến hành các cuộc thương lượng này được coi là một thách thức lớn đối với ông Tsipras và chính phủ của ông sau khi nhậm chức. Ông phải tiến hành những cải cách cấp thiết vừa để cứu nguy nền kinh tế đang sa lầy, vừa tìm cách trả nợ cho các chủ nợ, nhưng cũng phải xoa dịu dư luận trong hoàn cảnh các biện pháp hà khắc có thể khiến dân chúng thêm phẫn uất, dẫn đến nguy cơ bất ổn ngày càng cao của nền chính trị nước này.

Athens cần một chính phủ có thể giải quyết được nền kinh tế vốn đang “ngắc ngoải”, giữ quả bóng ổn định trong sân và cố gắng đối mặt với thách thức hàng nghìn người tị nạn ngày ngày vẫn cập vào bờ biển nước này. Nếu chính phủ mới không nhanh chóng làm việc, Hy Lạp có thể phải đối mặt với nguy cơ không thể nhận thêm tiền hỗ trợ từ EU. Điều này có thể khiến Athens không trả được khoản nợ 3,2 tỷ euro cho IMF vào năm sau.

PHƯƠNG LINH(tổng hợp)


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hy Lạp có đổi mới sau khi bầu lại thủ tướng cũ?