Cuộc "ly hôn" Anh - EU còn nhiều gian nan

04/10/2018 14:04

Chưa đầy nửa năm nữa sẽ tới thời điểm Anh rời EU, song những khác biệt về cách tiếp cận và đường lối chính trị khiến thỏa thuận Brexit chưa thể ngã ngũ.


Viễn cảnh về một Brexit không thỏa thuận đang hiện hữu

Mùa hè năm 2016, Chính phủ Anh thông qua trưng cầu dân ý quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit. Brexit trở thành sự kiện chính trị gây chấn động châu Âu trong những năm gần đây.

Hành trình dài

9 tháng sau đó, nữ Thủ tướng Anh Theresa May ngày 29.3.2017 đã ký văn bản kích hoạt điều 50 Hiệp ước Lisbon, chính thức khởi động tiến trình Anh rời khỏi EU. Giới chuyên gia thời điểm đó nhận định rằng Vương quốc Anh sẽ bước vào chặng đường dài 2 năm đàm phán đầy bất ổn.

Với Chính phủ Anh, điểm thuận khi rời khỏi EU là London có thể đơn phương ngăn chặn dòng người tị nạn tràn vào châu Âu. Những lo ngại về sự gia tăng số lượng người di cư từ các quốc gia châu Phi và Trung Đông được cho là lý do chính khiến Anh rời khỏi liên minh lục địa già. Ngoài ra, Vương quốc Anh có thể tự kiểm soát vấn đề thuế quan mà không cần nhờ tới những hướng dẫn từ EU, đồng thời quốc gia này sẽ loại bỏ được khoản tiền phí thành viên liên minh hằng năm.

Tuy nhiên, bất lợi chính mà London gặp phải là Brexit sẽ làm suy giảm sự tăng trưởng kinh tế. Theo Bộ Tài chính Anh, tăng trưởng nước này sẽ giảm xuống còn khoảng 2,4% năm 2018, 1,9% vào năm 2019 và giảm còn 1,6% vào năm 2020. Điểm bất lợi khác mà chính quyền bà May phải đối diện là hàng loạt các dự án giao thương giữa Anh với các thành viên EU đứng trước nguy cơ đổ vỡ nếu nước này không thể duy trì tình trạng thương mại phi thuế quan nội khối.

Một số chuyên gia cảnh báo vấn đề gai góc liên quan tới đường biên giới Ireland có thể gây phương hại đến một thỏa thuận Brexit. Tránh khả năng xảy ra một đường biên giới cứng giữa CH Ireland và Bắc Ireland của Anh sau khi nước này rời khỏi thị trường chung châu Âu đã và đang là trở ngại lớn cho việc đạt được một thỏa thuận giữa Anh và EU. Một vấn đề phức tạp khác, đó là Anh có thể sẽ mất Scotland vì Brexit. Hồi năm 2014, Scotland từng bỏ phiếu lựa chọn rời bỏ Anh hay ở lại. Lý do chính khiến Scotland ở lại Vương quốc Anh bởi đây là cách duy nhất để người dân Scotland trở thành công dân thuộc Liên minh châu Âu. Brexit đã làm thay đổi tất cả, là thành viên của Vương quốc Anh đồng nghĩa với “tấm vé một chiều” đẩy Scotland ra khỏi châu Âu.

Theo nhiều chuyên gia, kịch bản về “hiệu ứng domino” tại châu Âu theo sau Brexit hoàn toàn có thể xảy ra. Việc Anh quyết định rời EU là sự kiện chấn động, gây bất ổn cho phần còn lại của châu Âu. Mặc dù sức ép từ cuộc khủng hoảng người tị nạn và bất ổn trong khu vực đồng euro đã giảm nhiệt, song phe dân túy vẫn biết cách khai thác mối quan tâm của dân chúng. Brexit có thể là "khởi đầu của tiến trình hủy diệt không chỉ EU mà cả nền văn minh chính trị phương Tây”.

Nguy cơ rời EU “với hai bàn tay trắng”

Chưa đầy nửa năm nữa sẽ tới thời điểm Anh rời EU, song những khác biệt về cách tiếp cận và đường lối chính trị khiến thỏa thuận Brexit chưa thể ngã ngũ. Anh phải đối mặt với nguy cơ rời EU “với hai bàn tay trắng” nếu khối này giữ vững quan điểm bác bỏ kế hoạch London đưa ra. Trên thực tế, giới chức ủng hộ “Brexit cứng” thuộc Đảng Bảo thủ tại Anh ngày một hướng tới kịch bản “Brexit không thỏa thuận”. Diễn biến thời gian gần đây cho thấy viễn cảnh này đang dần trở thành hiện thực.

Nếu thỏa thuận về việc Anh rời EU không được thông qua, điều đó có nghĩa là giai đoạn chuyển tiếp “hậu Brexit” kéo dài 21 tháng đến ngày 31.12.2020 bị hủy bỏ. Đây sẽ là thất bại nặng nề với cá nhân Thủ tướng May. Đồng thời, người dân, doanh nghiệp và giới chức Anh buộc phải ngay lập tức phản ứng lại với những thay đổi thời kỳ “nước Anh hậu Brexit”.

Vương quốc Anh sẽ áp dụng các quy định ngoại thương theo Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nếu “Brexit cứng” xảy ra. Trong khi London không còn ràng buộc bởi các quy tắc nội khối EU, quốc gia này sẽ phải đối mặt với mức thuế suất áp dụng cho các quốc gia ngoài EU. Giá cả hàng hóa leo thang, một số sản phẩm do người Anh chế tạo có thể bị EU từ chối vì vấn đề chứng nhận xuất xứ. Các doanh nghiệp sản xuất tại Anh có thể sẽ di dời nhà máy sang các quốc gia EU khác nhằm tránh sự phiền toái khi thông quan.

Chính quyền London sẽ được chủ động thiết lập chính sách kiểm soát riêng về vấn đề nhập cư đối với công dân EU và ngược lại. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 1,3 triệu người Anh đang sinh sống và làm việc tại các quốc gia EU và khoảng 3,7 triệu công dân EU tại Anh.

Vấn đề biên giới với Ireland sẽ không thể giải quyết triệt để. EU đã đưa ra đề nghị Bắc Ireland ở lại với 27 thành viên còn lại của EU sau Brexit như là một phần của chính sách giúp tránh việc mở lại các chốt kiểm tra biên giới có thể gây rủi ro cho các lợi ích của Ireland. Cả Anh và EU đều muốn tránh một đường biên giới cứng giữa Bắc Ireland thuộc Anh và CH Ireland vì đường biên giới này có thể hủy hoại thỏa thuận hòa bình ký năm 1998 nhằm chấm dứt hàng thập kỷ xung đột khu vực này.

Hiện hai bên chưa đạt được sự đồng thuận về việc giám sát hoạt động trao đổi hàng hóa giữa Anh và EU tại đây nếu không có đường biên giới và nếu khu vực Bắc Ireland thuộc Anh rời khỏi cả liên minh thuế quan và thị trường chung châu Âu.

Vào ngày 29.3.2019, thời điểm Anh rời khỏi EU. Một Brexit không thỏa thuận không thể ngăn việc Anh rời khỏi liên minh này nhưng rõ ràng chính quyền Theresa May và phần còn lại của EU sẽ phải đối mặt với tương lai nhiều thách thức.

HÀ KIÊN (dịch và tổng hợp)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cuộc "ly hôn" Anh - EU còn nhiều gian nan