Để tình yêu sách không bị giãn cách

21/04/2020 11:15

Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, lần đầu tiên, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội sách trực tuyến với chủ đề “Đọc sách, nâng cao trí tuệ, vượt qua nỗi lo dịch bệnh”.


Hội sách trực tuyến giới thiệu hàng chục nghìn đầu sách

Ngày Sách Việt Nam (21.4) hằng năm đã trở thành một hoạt động văn hóa thiết thực của người dân cả nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, thay vì tổ chức hội sách như truyền thống, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội sách trực tuyến quốc gia đầu tiên với chủ đề “Đọc sách, nâng cao trí tuệ, vượt qua nỗi lo dịch bệnh”.

Thay đổi nhận thức về giá trị của sách

Ngày 25.12.2014, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 284/QĐ-TTg, lấy ngày 21.4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam để thực hiện các hoạt động phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Kể từ đó đến nay, mỗi tháng tư về lại thêm ý nghĩa với mỗi người dân Việt Nam, đặc biệt là với những người yêu sách, người sưu tầm, sáng tác, xuất bản, in, phát hành, lưu giữ, quảng bá sách. Qua 6 năm triển khai, các bộ, ngành, tổ chức, địa phương trên cả nước đã phát động, xây dựng phong trào đọc, viết, quảng bá, lưu giữ sách trong mọi tầng lớp nhân dân, lan tỏa thành nếp sống đẹp trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Các hoạt động về Ngày Sách Việt Nam đã tạo chuyển biến căn bản trong nhận thức của xã hội về ý nghĩa, giá trị của sách và việc đọc sách.

Hằng năm, Ngày Sách Việt Nam được tổ chức trên cả nước với quy mô ngày càng lớn, không chỉ ở các tỉnh, thành phố mà đã được chú trọng triển khai đến địa bàn cơ sở, vùng nông thôn, miền núi, những nơi còn khó khăn. Hiện tại, đã có tới 90% số tỉnh, thành phố triển khai hoạt động của Ngày Sách Việt Nam đến các quận, huyện và 30% tỉnh, thành phố tổ chức tại cấp phường, xã; 100% số thư viện cấp tỉnh, thành phố đã tổ chức Ngày hội sách và văn hóa đọc, tăng cường phục vụ sách lưu động về các vùng sâu, vùng xa, hải đảo…

Mỗi bộ, ngành, tổ chức, địa phương đều tự tìm tòi để hình thành mô hình tổ chức Ngày Sách Việt Nam phù hợp với điều kiện thực tế, đưa sách "phủ sóng" rộng khắp. Trong hệ thống giáo dục, hơn 66 triệu lượt học sinh, sinh viên và hơn 4,7 triệu lượt cán bộ, giảng viên, giáo viên, nhân viên tham gia hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam; xây dựng được hơn 30.000 tủ sách phụ huynh… Tại Hà Nội, UBND thành phố đã xây dựng Phố sách, tổ chức Phố sách Xuân, Hội sách thiếu nhi, Hội sách Hà Nội, tạo không gian phát triển văn hóa đọc lành mạnh ở Thủ đô. Nhiều nơi trên cả nước cũng đã tổ chức các hoạt động của Ngày Sách Việt Nam như hội sách, phố sách, xây dựng hàng chục nghìn thư viện, tủ sách tư nhân, quyên góp hàng triệu bản sách...

Không chỉ trong khuôn khổ các hoạt động Ngày Sách Việt Nam, những năm qua, phong trào đọc sách, đưa sách đến với người đọc đã lan tỏa rộng khắp, trở thành nét đẹp văn hóa trong đời sống. Qua đó, cũng tạo cơ hội để các đơn vị xuất bản, phát hành đưa sách hay, sách mới đến cộng đồng, khuyến khích người viết, người đọc, giúp thị trường sách sôi nổi, đóng góp tích cực không chỉ về mặt tri thức, mà cả kinh tế cho đất nước. Trong 5 năm (2014-2019), ngành xuất bản đã cho ra đời trên 160.000 xuất bản phẩm, với 1,9 tỷ bản sách, tăng 20% so với trước đây. Chất lượng, hình thức xuất bản phẩm được nâng cao, cung cấp đa dạng kiến thức, thông tin, phục vụ tốt hơn nhu cầu của bạn đọc.

Nhiều địa phương như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… đã tích cực lồng ghép phong trào đọc sách với các phong trào xây dựng gia đình văn hóa, khuyến học, khuyến nông; tạo môi trường thuận lợi để khuyến khích mọi người tham gia viết sách, tôn vinh tác giả, tác phẩm, văn nghệ sĩ, những người tích cực hoạt động phát triển văn hóa đọc; phát huy tốt vai trò của Hội Xuất bản, Hội Khuyến học; tăng cường hợp tác, giao lưu quốc tế trong lĩnh vực xuất bản…

Để tình yêu sách không bị giãn cách

Hàng năm, hội sách truyền thống được tổ chức tại Công viên Thống Nhất. Tuy nhiên, năm nay, thực hiện giãn cách xã hội do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, hội sách sẽ được thực hiện trên môi trường số. Cụ thể, hội sách trực tuyến sẽ diễn ra tại sàn thương mại điện tử book365.vn từ ngày 19.4 - 20.5.

Tại sàn sách có sự tham gia của 49 đơn vị, gồm: 24 nhà xuất bản, 25 đơn vị phát hành sách, cung cấp gần 10.000 đầu sách với mẫu in đẹp, bảo đảm chất lượng, kể cả vấn đề bản quyền. Để bạn đọc tiếp cận thuận lợi hơn với sách, Ban tổ chức đã giảm giá 25%; 20.000 đơn sách đầu tiên tại Hội sách trực tuyến sẽ được miễn phí vận chuyển.

Ngoài ra, hội sách sẽ có nhiều chương trình hấp dẫn dành cho bạn đọc và khách mời như: Chương trình tọa đàm trực tuyến giữa các tác gia, người nổi tiếng và bạn đọc bằng công nghệ mạng xã hội trực tuyến 4.0 mới nhất; bình sách, hướng đọc sách của các tác giả, bạn đọc... giúp người đọc tìm được những cuốn sách hay có giá trị thực sự cho mình; tổ chức cuộc thi bình sách, giới thiệu sách, đọc sách với nhiều nhiều giải thưởng hấp dẫn dự kiến sẽ thu hút sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Đặc biệt, theo Ban tổ chức, mỗi cuốn sách được mua sẽ đóng góp 3% giá trị cho quỹ hỗ trợ phòng, chống COVID-19 của đất nước.

Theo Cục trưởng Cục Xuấn bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Nguyên, bên cạnh tạo ra sức lan tỏa trong văn hóa đọc, Hội sách trực tuyến còn tạo ra sân chơi mới để các đơn vị xuất bản bước vào phương thức sản xuất, kinh doanh mới.

Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo chia sẻ, hội sách giúp các đơn vị xuất bản mở ra một hướng đi mới, đột phá, phát triển thị trường sách, giúp ngành xuất bản bước vào nền kinh tế xã hội một cách chủ động. Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Phụ Nữ Khúc Thị Hoa Phượng xem Hội sách online lần này là bước tập dượt ban đầu, để rút kinh nghiệm một số vấn đề, từng bước hiện đại hóa ngành sách bằng chính nội lực của mình. Còn Theo TS Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Công ty Thái Hà Books, Hội sách này là cột mốc mang tính bước ngoặt để ngành xuất bản và phát hành cả nước nhảy vào kinh tế số…

Có thể thấy, Hội sách trực tuyến chính là thời điểm để ngành xuất bản vượt qua khó khăn, nắm bắt thời cơ, chuyển mình, thay đổi phương thức sản xuất kinh doanh, chuyển từ kinh doanh truyền thống sang kinh doanh mới, và dần bước vào nền kinh tế số. Đây cũng là cơ hội để những người tổ chức hội sách hàng năm xây dựng kế hoạch tổ chức song song cả hai hình thức truyền thống và trực tuyến.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Để tình yêu sách không bị giãn cách