Đội tuyển Maroc đã tạo nên kỳ tích ở World Cup 2022 và trong hành trình kỳ diệu đó, không thể không nhắc đến Yassine Bounou - thủ môn được coi là người hùng của "Những chú sư tử Atlas."
Yassine Bounou. (Nguồn: Reuters)
Đội tuyển Maroc đã tạo nên kỳ tích ở World Cup 2022 khi trở thành đại diện châu Phi đầu tiên trong lịch sử lọt vào bán kết một kỳ World Cup.
Trong hành trình kỳ diệu đó, không thể không nhắc đến Yassine Bounou - thủ môn được coi là người hùng của "Những chú sư tử Atlas."
Các chuyên gia bóng đá hoàn toàn nhất trí rằng Maroc đã tiến xa tại giải đấu nhờ khả năng phòng ngự xuất sắc của họ.
Cho tới trước trận bán kết gặp Pháp, "Những chú sư tử Atlas" chỉ để thủng lưới một bàn và đó là bàn phản lưới nhà trong trận đấu với Canada.
Sơ đồ phòng thủ chặt chẽ 4-1-4-1 đã thu hẹp mọi khoảng trống có thể tìm thấy giữa tuyến tiền vệ và hàng thủ trong đội hình Maroc. Điều khiến đối phương khó chịu hơn nữa đó chính là việc Maroc có Yassine Bounou trong khung thành. Nơi đó, chàng trai sinh năm 1991 luôn cười tươi.
Ngay cả trong loạt đấu luân lưu căng thẳng với Tây Ban Nha ở vòng 16 đội, Bounou vẫn cười rạng rỡ khi Sergio Busquets bước lên chấm sút phạt. Và rồi, Bounou đã cản phá thành công quả phạt đền thứ ba của Tây Ban Nha. Đó là một trong số hàng chục lần máy quay bắt được cảnh Bounou cười trong trận đấu với Tây Ban Nha ở vòng đấu loại trực tiếp. Có vẻ như thủ môn này chẳng có chút áp lực nào trong một trận đấu sinh tử vô cùng căng thẳng như vậy.
Ông Christophe Revel - cựu huấn luyện viên thủ môn của Bounou trong đội tuyển quốc gia Maroc, tiết lộ với Đài phát thanh quốc tế Pháp: "Nếu cậu ấy không cười mới là có vấn đề." Đó là khi Bounou thực hiện các cuộc phỏng vấn trực tiếp. Anh không cười mà thường vắt chéo chân, suy nghĩ thấu đáo câu trả lời của mình trước khi nói với các phóng viên.
Nếu không phải là một cầu thủ bóng đá, rất dễ hình dung Bounou sẽ theo nghiệp học thuật. Bounou sinh ra ở Montreal (Canada), nhưng gia đình anh chuyển về Casablanca (Maroc) sinh sống khi anh lên 3 tuổi. Ở đó, Bounou lớn lên trong một môi trường trung lưu, theo học tại một trong những trường trung học tốt nhất của Pháp ở Maroc.
Thái độ thoải mái của Bounou ở các trận đấu World Cup không phải là kiêu ngạo. Thay vào đó, sự tự tin và lạc quan anh có được nhờ vào việc tiếp xúc với những tình huống áp lực cao ngay từ những ngày đầu của sự nghiệp.
Sau khi gia nhập câu lạc bộ Wydad Casablanca năm 8 tuổi, Bounou nhanh chóng vươn lên đội hình 1 của đội bóng. Tuy nhiên, trận ra mắt của Bounou với tư cách một cầu thủ chuyên nghiệp lại diễn ra ở trận lượt về chung kết Giải vô địch châu Phi 2011 với gã khổng lồ của bóng đá Tunisia - câu lạc bộ Espérance Sportive de Tunis.
Phát biểu với kênh truyền hình M24TV của Maroc trước thềm World Cup 2022, Bounou kể lại: "Thật khó khăn khi đó là trận đấu đầu tiên của tôi. Tôi cảm thấy nếu trận đấu diễn ra tốt, sự nghiệp của tôi có thể đi theo hướng này, và nếu tôi chơi không tốt, nó sẽ đi theo hướng khác."
Bounou đã thực hiện một loạt các pha cứu thua trong trận đấu đó nhưng rồi bị đánh bại bởi cú sút đẳng cấp thế giới của hậu vệ cánh người Ghana - Harrison Afful. Bất chấp kết quả, màn trình diễn của Bounou đã lọt vào mắt xanh các tuyển trạch viên của Atletico Madrid. Họ đã đến gặp Bounou, đề nghị anh ký hợp đồng để chuyển sang Tây Ban Nha chơi bóng.
Atletico Madrid đề xuất mức lương thấp hơn những gì Bounou nhận được ở Wydad và nói rằng anh chỉ đóng vai trò là lựa chọn thứ 3 nơi khung gỗ sau Thibaut Courtois và Jan Oblak.
Muốn chứng tỏ tham vọng của mình, khát khao vươn tới đỉnh cao, Bounou không ngần ngại chớp lấy cơ hội. Nhưng như một điều dễ đoán, Atletico Madrid mua về nhưng đẩy Bounou sang câu lạc bộ hạng hai Real Zaragoza theo dạng cho mượn.
Năm 2016, Bounou rời Atletico Madrid chuyển sang Girona với mong muốn có cơ hội ra sân nhiều hơn. Hành trình của Bounou ở Girona trở nên vui vẻ khi đội bóng được thăng hạng lên chơi ở La Liga. Nó cũng tạo ra cơ hội giúp Bounou chuyển đến một trong những câu lạc bộ lớn nhất của Tây Ban Nha - Sevilla, vào năm 2020. Bounou trở thành một thủ môn đẳng cấp thế giới kể từ đó.
Tại La Liga mùa giải 2021-2022, Bounou đạt tỷ lệ cứu thua gần 78%, cao thứ 6 ở châu Âu. Trong suốt năm 2021, anh cũng giữ sạch lưới nhiều hơn bất kỳ thủ môn nào ở châu Âu, tính các trận cho câu lạc bộ và đội tuyển quốc gia, 32 trong 59 trận.
Ông Christophe Revel đánh giá: "Cậu ấy là một thủ môn hàng đầu. Cậu ấy thành thạo trong những pha một chọi một, tiếp đất nhanh chóng, có đôi chân tuyệt vời và cũng có khả năng không chiến tốt. Quan trọng nhất, cậu ấy rất bản lĩnh. Nếu là thủ môn của Bỉ hay Anh, Bounou giờ đã lên hàng ngôi sao. Nhưng vì là ở đội tuyển Maroc nên cậu ấy không được chú ý nhiều."
Nhưng giờ đây, cùng với hành trình kỳ diệu của Maroc ở World Cup 2022, Bounou đã là cái tên được cả thế giới bóng đá biết đến. Không chỉ có vậy, anh còn là điểm tựa cho đội tuyển Maroc ở hành trình tiếp theo. Như huấn luyện viên Walid Regragui đã nói: "Khi bạn biết mình có Bounou trong khung thành, điều đó luôn mang lại cho bạn sự tự tin"./.
Khánh Đan (TTXVN