Thiên nhiên ở vườn quốc gia Xuân Sơn vẫn giữ được nguyên vẻ hoang sơ, hoang dã; khí hậu quanh năm mát mẻ là điểm đến lý tưởng của du khách ưa khám phá...
Nét đặc trưng của vườn quốc gia Xuân Sơn là thời tiết thay đổi theo 4 mùa trong 1 ngày
Sức hấp dẫn kỳ lạVườn quốc gia Xuân Sơn nằm trên địa bàn huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ, có hệ sinh thái vô cùng phong phú với nhiều loài động, thực vật quý hiếm có giá trị trong nghiên cứu khoa học cũng như bảo tồn nguồn gen. Cách Hà Nội khoảng 120 km, vườn rộng hơn 15 nghìn ha, đứng thứ 12 trong số 15 vườn quốc gia lớn nhất Việt Nam. Vườn được ví là “lá phổi xanh”, là điểm du lịch hấp dẫn nằm ở phía tây bắc của tỉnh Phú Thọ, với độ che phủ rừng lên tới 84%, chất lượng các hệ sinh thái rừng ổn định và được bảo vệ tốt. Vườn được đánh giá là nơi có môi trường không khí, nước sạch sẽ, mát mẻ, nhiệt độ trung bình năm từ 22-23 độ C. Đặc biệt, một ngày ở Xuân Sơn, thời tiết có nét đặc trưng của 4 mùa: buổi sáng mát mẻ của mùa xuân, buổi trưa ấm áp của mùa hè, buổi chiều hiu hiu như mùa thu, buổi tối trời se lạnh đặc trưng của mùa đông. Đây là lợi thế của vườn trong phát triển du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng.
Tại đây hiện có 365 loài động vật, trong đó có 46 loài ghi trong Sách đỏ Việt Nam và 18 loài ghi trong Sách đỏ thế giới. Các loài đặc trưng cho hệ động vật Tây Bắc như voọc xám, vượn chó, cầy bạc má, sóc bụng đỏ đuôi trắng, gấu, báo, gà lôi, gà tiền, đại bàng đất... Riêng sơn dương có nhiều nhất toàn quốc. Bên cạnh đó, vườn còn có 726 loài thực vật bậc cao trong đó có 52 loài thuộc ngành quyết và ngành hạt trần. Nằm trong khu vực giao tiếp của hai luồng thực vật Mã Lai và Hoa Nam, hệ thực vật ở Xuân Sơn có các loài re, dẻ, sồi và mộc lan chiếm ưu thế.
Ngoài ra, ở Xuân Sơn còn có các loài tiêu biểu cho khu vực Tây Bắc như táu muối, táu lá duối, sao mặt quỷ và chò chỉ, chò vảy, nghiến, dồi, vầu đắng, kim giao (rừng chò chỉ ở Xuân Sơn là một trong những rừng chò chỉ đẹp và giàu nhất miền Bắc). Xuân Sơn còn là kho giống bản địa, kho cây thuốc khổng lồ, đặc biệt là cây rau đắng mọc tự nhiên có mật độ cao nhất miền Bắc.
Ngoài sức hấp dẫn của hệ động thực vật phong phú, Xuân Sơn còn có nhiều cảnh quan thiên nhiên kỳ thú. Nằm trong quần thể vườn quốc gia Xuân Sơn có ba đỉnh núi cao trên 1.000 m là: núi Voi, núi Ten và núi Cẩn với hàng trăm hang động; sông suối như suối Lấp, suối Thang và nhiều thác nước có độ cao trên 50 m, che phủ hang, hốc đá, hòa quyện màu thác bạc với màu xanh của rừng già làm cho phong cảnh vừa hùng vĩ vừa thơ mộng.
Do quá trình phong hóa, thủy hóa tạo thành Xuân Sơn có 16 hang động đá với thạch nhũ đẹp, đa dạng, tạo nên muôn hình vạn trạng. Vào tham quan hang động ở đây, du khách không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của các nhũ đá rủ xuống thành muôn hình kỳ lạ. Ðộng Tiên là một hang ngầm trong lòng núi đá cẩm thạch dài 10 km. Trong hang có đường thông gió lên thẳng đỉnh núi, làm cho không khí trong lành mát dịu. Hồ nước có nhiều loài cá lạ hấp dẫn.
Bên cạnh đó, cộng đồng các dân tộc nơi đây hiện vẫn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc của mình như trang phục, lễ hội, các hoạt động đời sống sinh hoạt hằng ngày như đan lát đồ dùng thủ công, dệt thổ cẩm, thêu, lễ cấp sắc, múa đâm đuống, múa xòe, uống rượu hoẵng, cơm lam... những nét đẹp văn hóa đặc trưng của vùng đất các vua Hùng. Quan trọng hơn, vườn nằm trong thế chân kiềng của tổng thể cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ Tam Đảo - Ba Vì - Xuân Sơn. Trong trục tâm linh của truyền thuyết lịch sử Quốc mẫu Lăng Thị Tiêu, Sơn Tinh - Thủy Tinh, vua Hùng, tạo nên một Xuân Sơn kỳ vĩ và có nhiều lợi thế trong bảo tồn, phát triển bền vững kết hợp với du lịch.
Theo Giám đốc vườn quốc gia Xuân Sơn, với lợi thế và tiềm năng, vườn quốc gia Xuân Sơn có thể khai thác tốt nhiều loại hình du lịch như du lịch sinh thái, mạo hiểm, khám phá rừng, núi, hang động, các loài động thực vật; du lịch nghỉ dưỡng, nghiên cứu; du lịch cộng đồng tìm hiểu nét độc đáo trong đời sống sinh hoạt của cư dân bản địa, du khách có thể cùng sinh hoạt với người dân địa phương, tham gia các lễ hội truyền thống, các khâu sản xuất trong làng nghề. Mỗi năm, vườn quốc gia Xuân Sơn đón từ 5-10 nghìn khách đến làm việc, nghiên cứu, tham quan, trong đó có từ 5-10% khách tham quan du lịch, khách ngủ qua đêm khoảng 700 người.
Tuy nhiên, du lịch ở vườn quốc gia Xuân Sơn vẫn hiện ở mức phát triển tự phát, sơ sài, quy mô nhỏ lẻ, chưa có quy hoạch và quản lý cụ thể, thiếu định hướng chưa gây ấn tượng và thu hút khách du lịch, lợi nhuận từ du lịch chưa được bao nhiêu. Hiện vườn quốc gia Xuân Sơn mới chỉ thu hút được một dự án về du lịch sinh thái, tâm linh gắn với cộng đồng. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ cũng đã xây dựng một tuyến du lịch Đền Hùng - Vườn quốc gia Xuân Sơn - Khu du lịch nước khoáng nóng Thanh Thủy.
Đầu tư và phát triển thành điểm du lịch Với tiềm năng to lớn, tỉnh đã có kế hoạch xây dựng vườn quốc gia Xuân Sơn thành điểm du lịch hấp dẫn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trước mắt, UBND tỉnh Phú Thọ đã quyết định tập trung nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng thiết yếu tại vườn quốc gia Xuân Sơn.
Hiện, tại vườn quốc gia Xuân Sơn nhiều dự án đang được đẩy nhanh tiến độ đầu tư như dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật tuyến du lịch xóm Lập và các hang Thổ Thần, hang Na, thác nước Lưng Trời được đầu tư với tổng vốn trên 84 tỷ đồng; dự án trung tâm du khách, nhà khách, bảo tàng thiên nhiên, đường du lịch sinh thái với kinh phí trên 105 tỷ đồng.
Đặc biệt, tỉnh đã cho tái khởi động lại dự án đường giao thông nối từ vườn quốc gia Xuân Sơn đến Đền Hùng dài 54 km, với tổng vốn đầu tư hơn 6.770 tỷ đồng. Đây là tuyến giao thông quan trọng nối liền giữa đồng bằng và khu vực miền núi tây nam của tỉnh, thúc đẩy hơn nữa việc đầu tư phát triển văn hóa du lịch ở tỉnh.
Hiện nay, nhiều hạng mục tại vườn quốc gia Xuân Sơn đã được xây dựng như công trình tôn tạo hang Thổ Thần; hang Na và hệ thống đường bộ phục vụ khách du lịch sinh thái từ xóm Lấp đến thác Ngọc và Xuân Đài; khu chùa Báo Hiếu bước đầu đã đưa vào khai thác sử dụng phục vụ khách tham quan du lịch. Đồng thời, tỉnh cũng đưa ra nhiều chính sách ưu đãi thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi đặc biệt khó khăn có tiềm năng về phát triển tại các hang động tại vườn quốc gia.
Tỉnh cũng đã có kế hoạch đầu tư xây dựng tuyến cáp treo nối ba đỉnh núi, ngồi trên cáp treo, du khách sẽ nhìn rất rõ thủy điện Hòa Bình, thủy điện Sơn La, khu du lịch Tam Đảo, Ba Vì và Đền Hùng. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh mở tuyến du lịch từ khu di tích lịch sử Đền Hùng - Vườn quốc gia Xuân Sơn - khu nước khoáng nóng Thanh Thủy phục vụ khách tham quan du lịch.
Dự kiến, lượng khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan đạt khoảng 15 nghìn người vào năm 2015 và 30 nghìn người vào năm 2020, trong đó có 3.000 - 5.000 người lưu trú qua đêm.
LÂM BẢO AN