Vì sao Hải Dương ít Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú?

23/03/2018 16:26

Nguyên nhân là do việc triển khai kế hoạch, hướng dẫn công tác xét tặng danh hiệu chưa kịp thời; nhiều trường còn chưa quan tâm đúng mức tới việc xét tặng các danh hiệu.


Năm 2017 tỉnh ta chỉ có 4 giáo viên được tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú 

Những năm qua, thành tích giáo dục của tỉnh ta luôn thuộc tốp đầu toàn quốc. Nhưng có một nghịch lý là tỉnh ta có rất ít người được xét tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân (NGND), Nhà giáo Ưu tú (NGƯT) so với nhiều tỉnh, thành phố khác.

Chưa quan tâm đúng mức

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), hiện toàn bộ các cơ sở giáo dục của tỉnh chỉ có 1 NGND và 65 NGƯT. Số lượng này quá ít so với các tỉnh, thành phố khác trong cả nước và chưa tương xứng với thành tích giáo dục tỉnh nhà. Trong những đợt xét duyệt gần đây, số lượng NGND, NGƯT của tỉnh gần như không thay đổi: năm 2012 tỉnh ta chỉ có 1 NGƯT, năm 2014 không có ai và năm 2017 có 4 người. Trong khi đó, một số tỉnh, thành phố khác chỉ trong một đợt xét tặng năm 2017 số người mới đạt danh hiệu còn lớn hơn hoặc gần bằng số lượng NGND, NGƯT của tỉnh ta từ trước đến nay như Cần Thơ 69 người, Long An 63 người...

Nguyên nhân dẫn đến số lượng NGND, NGƯT của tỉnh ta thấp là do việc triển khai kế hoạch, hướng dẫn công tác xét tặng danh hiệu chưa kịp thời; nhiều Phòng GDĐT, nhà trường còn chưa quan tâm đúng mức tới việc xét tặng các danh hiệu. Do đó, số lượng cán bộ, giáo viên hưởng ứng còn ít. Đợt xét tặng năm 2017, 71 trong tổng số 74 đơn vị trực thuộc Sở GDĐT, 9 trong tổng số 12 Phòng GDĐT không có hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NGƯT. Toàn tỉnh không có hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NGND. Nhiều đơn vị có phong trào, kết quả thi đua tốt nhưng cũng không có hồ sơ đề nghị. Nhiều nhà giáo có đủ điều kiện nhưng không đăng ký, tập thể cũng chưa suy tôn đúng mức. 

Ông Cao Danh Trấn, chuyên viên Phòng GDĐT huyện Cẩm Giàng đánh giá hiện nay áp theo tiêu chí của Nghị định số 27/2015/NĐ-CP ngày 10.3.2015 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu NGND, NGƯT trên địa bàn huyện có nhiều người đáp ứng được yêu cầu. Tuy nhiên, nhiều cán bộ quản lý, nhà giáo chưa mạnh dạn làm hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NGƯT. Theo ông Trấn, việc này một phần do trước đây huyện từng đề cử nhiều nhà giáo có uy tín, bề dày thành tích, cống hiến trong công tác quản lý, giảng dạy nhưng khi lên Hội đồng xét duyệt cấp tỉnh lại không được. Từ đó, nhiều nhà giáo không làm hồ sơ vì nếu làm mà không được công nhận họ sẽ không tránh được cảm giác ngại ngùng, phần nào ảnh hưởng đến uy tín cá nhân.

Tiêu chí phải có từ 20 năm công tác trở lên cũng là một nguyên nhân ảnh hưởng tới số lượng NGND, NGƯT của tỉnh vì hiện nay đội ngũ giáo viên ở các trường ngày càng được trẻ hóa. Nhiều giáo viên trẻ có thành tích chuyên môn rất tốt, là nòng cốt góp phần thúc đẩy phong trào sáng tạo, thi đua sôi nổi trong ngành nhưng lại không đủ năm công tác để xét tặng các danh hiệu. Là một ngôi trường tên tuổi nhưng Trường THPT Hồng Quang (TP Hải Dương) cũng phải vài năm nữa một số giáo viên có thành tích tốt mới đủ tiêu chuẩn về năm công tác để đề nghị xét tặng các danh hiệu trên. Trong khi một số giáo viên đủ năm công tác đều đã luống tuổi nên ngại phấn đấu để đạt các tiêu chí. Do đó, nhiều năm qua chưa có giáo viên nào của trường làm hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NGƯT. Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hằng dạy môn toán ở Trường THPT Hồng Quang chia sẻ: "Đến nay, tôi đã có 19 năm dạy học. Tôi thấy tiêu chí phải có 2 sáng kiến, đề tài khoa học cấp tỉnh, cấp bộ và được ứng dụng hiệu quả trong giảng dạy rất khó đạt. Hiện tôi đã có 1 sáng kiến kinh nghiệm đạt cấp tỉnh nhưng để có thêm 1 sáng kiến nữa không hề đơn giản vì muốn có sáng kiến tốt cần đầu tư nhiều thời gian, công sức".

Tạo nguồn nhân tố tích cực

Đợt xét tặng danh hiệu NGND, NGƯT tiếp theo tổ chức năm 2020. Để số lượng nhà giáo đạt danh hiệu NGND, NGƯT của tỉnh thực sự tương xứng với thành tích giáo dục, Sở GDĐT đã đưa ra nhiều giải pháp: Yêu cầu các cơ sở giáo dục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên về vai trò, ý nghĩa của việc xét tặng các danh hiệu; xây dựng và triển khai kế hoạch, lộ trình thi đua đến năm 2020. Quan tâm đổi mới, sáng tạo trong dạy và học cùng các phong trào khác của ngành để từ đó xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến, tạo nguồn nhân tố tích cực để đề nghị xét tặng các danh hiệu. Chị Phạm Thị Thúy Hà, Phó Chánh văn phòng Sở GDĐT cho biết sở yêu cầu mỗi cấp, bậc học, địa phương của tỉnh xây dựng ít nhất 3 điển hình tiên tiến có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện đề nghị xét tặng danh hiệu NGƯT. Toàn tỉnh phấn đấu đợt xét tặng tới đây có 1 NGƯT đủ tiêu chuẩn, điều kiện đề nghị xét tặng danh hiệu NGND.

Thành lập năm 2006, phần lớn giáo viên Trường THPT Bến Tắm (Chí Linh) còn trẻ nên việc gây dựng nhân tố để làm hồ sơ xét tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú gặp nhiều khó khăn

Với sự chỉ đạo rốt ráo của sở, hiện nay các cơ sở giáo dục cũng đã quan tâm hơn tới công tác này. Ông Vũ Thanh Lam, Hiệu trưởng Trường THPT Hồng Quang cho biết nhà trường chuẩn bị rà soát toàn bộ những giáo viên đã và sắp đạt các tiêu chí để động viên họ phấn đấu. Trường sẽ quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các giáo viên có khả năng cao.

Danh hiệu NGND, NGƯT là sự tôn vinh, ghi nhận những cống hiến, đóng góp của các nhà giáo trong sự nghiệp "trồng người". Nếu các cơ sở giáo dục quan tâm thỏa đáng đến việc này thì không chỉ mang lại vinh dự cho cá nhân nhà giáo mà còn tạo được phong trào thi đua sôi nổi, có thêm nhiều phương pháp, sáng kiến mới trong dạy và học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tỉnh nhà.

DANH TRUNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vì sao Hải Dương ít Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú?