Nguyễn Mại là một ví dụ điển hình. Bằng trí thông minh của mình mà ông đã tìm ra thủ phạm thực sự của vụ án.
Quan Nguyễn Mại, người làng Ninh Xá, huyện Chí Linh, Hải Dương, năm 37 tuổi dự thi khoa Tân Sửu (1691) niên hiệu Chính Hòa đỗ Hoàng giáp, trong thời gian làm quan nhà Lê Trung hưng, ông được khen là: "Có sức khỏe, có mưu lược, làm quan Thị lang Lễ bộ, ra trấn thủ Sơn Tây, có chính tích đặc biệt, trộm cướp phải nín hơi, xét kiện sáng suốt, danh vọng rất cao" (Trích Đại Nam nhất thống chí, phần Hải Dương tỉnh chí, mục Nhân vật chí).
Cái chính tích đặc biệt được nói tới ở trên, xảy ra lúc Nguyễn Mại đang làm quan trấn thủ tỉnh Sơn Tây. Thỉnh thoảng, quan trấn thủ hay ra ngoài công đường đi xem xét dân tình nơi mình trị nhậm. Cũng từ một trong những lần thực tế ấy, Nguyễn Mại đã xử một vụ án với cách xử hiếm lạ để người đời sau truyền tụng là quan xử án giỏi. Việc này, trong Đăng khoa lục sưu giảng của Thượng thư Trần Tiến đời vua Lê Hiển Tông (1717 - 1786) và sách Hải Dương phong vật chí còn ghi lại sự vụ. Theo đó, một hôm ông Nguyễn Mại đi bộ qua chợ Bảo Khám thuộc huyện Gia Bình (nay là huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh), thấy một người đàn bà mất một cái màn (Hải Dương phong vật chí viết vật bị mất là con gà), chắc xót của lắm nên chửi rủa mãi không thôi, lại lôi cả tam đời, ngũ đại nhà kẻ ăn trộm ra mà chửi.
Sau khi biết sự tình, ông cho gọi người đàn bà mất của lại hỏi chiếc màn đáng giá bao nhiêu tiền để ông trả. Sau ông sai lính trói người đàn bà ấy ở quán, rồi cho gọi làng xóm đến, vờ mắng người đàn bà bị trộm màn cái tội chua ngoa: "Mất một cái màn đáng giá bao nhiêu tiền mà bà chửi tổ tông người ta?".
Tòa án thời xưa
Nói xong, ông sai tất cả đàn ông, đàn bà trong xóm ấy vả vào má người đàn bà mất màn vì tội chửi ngoa. Dân trong làng thương người đàn bà ấy lắm, bởi bà ăn ở cũng không đến nỗi nào, đã mất màn lại còn bị tát. Nhưng lệnh quan ra là phải theo, bởi vậy ai cũng phải tát bà ta, nhưng không nỡ tát mạnh. Duy chỉ có một người đàn bà trong làng ra sức tát thật mạnh. Bởi chính mụ này là kẻ ăn trộm, giận vì bị lôi cả tông tộc ra mà chửi nên tát thật mạnh cho sướng tay để trả thù. Nhưng mụ ta nào có biết ý của Nguyễn Mại. Mụ vừa tát xong, quan họ Nguyễn đã cho giữ lại, tra hỏi luôn: "Chính ngươi đã ăn trộm màn nên mới động lòng mà đánh người ta đau như thế, tội ấy còn chối cãi sao được!". Quả nhiên kẻ ăn trộm màn chính là mụ ta. Chiếc màn được trả lại cho người bị mất, còn mụ đàn bà ăn trộm cứ chiểu theo luật mà định tội.
Luật nay: Nghiêm cấm dùng nhục hình trong xử án
Thời phong kiến, trong lĩnh vực hình án, việc xét xử những tội trạng, sự việc có chứng cứ rõ ràng chỉ cần căn cứ vào hình luật mà y việc. Nhưng với những việc cần điều tra, xét hỏi, việc nghị án không dễ chút nào bởi chứng cứ mất mát mà việc phục dựng hiện trường cũng không dễ tiến hành. Ấy thế nên nhiều vị pháp quan phải vận dụng trí thông minh tuyệt đỉnh của mình mà mở án những vụ khó khăn. Nguyễn Mại là một ví dụ điển hình. Bằng trí thông minh của mình mà ông đã tìm ra thủ phạm thực sự của vụ án.
Tuy nhiên, vụ án đó giả xử xảy ra vào thời nay thì phải xem xét lại. Thứ nhất, đây là một vụ trộm cắp tài sản. Do vậy, khi đưa vụ án ra xét xử thì phải có đầy đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Cơ quan chức năng sẽ căn cứ vào giá trị tài sản để yêu cầu khởi tố vụ án. Nếu giá trị tài sản chưa đủ lớn theo quy định tại Điều 138 BLHS thì chưa thể đem vụ án ra điều tra xét xử được. Theo đó, Điều 138 quy định: Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
Thứ hai, cứ cho rằng tài sản mất cắp kia có giá trị lớn, thì việc quan Nguyễn Mại cho dân tát người là không đúng với tinh thần quy định trong pháp luật hiện hành về điều tra xét xử vụ án. Đó chính là quy định cấm dùng nhục hình trong quá trình xử án. Tại Điều 298 BLHS quy định về tội Dùng nhục hình: Người nào dùng nhục hình trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến 3 năm. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 12 năm. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Như vậy, việc Nguyễn Mại cho dân tát để tìm ra hung thủ là một sự thông minh khéo léo nhưng áp dụng theo quy định của pháp luật thời nay thì sẽ không được phép. Người phạm tội có thể bị phạt tới 12 năm tù.
Tường Linh