Việc huấn luyện các vận động viên (VĐV) thể thao ở mỗi độ tuổi đều có những khó khăn riêng. Nhưng có lẽ gian nan, vất vả hơn cả là khi huấn luyện lớp VĐV măng non.
Huấn luyện viên Đinh Thị Tới khản cả cổ vì liên tục phải nhắc nhở, uốn nắn các học trò nhí trong buổi tập
Chăm hơn con đẻ
Tận mắt chứng kiến một buổi tập luyện của lớp bơi luân huấn chủ yếu là các VĐV 10 - 11 tuổi tại Trung tâm Thể thao dưới nước tỉnh mới thấy người làm công tác huấn luyện vất vả thế nào. Trong 2 tiếng cho học trò tập chuyên môn, cổ họng huấn luyện viên (HLV) Đinh Thị Tới đã khản đặc vì liên tục phải hò hét, thúc giục, nhắc nhở, uốn nắn từng động tác cho các em. Đang tập, thi thoảng có 2-3 VĐV quay sang nô đùa hoặc viện lý do đau chân, muốn đi vệ sinh… chị Tới lại phải tạm dừng buổi tập để giải quyết.
Hơn 30 năm làm công tác huấn luyện bơi, chị Tới cho biết không gì vất vả bằng việc đào tạo lớp VĐV nhỏ tuổi. Tất cả các công việc từ tắm giặt, ăn, ngủ đến tập luyện, học hành… của các em đều qua tay HLV. Công việc hằng ngày của chị Tới bắt đầu từ 5 giờ sáng, thúc giục VĐV dậy tập khởi động. Sau giờ ăn sáng, chị Tới đưa học trò tới trường học văn hóa. 10 giờ 30 lại đi đón về Trung tâm Đào tạo, huấn luyện thể thao tỉnh ăn cơm trưa. 12 giờ, khi các em đã ngủ trưa, chị mới tranh thủ về nhà ăn cơm, nghỉ ngơi một lúc rồi nhanh chóng trở lại đôn đốc học trò dậy tập cho đúng giờ. Kết thúc giờ tập buổi chiều, chị Tới về trung tâm giặt quần áo, lau chùi phòng cho các VĐV rồi mới trở lại gia đình. Nhiều khi thấy có em yếu người, bỏ ăn, chị lại xách cặp lồng đi mua cháo, phở về cho học trò… “Một phần vì trách nhiệm công việc, phần vì thấy các cháu còn nhỏ giống con mình, ý thức chưa cao, cũng chưa tự làm được các việc nên phải sâu sát. Nói thực chăm lo cho những VĐV nhỏ tuổi vất vả lắm, còn hơn chăm con mình đẻ ra”, chị Tới chia sẻ.
Đội bóng bàn nhi đồng của Trung tâm Bóng bàn tỉnh có khoảng 40 VĐV từ 11 tuổi trở xuống. Anh Cao Anh Tuấn, HLV đội bóng bàn này cho biết bản thân anh vừa là thầy nhưng cũng đồng thời là “bảo mẫu” cho các VĐV. Vì còn nhỏ, ý thức các cháu chưa cao nên việc nô đùa, chạy nhảy, khóc lóc, đòi hỏi cái này, cái kia… trong lúc tập luyện là thường. Những lúc như vậy, anh Tuấn lại phải nhẹ nhàng nhắc nhở, dỗ dành, động viên từng cháu một, không dám quát mắng vì sợ trò dỗi hờn, bỏ tập. Anh Tuấn bảo: “Nói ra thấy buồn cười nhưng nhiều lúc các cháu đi vệ sinh tôi cũng phải tự tay thay rửa cho chúng”.
Các HLV khi được hỏi đều thừa nhận việc huấn luyện lớp VĐV măng non không hề đơn giản. Trước khi được các trung tâm thể thao tuyển dụng, đa phần các em vốn quen được bố mẹ phục vụ, thích làm gì thì làm nên khi vào khuôn khổ tâm lý thường bất định. Nhiều VĐV mới khóc hằng tuần vì nhớ nhà, chủ yếu là VĐV nữ. Có những VĐV nhỏ tuổi nhưng biết “yêu sớm” hoặc có những thói quen xấu như hút thuốc lá khiến các HLV phải nhắc nhở, uốn nắn vất vả. Theo HLV canoeing Lê Thị Vân (Trung tâm Thể thao dưới nước tỉnh), khi huấn luyện lớp VĐV măng non, bản thân chị không chỉ là “bảo mẫu” mà đôi khi còn kiêm luôn cả bác sĩ. Chị Vân cho biết: “Gần như phải ở với VĐV suốt cả ngày. Có những đợt đưa VĐV đi tập huấn ở Trung tâm Đua thuyền sông Giá tại huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) tôi phải trực tiếp đi chợ, nấu nướng, giặt giũ quần áo cho trò. Các cháu ốm tôi phải bỏ tiền túi ra mua thuốc”.
Vất vả luyện chuyên môn
Lớp VĐV măng non được tuyển vào các trung tâm thể thao dù có sẵn năng khiếu nhưng giai đoạn đầu đào tạo trong môi trường chuyên nghiệp đều rất bỡ ngỡ. Nhiều VĐV tiếp thu kiến thức, nắm bắt kỹ thuật nhanh nhưng cũng có không ít em chậm tiến bộ. Tuổi còn nhỏ, các em chưa định hình được ý thức, khuôn khổ tập luyện ngay, càng không xác định được mục tiêu sự nghiệp trong tương lai. Bởi vậy, việc huấn luyện sẽ phải có những phương pháp khác so với lớp VĐV lớn hơn. Anh Cao Anh Tuấn cho biết: “Phải kết hợp hài hòa giữa nghiêm túc và mềm dẻo trong huấn luyện lớp VĐV nhỏ tuổi này. Có những cháu cả năm trời vẫn không thực hiện được những động tác kỹ thuật theo yêu cầu. Sốt ruột, vất vả thật đấy nhưng vẫn phải từng bước uốn nắn, không vội được. Với những trường hợp này tôi phải dạy bảo thêm ngoài giờ”.
Chị Đinh Thị Tới cho biết lớp VĐV nhỏ tuổi lúc hứng lên thì tập, không thích thì có ép cũng không nghe. Có VĐV đang tập thì kêu mệt, biện đủ lý do như đau chân, muốn đi vệ sinh... để nghỉ. HLV mắng lại quay ra khóc, dỗi hờn, thậm chí dọa sẽ bỏ về nhà với bố mẹ. Những lúc học trò như thế chị Tới lại phải dỗ dành, động viên bằng cách nịnh nọt hoặc kể về những VĐV nổi tiếng như Ánh Viên để truyền lửa cho các học trò. Thể trạng mỗi VĐV khác nhau, sau mỗi buổi tập, chị Tới thường phải nhìn sắc mặt, kiểm tra mạch để tính toán thời gian hồi phục thể lực của từng em nhằm xây dựng giáo án cho phù hợp. “Không có chuyện cứ nhẩy xuống bể là bơi. Tôi phải nghiên cứu để áp dụng giáo án phù hợp với từng học trò. Nói chung huấn luyện lớp VĐV này phải linh hoạt chứ chẳng thể áp dụng theo một công thức chung nào cả”, chị Tới nói.
HLV canoeing Lê Thị Vân cho biết vẫn phải thường xuyên dành thời gian ngoài giờ để tập thêm cho những học trò chậm tiến bộ. Trong lúc tập cho những VĐV này phải kết hợp phân tích, động viên, chỉ nói về ưu điểm mà ít nói tới nhược điểm nhằm tránh sự chán nản của học trò. Nhiều khi bảo mãi nhưng VĐV không tiến bộ cũng thấy nản, nhưng vì sự nghiệp thể thao của tỉnh nên những người như chị Vân đều cố gắng, nỗ lực đào tạo VĐV măng non.
TIẾN MẠNH