Ước vọng xuân mới qua từng nét chữ

07/02/2021 12:49

“Mỗi năm hoa đào nở/ Lại thấy ông đồ già/ Bày mực tàu giấy đỏ/ Bên phố đông người qua”. Cùng với tục khai bút đầu năm, người Việt còn có thói quen xin chữ và cho chữ vào những ngày Tết cổ truyền.


Xin chữ đầu năm là một nét văn hóa đẹp của dân tộc ta

Đây là việc làm mang nhiều ý nghĩa văn hóa, bắt nguồn từ sự hiếu học, trọng chữ nghĩa, trọng tri thức của người Việt. Những nét thư pháp mềm mại, uyển chuyển cũng chứa đựng ước vọng về một năm mới thuận hòa, may mắn và bình an đến với mỗi gia đình, từ đó hình thành nét đẹp văn hóa của dân tộc qua nhiều thế kỷ đến nay vẫn được kế thừa và phát triển.

Mỗi dịp Tết đến xuân về, trên nhiều con phố, di tích và làng quê Việt Nam thường có những "ông đồ" hay chữ, bày nghiên bút, giấy bản nhuộm điều ở nơi đông người qua lại. Đầu xuân năm mới, người người diện áo mới, rộn ràng xuống phố chơi xuân và họ không quên nhẹ bước đến bên gian bút nghiên của "ông đồ" để xin chữ. Có thể là một chữ cầu may, mang theo ước vọng, hay một chữ để mỗi người nhìn vào mà tự răn dạy mình tu tâm dưỡng tính…

Xưa, người cho chữ phải là người dày công học hành, có thể chính là những ông đồ dạy học hoặc những người đỗ đạt, “có danh gì với núi sông”. Chữ được viết theo kiểu thư pháp, thường là chữ Nho và có thể viết theo nhiều cách. Người cho chữ tùy tâm trạng, tùy hoa tay mà tạo ra những hình thái con chữ lạ mắt, độc đáo. Mỗi chữ hiện ra dưới tay các thầy đồ không chỉ là những tác phẩm nghệ thuật thư pháp, mà còn bộc lộ tấm lòng, tính cách, tâm hồn và cả sự sáng tạo của mỗi cá nhân. Chữ có thể tùy theo nguyện vọng của người xin chữ, hoặc tùy theo nhận định của người cho chữ đối với người xin. Người xin chữ thường ở mọi lứa tuổi, tầng lớp, ngành nghề. Mỗi chữ được cho ứng với mỗi người, mỗi hoàn cảnh, mỗi công việc, mang nỗi niềm, tâm tư, mong ước hay một ý niệm nhất định. Nhưng thường là xin các chữ: Phúc, Lộc, Thọ, An Khang, Cát Tường, Như Ý... để cầu mong sự bình yên cho gia đình, con cháu. Người buôn bán thì xin chữ Phát, Lộc, Tài, Vượng… với mong muốn công việc kinh doanh được phát triển, thuận buồm xuôi gió. Những người trẻ phấn đấu thường xin chữ: Chí, Thành, Đạt, Đắc, Nhẫn… để mong muốn luôn bền gan, vững chí vượt qua khó khăn, đạt được những mục tiêu đã đề ra trong cuộc sống; các cháu nhỏ thường được bố mẹ xin cho các chữ: Học, Hiếu, Lễ, Nghĩa, Tiến, Chăm… để mong con mình lớn lên từ những điều kỳ vọng của bố mẹ, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, thành công dân có ích cho xã hội…

Chữ thư pháp thường được viết trên nền giấy đỏ, bởi theo quan niệm của người phương Đông, màu đỏ là màu của sự sống và sự tái sinh, là biểu tượng của sự may mắn. Đây cũng là lý do, những vật dụng trang trí trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc, những đồ vật trang trí như hoa đào, câu đối, phong bao mừng tuổi… đều có màu đỏ. Trên cái nền đỏ tươi rực rỡ đó, những nét chữ đen tuyền, hoặc mềm mại, uyển chuyển như “rồng bay, phượng múa”, hoặc cứng cáp, vững chãi, uy nghi, thể hiện được sự đồng cảm giữa bộ óc, trí tuệ của người cho chữ với ước vọng và tâm hồn của người xin chữ.

Khi xin được câu đối hay con chữ như ý, người ta đem về nhà treo ở nơi trang trọng nhất, linh ứng nhất, dễ nhìn thấy nhất. Ngoài cầu tài, lộc, may mắn, bình an… người xin chữ còn muốn xin cái đức độ, tài năng của thầy đồ, lấy chữ để răn mình. Đó chính là một nét văn hóa tinh tế, đáng quý của truyền thống hiếu học, trọng chữ nghĩa của dân tộc Việt Nam.

Sang thế kỷ XX, tục xin chữ - cho chữ truyền thống dần vắng bóng bởi Nho học khi đó bị coi là cản trở cho công cuộc Tây hóa và cải cách đất nước. Những tưởng tập tục này sẽ bị chôn vùi, thì những năm gần đây, tục xin và cho chữ lại được phục hồi và ngày càng phát triển rộng rãi.

HẠNH THU

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ước vọng xuân mới qua từng nét chữ