Góc khuất đời sống thể thao. Bài 3: Gánh nặng mưu sinh

08/08/2019 10:38

Sau một thời gian gắn bó với thể thao chuyên nghiệp, nhiều vận động viên buộc phải từ bỏ đam mê vì gánh nặng cơm áo gạo tiền.


Cựu xạ thủ Nguyễn Thị Trang (phải) đang theo học lớp tiếng Nhật để đi xuất khẩu lao động

Với nhiều vận động viên (VĐV), lựa chọn đi theo con đường thể thao chuyên nghiệp không chỉ đơn thuần là được thỏa mãn đam mê mà còn mang kỳ vọng có được một công việc và nguồn thu nhập ổn định để chăm lo cho gia đình. Nhưng sau tất cả, nhiều VĐV buộc phải lựa chọn một con đường khác để tính chuyện cơm áo gạo tiền.

Yêu lắm nhưng phải giã từ

Tháng trước, đến Trung tâm Đào tạo, huấn luyện và thi đấu thể thao tỉnh, tôi rất bất ngờ khi nghe tin VĐV Nguyễn Thị Ngân - người giành 3 huy chương vàng tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII năm 2018 đã xin nghỉ việc. Anh Nguyễn Xuân Long, Phó Trưởng Phòng Tập huấn - thi đấu xác nhận: "Chúng tôi động viên mãi nhưng Ngân vẫn không ở lại. Với một đô cử có nhiều thành tích như Ngân sau khi kết thúc sự nghiệp có thể học thêm rồi làm công tác đào tạo".

Chị Ngân cho biết vừa mới xây dựng gia đình, nhưng đây không phải lý do để chị chia tay bộ môn mà mình đã gắn bó hơn 11 năm. Thực tế chị đã có ý định giải nghệ năm 2014 nhưng phần vì đam mê với nghề, phần vì các thầy hết mực động viên nên cố gắng ở lại. "Tôi vẫn có thể thi đấu đỉnh cao thêm 2-3 năm nữa, nhưng do vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên giờ tôi phải đành chấp nhận từ giã sự nghiệp", chị Ngân ngậm ngùi nói.

Chị Ngân sinh ra trong một gia đình nghèo ở xã Tân Việt (Thanh Hà). Bố mẹ bệnh nặng, chị là con cả và cũng là trụ cột của cả nhà. Mỗi tháng nhận lương 2,5-2,8 triệu đồng, chị Ngân đều dành phần lớn số tiền gửi về cho bố mẹ, chỉ giữ lại một ít để chi tiêu cá nhân. "Tôi đang phân vân lựa chọn giữa bán quần áo thuê hoặc đi làm công nhân. Tôi hy vọng 1 trong 2 công việc này sẽ cho tôi thu nhập cao hơn để giúp bố mẹ đỡ khổ", chị Ngân nói.

Xạ thủ Nguyễn Thị Trang (đội tuyển bắn súng của tỉnh) mới đây cũng xin nghỉ việc sau 14 năm gắn bó với nghề. Chị cho biết cũng rất yêu và muốn gắn bó với cây súng nhưng hoàn cảnh lại không cho phép. Ngày còn chưa rời đội tuyển, do kinh tế gia đình khó khăn, mức lương hằng tháng không đáp ứng được nhu cầu nên ngoài giờ tập luyện chị phải tranh thủ làm thuê đủ thứ như bán hoa quả, hàng tạp hóa, làm hàng mã... Năm 2017, chồng mất để lại cho chị Trang đứa con thơ mới lên 4 tuổi. Từ đó, trách nhiệm chăm lo gia đình, con cái đè nặng lên chị. "Tôi đã học tiếng để thời gian tới đi xuất khẩu lao động. Tôi phải đi thì mới có tiền để sau này lo chuyện học hành và tương lai cho cháu", chị Trang quả quyết.

"Chảy máu" tài năng

Chuyện VĐV thể thao chuyên nghiệp như chị Ngân, chị Trang phải từ bỏ đam mê vì gánh nặng cơm áo gạo tiền không hiếm. Huấn luyện viên trưởng một số bộ môn chia sẻ rằng thu nhập thấp, không bảo đảm cuộc sống là nguyên nhân quan trọng dẫn tới việc các VĐV thể thao từ bỏ sự nghiệp. Không hiếm VĐV đã đào tạo được vài năm nhưng gia đình hoặc bản thân muốn xin nghỉ để chuyển sang học nghề khác hoặc đi xuất khẩu lao động, làm công nhân...

Một số VĐV khi xin nghỉ vẫn muốn thể hiện tình yêu với quê hương bằng việc cam kết không thi đấu cho đội tuyển khác. Song cũng không ít VĐV tài năng đã dứt áo ra đi tìm bến đỗ mới với chế độ đãi ngộ tốt hơn, khiến thể thao của tỉnh ta bị "chảy máu" tài năng. Trường hợp VĐV bóng chuyền Lê Thị Hồng (quê Nam Sách) là một ví dụ. Năm 2017, sau khi có công lớn giúp đội tuyển bóng chuyền tỉnh trụ hạng tại giải vô địch quốc gia năm 2017, vì chế độ đãi ngộ thấp nên chị đã chia tay với đội bóng chuyền nữ Hải Dương để chuyển sang đầu quân cho đội bóng chuyền nữ Quảng Ninh. Chị Hồng rời đội bóng quê hương khi đang ở độ tuổi sung sức nhất, có nhiều kinh nghiệm do nhiều năm khoác áo tuyển trẻ và đội tuyển quốc gia. Các đội tuyển thể thao của tỉnh thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn trong việc tuyển lớp VĐV kế cận do phải cạnh tranh với những đơn vị có chế độ đãi ngộ tốt hơn. Chế độ khen thưởng cho các VĐV đạt thành tích xuất sắc tại các giải đấu trong nước và quốc tế của tỉnh cũng thấp hơn một số tỉnh, thành phố khác.

Hải Dương luôn quan tâm đến sự nghiệp phát triển thể thao, nhất là những môn thành tích cao, đồng thời có chính sách đãi ngộ đối với huấn luyện viên và VĐV. Năm 2016, UBND tỉnh đã ban hành Đề án "Giải quyết chế độ, chính sách ưu đãi đặc thù đối với huấn luyện viên, VĐV thể thao thành tích cao tỉnh Hải Dương giai đoạn 2016-2020". Nhưng trong bối cảnh ngân sách còn eo hẹp, một số chế độ đãi ngộ vẫn chưa được thực hiện. Đề án nêu rõ các VĐV đã hoàn thành nhiệm vụ khi có nhu cầu được cử đi học đại học, cao đẳng chuyên ngành thể dục thể thao. Sau khi tốt nghiệp, số sinh viên trên được ưu tiên khi xét hoặc thi tuyển vào làm giáo viên giáo dục thể chất, làm hướng dẫn viên chuyên trách tại các thiết chế văn hóa, thể thao cấp xã ở quê hương các VĐV. Nhưng một số VĐV thể thao sau khi tốt nghiệp không được hưởng những chính sách này, đành phải chia tay sự nghiệp và đi làm... công nhân.

AN THANH



Kỳ sau: Những giấc mơ dang dở

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Góc khuất đời sống thể thao. Bài 3: Gánh nặng mưu sinh