Cây vợt đặc biệt

19/08/2018 15:12

Không chỉ mang lại sức khỏe và tinh thần thoải mái, thể thao còn có thể trở thành điểm tựa, cội nguồn sức mạnh để con người chiến thắng hoàn cảnh khó khăn.

Thể thao đã giúp anh Phạm Khắc Trường vượt qua khó khăn và có cuộc sống tươi đẹp

Điều này đặc biệt đúng với anh Phạm Khắc Trường (49 tuổi) ở thôn Nhân Kiệt, xã Hùng Thắng (Bình Giang) - một vận động viên bóng bàn khuyết tật.

Vượt lên chính mình

Một ngày đầu tháng 8, khi xem buổi giao lưu bóng bàn tại một câu lạc bộ trên đường Nguyễn Trãi (TPHải Dương), tôi khá ấn tượng với một tay vợt hết sức đặc biệt. Tuy có 1 chân giả song anh Trường di chuyển mau lẹ, thi đấu năng nổ, thắng liền mấy séc. Nhiều người phải thốt lên thán phục: "Chịu thua ông ấy, cụt chân mà vẫn đánh hay như dân chuyên nghiệp".

24 năm trước, anh Trường là thanh niên chưa vợ, làm nghề kinh doanh vật liệu xây dựng ở TP Hải Dương. Đang nhiều dự định về tương lai thì tai nạn giao thông bất ngờ ập đến khiến anh phải cưa 2/3 chân phải. Từ một người sôi nổi, anh Trường trở nên tự ti, sống khép mình trong tâm trạng chán chường. "Tôi như từ trời cao rơi xuống vực sâu, mất phương hướng, luôn nghĩ mình ăn hại. Sau này, tôi mới thấy suy nghĩ của mình sai lầm. Người khuyết tật vẫn có thể vươn lên, sống và làm việc như người bình thường nếu có niềm tin, quyết tâm cao", anh Trường chia sẻ về những ngày tháng ấy.

Sau tai nạn 1 năm, được bác sĩ tư vấn, anh Trường lắp chân giả và bắt đầu tập thể thao để lấy lại thể lực. Với quyết tâm luyện tập, anh không chỉ đi được xe đạp, đi bộ 5-6 km mà còn leo cả núi trong những chuyến đi du lịch. Anh thường xuyên xem các chương trình dành cho người khuyết tật trên tivi, internet để lựa chọn phương pháp tập luyện phù hợp. Từ đây, anh Trường lấy lại được sự cân bằng cả về sức khỏe lẫn tâm lý. Anh kết hôn năm 29 tuổi rồi về quê mở công ty kinh doanh phân bón. Công việc khá bận rộn nhưng hằng ngày anh vẫn dành thời gian luyện tập thể thao.

Năm 2012, anh Trường xin vào Trung tâm Bóng bàn tỉnh tập luyện với mục đích thỏa mãn đam mê, nâng cao sức khỏe và mở rộng quan hệ xã hội. Sau 2 năm tập luyện, các huấn luyện viên phát hiện anh Trường có chuyên môn tốt, thi đấu bản lĩnh, trí tuệ, hiệu quả nên đề nghị ký hợp đồng tham gia đội tuyển bóng bàn khuyết tật của tỉnh. Bước vào môi trường chuyên nghiệp, anh Trường không ngừng rèn luyện, học hỏi và tiến bộ từng ngày. Hơn 10 huy chương các loại mà anh giành được tại các giải toàn quốc trong 4 năm qua là minh chứng rõ nét.

Thể thao đã đưa anh ra khỏi những tháng ngày u ám, cho anh có được cuộc sống tốt đẹp như hôm nay. Vậy nên dù công việc kinh doanh có bận đến mấy thì ngày nào anh Trường cũng dành thời gian để chơi bóng bàn. Anh đầu tư mua bàn, mở câu lạc bộ bóng bàn tại nhà riêng để thỏa mãn đam mê. Không chỉ tập luyện tại nhà, anh còn là thành viên của 5 câu lạc bộ bóng bàn khác ở TP Hải Dương. "Tới đây tôi sẽ tham gia lớp học chuyên môn nâng cao do các huấn luyện viên giỏi tổ chức, đồng thời tích cực mở rộng giao lưu để trau dồi kinh nghiệm. Hy vọng bản thân sẽ luôn mạnh khỏe để có nhiều đóng góp cho thể thao tỉnh nhà", anh Trường cho biết. 

Doanh nhân thành đạt

Không chỉ có tài năng bóng bàn mà anh Trường hiện là một trong những chủ doanh nghiệp kinh doanh phân bón lớn ở Hải Dương. Doanh nghiệp của anh cung cấp các loại phân bón cho gần 200 đại lý trong và ngoài tỉnh, tạo việc làm ổn định cho gần 10 lao động địa phương với thu nhập 5-7 triệu đồng/người/tháng. Anh có một gia đình hạnh phúc với con gái lớn đang du học tại Hàn Quốc và 1 con trai đang học Trường THCS Vũ Hữu (Bình Giang).

Nói về chuyện kinh doanh, anh Trường cho biết anh có máu làm ăn từ hồi còn là học sinh. Năm 16 tuổi, anh Trường đã đạp xe sang tận huyện Ân Thi (Hưng Yên) nhập trứng gà, trứng vịt lộn về giao cho các cửa hàng kiếm lời. Sau này khi bước vào lĩnh vực kinh doanh phân bón, đất đai, anh Trường phải đi lại rất nhiều để giao dịch. Với một chân giả, anh vẫn đi khắp nơi trong và ngoài tỉnh để giới thiệu về các loại phân bón. Năm nay đã gần 50 tuổi nhưng anh vẫn rất khỏe mạnh, ít khi ốm đau và tất cả đều do nỗ lực rèn luyện thể thao mang lại.

Đúng như tên của mình, anh Trường dù rơi vào hoàn cảnh khó khăn vẫn sống can trường, bản lĩnh. Chia tay tôi, anh nói: "Nếu gặp ai có hoàn cảnh giống tôi, anh hãy nói với họ tìm đến môn thể thao phù hợp. Không thể trở thành vận động viên chuyên nghiệp thì thể thao cũng sẽ mang lại cho họ nguồn năng lượng sống dồi dào, một tinh thần vô tư, thoải mái để vươn lên trong cuộc sống".

TIẾN MẠNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cây vợt đặc biệt