Tết chính là dịp để nghỉ ngơi, thư giãn sau một năm làm việc vất vả, bận rộn, là những giây phút đoàn viên bên gia đình sau những ngày đi xa.
Nhắc đến Tết, mỗi chúng ta đều thấy xốn xang, háo hức. Thế nhưng với nhiều người, nhất là với phụ nữ đã có gia đình, Tết lại mang đến một cảm xúc rất khác - đó là lo lắng và bận rộn.
Bạn tôi lấy chồng 9 năm nay. Cô may mắn hơn nhiều người bởi cả hai vợ chồng đều cùng quê nên không bị áp lực chuyện ăn Tết nội hay ngoại. Tuy nhiên, là dâu trưởng trong gia đình có 4 anh chị em, bố mẹ chồng lại coi trọng các phong tục cổ truyền nên Tết đối với cô là những ngày bận túi bụi trong bếp để nấu nướng, rồi bao việc đối nội, đối ngoại...
Bạn tôi kể năm nào cũng vậy, từ Tết ông Công, ông Táo là gia đình nhà chồng lại tập trung con cái ăn uống, cúng lễ. Gia đình đông con nên bữa nào cũng phải chật cứng 3 mâm cơm. Ăn bữa trưa xong lại nghĩ đến bữa chiều. Đặc biệt, sau bữa cơm tất niên, từ sáng mùng 1 Tết đến ngày cúng lễ hóa vàng, sáng nào cô cũng phải dậy sớm chuẩn bị một mâm cơm với đầy đủ các món truyền thống để gia đình làm lễ. Suốt kỳ nghỉ Tết, cô bạn tôi hầu như không có thời gian dành riêng cho bản thân, suốt ngày chỉ quanh quẩn dọn dẹp, nấu nướng. Đó mới chỉ là chuyện ăn, là dâu trưởng nên cô phải lo hết các khoản mua sắm, quà cáp biếu hai bên nội, ngoại, mừng tuổi các cháu. Thành ra sau Tết, vợ chồng cô hầu như năm nào cũng phải xin tạm ứng lương hoặc mượn bạn bè, đồng nghiệp.
Tết Nguyên đán là dịp lễ lớn trong năm, mọi người đều có thời gian dài để nghỉ ngơi, sum họp bên gia đình, người thân, tiếp thêm năng lượng, thêm hy vọng cho một năm mới. Để ngày Tết thêm đầm ấm không thể thiếu những bữa ăn chung, đặc biệt là của người thân trong gia đình. Để ngày xuân thêm trọn vẹn không thể thiếu những không gian sạch sẽ, thoáng đãng đón khách. Thế nhưng, với nhiều gia đình, mỗi dịp Tết đến lại thành chuỗi ngày bận rộn dọn dẹp, mua sắm, nấu nướng, những bữa tiệc liên miên. Tưởng là Tết được nghỉ ngơi nhưng với nhiều người Tết còn mệt hơn lúc đi làm, thiếu ngủ, ăn uống không đúng bữa. Nhiều người sau Tết tăng cân mất kiểm soát, có người lại sụt cân, gầy ốm do nhịp sinh học của cơ thể bị thay đổi; ăn uống, làm việc không theo thời gian cố định...
Tết không có lỗi, lỗi chính là do mỗi chúng ta quá đặt nặng chuyện lễ lạt, dọn dẹp, bếp núc, cỗ bàn. Tết không phải cứ mâm cao cỗ đầy, những bữa tiệc hoành tráng mới làm bản thân chúng ta thấy đủ và hài lòng. Quan trọng hơn cả là không khí đoàn viên, mọi thành viên trong gia đình đều khỏe mạnh, bình an, có thời gian sống chậm, thư giãn, tận hưởng cuộc sống.
Tết sẽ mãi giữ được giá trị thiêng liêng nếu chúng ta biết điều chỉnh cho phù hợp, thay đổi những thủ tục rườm rà. Thay vì sửa soạn, bày vẽ nhiều trong những ngày Tết, hãy dành thời gian nghỉ ngơi, trò chuyện, vui chơi cùng người thân, hàng xóm, bạn bè, cùng thưởng thức tách trà nóng, bộ phim hay, hay đơn giản là được “ngủ nướng” hơn những ngày thường...
Chỉ khi nào chúng ta chịu thay đổi cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, khi đó chúng ta mới có kỳ nghỉ Tết thật ý nghĩa và ấm áp.
TRƯƠNG HÀ