Tên anh đã thành tên đất nước

22/12/2019 16:51

Có một đặc điểm khá riêng biệt ở nước ta là nhiều vị tướng lĩnh anh hùng dân tộc đều mang trong mình tâm hồn của một thi nhân văn võ song toàn.

Có một đặc điểm khá riêng biệt ở nước ta là nhiều vị tướng lĩnh anh hùng dân tộc đều mang trong mình tâm hồn của một thi nhân văn võ song toàn. Ta vẫn còn nghe vang vọng lời hịch cũng chính là lời thơ gắn bó giữa người lính và tướng lĩnh trong Bình Ngô đại cáo của Trần Hưng Đạo: “Ta cùng các người sinh ra phải thời loạn lạc, lớn lên gặp buổi gian nan...".  Sau khi thắng giặc ngoại xâm, thượng tướng Trần Quang Khải đã sảng khoái viết lên vần thơ hào hùng: “Chương Dương cướp giáo giặc/ Hàm Tử bắt quân thù/ Thái bình nên gắng sức/ Non nước ấy ngàn thu”. Bác Hồ - vị lãnh tụ kính yêu, vị Tổng tư lệnh tối cao lên đài quan sát mặt trận Đông Khê và đã viết những dòng thơ tô đậm sức mạnh với khí thế quyết chiến quyết thắng: “Chống gậy lên non xem trận địa/ Vạn trùng núi đỡ vạn trùng mây/ Quân ta khí mạnh nuốt Ngưu Đẩu/ Thề diệt xâm lăng lũ sói cầy”. 

Thật lạ, đọc lại thơ viết về thời kỳ kháng chiến chống Pháp thấy rất nhiều bài thơ hay, sinh động về sự thiếu thốn vật chất nhưng người lính lại vô cùng lạc quan, thân thiện, gần gũi chân tình. Những người đồng đội, đồng chí: “Gặp nhau hồi chưa biết chữ/ Quen nhau từ buổi "một hai"/ Súng bắn chưa quen/ Quân sư mươi bài/ Lòng vẫn cười vui kháng chiến" khi họ bắt đầu gọi nhau là “đồng chí”. Hai tiếng gọi thân tình khi cùng chung đội ngũ với điệp khúc ngân vang: “Vì nhân dân quên mình/ Vì nhân dân hy sinh" trong lời một bài hát khá phổ biến trong quân đội. Nhân dân chính là đất nước. Nhân dân chính là bắt đầu từ các địa danh miền xuôi, trung du, miền ngược. Họ đã tự giới thiệu mình thật hồn nhiên và tự hào: “Quê hương anh nước mặn đồng chua/ Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá/ Anh với tôi đôi người xa lạ/ Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau/ Súng bên súng/ Đầu sát bên đầu/ Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ” (Chính Hữu). Từ những chiếc áo trấn thủ, chăn bông, mũ nạn thời chống Pháp đến mũ tai bèo, mái tăng chiếc võng chống Mỹ đều được hiện lên trong thơ. Lãng mạn và bay bổng biết bao khi người lính thi sĩ Nguyễn Duy đã ví mái tăng là “Bầu trời vuông”: “Sục sôi bom lửa chiến trường/ Tâm tư yên tĩnh vẫn vuông một vùng”. 

Có một mảng thơ khá đặc sắc và phong phú khi viết về người lính là thơ tình yêu: tình yêu lứa đôi của người chiến sĩ gắn với tình yêu đất nước. Bài thơ Nhớ của Nguyễn Đình Thi là nỗi nhớ tâm tình muôn thuở nhưng được đặt trong khung cảnh chiến tranh với tâm thế lớn lao, bao khát khao cháy bỏng, bao nỗi niềm chan chứa: “Anh yêu em như anh yêu đất nước/ Vất vả đau thương tươi thắm vô ngần". Người yêu - Em được trang trọng đặt ngang hàng đất nước để “Chúng ta yêu nhau chiến đấu suốt đời”. 

Người lính ra trận ai chẳng có những cuộc chia tay: “Con ra tiền tuyến xa xôi/ Yêu bầm yêu nước cả đôi mẹ hiền” (Tố Hữu). Có những cuộc chia ly trên cánh đồng lúa trong thơ Trần Hữu Thung: “Em tiễn anh lên đường/Chiếc xách mây anh mang/Em nách mo cơm nếp/ Lúa níu anh trật dép”. Chỉ một hình ảnh khá cụ thể và chọn lọc tiêu biểu: “Lúa níu anh trật dép” đã hàm chứa bao yêu thương gắn bó tâm tình gửi gắm tin cậy với người ra trận. Và còn có cả cuộc “Chia ly màu đỏ” khá lý tưởng của nhà thơ Nguyễn Mỹ: “Cái màu đỏ như màu đỏ ấy/Sẽ là bông hoa chuối đỏ tươi/Trên đỉnh dốc cao vẫy gọi đoàn người/Sẽ là ánh lửa hồng trên bếp/Một làng xa giữa đêm gió rét.../Nghĩa là màu đỏ ấy theo đi/Như không hề có cuộc chia ly...”. Đúng vậy, có thể chia ly cách xa về địa lý, về không gian nhưng không thể chia ly về khát khao lý tưởng niềm tin vào ngày chiến thắng. Người lính chính là trung tâm điểm nhấn của bức tranh hòa bình. Có một “tấm ảnh thơ” cận cảnh thật giản dị đời thường mà thần đồng thơ thiếu nhi Trần Đăng Khoa đã chớp được: “Cháu nghe chú đánh những đâu/ Những tàu chiến cháy, những tàu bay rơi/Đến đây chỉ thấy chú cười/Chú đi gánh nước chú ngồi đánh bi”. Thế đó, người chiến sĩ luôn mang trong mình một cội nguồn sâu thẳm, một gốc gác, một ký ức tuổi thơ đằm sâu để có lúc được tung tẩy hồn nhiên. Đó cũng chính là một trong những cắt nghĩa về sức mạnh tinh thần lớn lao của người lính Việt Nam, của anh bộ đội Cụ Hồ.


NGUYỄN NGỌC PHÚ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tên anh đã thành tên đất nước