Tấm gương về tự học và liêm khiết

22/11/2015 05:49

Vũ Khâm Lân thuở nhỏ có tên là Vũ Công Thận, người làng Ngọc Lặc (trước đây thuộc xã Ngọc Sơn, Tứ Kỳ, nay thuộc khu 13, phường Hải Tân, TP Hải Dương).




Nhà thờ ông nghè Vũ Khâm Lân ở khu 13, phường Hải Tân (TP Hải Dương)


Ông sinh năm 1703, không rõ mất năm nào.

Con nhà nghèo, ông phải lam lũ mưu sinh, nhưng nhờ ý chí sắt đá, cố công học tập mà đã thành đạt vẻ vang. Năm Đinh Mùi (1727), niên hiệu Thái Bảo thứ 8, ông đỗ tiến sĩ, lúc mới 24 tuổi.

Tính ông giản dị, hào hiệp và khảng khái. Khi làm quan, ông nổi tiếng thanh liêm và dám nói, dám làm. Ông còn có tài văn thơ và thao lược. Vì thế, năm Cảnh Hưng thứ 14, đời Hiến Tông (1753, Càn Long thứ 18 nhà Thanh), ông được cử làm chánh sứ sang Trung Quốc. Ông làm đến tham tụng rồi được phong chức đô ngự sử. Trong triều ông giỏi giang chính sự, ngoài triều ông thông thạo binh cơ, có nhiều công trạng, nên về sau được phong chức Thượng thư, tước Ôn như hầu.

Ông để lại nhiều tác phẩm như “Phủ Sát bí mật” nhưng bị thất truyền. Trong bài ký “Bạch Vân Am cư sĩ  Nguyễn Công Văn Đạt phổ ký” viết về thân thế và sự nghiệp Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Ôn như hầu Vũ Khâm Lân có lời bình nổi tiếng: “Tiên sinh có cái đức của thánh hiền, đáng dùng cho vương đạo, lại rơi vào thời bá đạo, nên không được dùng. Tiếc thay!”.

Theo gương ông, con ông là Vũ Cơ cũng đỗ tiến sĩ.

Hiện nay, tại nơi ông ra đời còn lưu giữ 2 ngôi nhà được hậu duệ đời thứ 8 của ông là ông Vũ Văn Thản, một cựu sĩ quan quân đội trông coi. Ngôi nhà ngang còn giữ chiếc giường mà gia đình còn gọi bằng tên cổ là “sàng”. Đây là một bằng chứng về tính liêm khiết của ông. Làm quan đầu triều nhưng của cải để lại chỉ là chiếc “sàng” bằng gỗ tầm thường, đóng kiểu dân dã. Ngôi nhà chính đã được trùng tu thành nhà thờ ông, còn giữ nguyên cột và vì kèo cũ. Trên bàn thờ là bức đại tự gồm 4 chữ “Nho Trung Lương Tướng” (nghĩa là vị tướng giỏi trong làng nho) do vua ban tặng. 2 hàng cột hai bên là 2 câu đối khắc trên gỗ vàng tâm bình thường nhưng nét chữ rất đẹp:

Câu đối trong của ông có nội dung:
Cách thiên sự nghiệp quang tiền cổ
Quán thế văn chương dụ hậu nhân.
Tạm dịch:  Sự nghiệp lớn lao làm sáng tỏ đời trước
Văn chương lẫy lừng làm rạng rỡ đời sau.
Câu đối ngoài của vua phong tặng có nội dung:
Kim khuyết nô ban ưu đỉnh nại.
Ngọc đường lân chỉ diệu khuê chương.
Tạm dịch: Cửa vàng làm nổi bật nơi quyền quý.
Nhà ngọc làm sáng tỏ nét văn chương.


Ở tường bên phải có treo khung kính giữ sắc phong ghi nhận công lao và tước vị của ông do vua ban tặng năm 1734.

Trong lịch sử khoa cử xưa, xét trên địa bàn TP Hải Dương chỉ có 3 ông nghè. Tiến sĩ Nguyễn Trác Luân quê ở Bình Lâu đã được đặt tên cho một phố nhỏ. Tiến sĩ Ôn như hầu Vũ Khâm Lân và con trai ông, tiến sĩ Vũ Cơ. Riêng tên ông dù rất xứng đáng đứng tên cho một đường phố to rộng trong thành phố quê hương nhưng đến nay vẫn chưa được vinh dự ấy.

NGUYỄN VĂN KHANG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tấm gương về tự học và liêm khiết