Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dẫn đầu Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao trực tuyến ASEAN lần thứ 38... là một trong những sự kiện nổi bật ngày 26.10.
TRONG NƯỚC
Ngày 26.10, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dẫn đầu Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao trực tuyến ASEAN lần thứ 38 cùng Lãnh đạo các nước ASEAN và Tổng Thư ký ASEAN. Đây là hoạt động mở đầu chuỗi các Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 38 và 39 và các Hội nghị Cấp cao liên quan diễn ra từ ngày 26-28.10. Cùng Thủ tướng tham dự Hội nghị tại đầu cầu Hà Nội còn có đại diện các cơ quan, đoàn thể của Việt Nam tham gia các kênh đối ngoại Đảng, Chính phủ, Nghị viện, nhân dân trong ASEAN. Trong ảnh: Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 38 tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: Dương Giang - TTXVN.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, sáng 26.10, các đại biểu Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Cảnh sát cơ động. Dự thảo Luật quy định cụ thể 07 quyền hạn của Cảnh sát cơ động, trong đó bổ sung thêm hai quyền hạn mới phù hợp với yêu cầu thực tế thực hiện nhiệm vụ của Cảnh sát cơ động. Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Việc sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, công nghiệp hóa và hiện đại hóa để chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển nhanh, bền vững dựa chủ yếu vào khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; đồng thời đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập kinh tế sâu rộng của Việt Nam hiện nay. Trong ảnh: Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN.
Sáng 26.10, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai tổ chức cuộc họp trực tuyến với 9 tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai Nguyễn Hoàng Hiệp chủ trì cuộc họp. Trong ảnh: Phó trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp phát biểu. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN.
Ngày 26.10, tại khu vực lòng hồ thủy điện Hòa Bình thuộc xã Song Pe, huyện Bắc Yên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La tổ chức Lễ thả bổ sung cá giống tái tạo nguồn lợi thủy sản các thuỷ vực trên địa bàn tỉnh Sơn La năm 2021. Tại buổi lễ, các đại biểu đã thả hơn 200 nghìn con cá giống, chủ yếu là các loại cá mè, chép, trôi và cá lăng... nhằm bổ sung một số giống, loài thủy sản có giá trị khoa học và kinh tế đang bị suy giảm, đa dạng hóa nguồn lợi thủy sản trong các thủy vực tự nhiên trên địa tỉnh Sơn La. Trong ảnh: Các đại biểu thả cá giống xuống khu vực lòng hồ thủy điện Hòa Bình. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN.
Ngày 26.10, Tòa án nhân dân huyện Thới Lai (TP Cần Thơ) mở phiên sơ thẩm xét xử vụ án hình sự “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích, Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Các bị cáo gồm: Trương Châu Hữu Danh (sinh năm 1982, trú tại TP Tân An, tỉnh Long An) và các thành viên trong nhóm “Báo Sạch” là Nguyễn Phước Trung Bảo (sinh năm 1982, trú tại quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng), Đoàn Kiên Giang (sinh năm 1985, trú tại Quận 1, TP Hồ Chí Minh), Nguyễn Thanh Nhã (sinh năm 1980, trú tại TP Thủ Đức, TPHồ Chí Minh), Lê Thế Thắng (sinh năm 1982, trú tại quận Cầu Giấy, TP Hà Nội). Riêng bị cáo Lê Thế Thắng đang được tại ngoại và có đơn xin xét xử vắng mặt. Trong ảnh: Bị cáo Trương Châu Hữu Danh (thứ hai từ phải sang) tại phiên xử xử. Ảnh: TTXVN.
Sáng 26.10, Tổ công tác liên ngành chống buôn lậu của tỉnh An Giang cho biết, vừa phối hợp với Công an huyện Châu Phú kiểm tra, phát hiện hơn 11.580 chai, gói thuốc trừ sâu, thuốc trừ bệnh, thuốc trừ cỏ, phân bón lá không hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ tại cửa hàng vật tư nông nghiệp “Bảy Phận” ở ấp Mỹ Thiện, xã Mỹ Đức, huyện Châu Phú, An Giang, do ông Hồ Hoàng Phận (sinh năm 1962) làm chủ. Trong ảnh: Lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện thuốc trừ sâu và bảo vệ thực phẩm tại cửa hàng vật tư nông nghiệp “Bảy Phận” tại ấp Mỹ Thiện, xã Mỹ Đức, huyện Châu Phú, An Giang. Ảnh: TTXVN.
Ngày 26.10, một vụ cháy lớn xảy ra tại kho chứa vật liệu tổ chức sự kiện của Công ty TNHH Lá Trường Xuân (số nhà 112-114, Đường số 3, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh. Do đây là kho chứa đồ chuyên trang trí sự kiện với nhiều mút xốp, nhựa, vải, đồ gỗ, nến... nên đám cháy bùng phát mạnh. Thống kê thiệt hại ban đầu cho thấy, diện tích cháy vào khoảng 200 trong tổng số 260m2 diện tích của kho. Lực lượng chức năng đã kịp thời khống chế vụ cháy, bảo vệ nhiều nhà dân xung quanh. Nguyên nhân gây cháy đang được điều tra làm rõ. Trong ảnh: Cảnh sát nỗ lực chữa cháy. Ảnh: Thành Chung - TTXVN.
TRONG TỈNH
Chiều 26.10, đồng chí Nguyễn Thị Ngọc Bích, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh dự buổi làm việc của Ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh với Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) về nội dung trình HĐND tỉnh chấp thuận bổ sung danh mục công trình, dự án đề nghị thu hồi đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa để thực hiện các công trình, dự án phát sinh trong năm 2021 trên địa bàn tỉnh; chấp thuận điều chỉnh giảm chỉ tiêu phân bổ đất khu công nghiệp (KCN) Thanh Hà, bổ sung cho KCN Phúc Điền mở rộng. Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh cơ bản nhất trí với nội dung tờ trình của Sở TNMT. Đề nghị Sở TNMT tiếp tục thẩm tra, rà soát các danh mục dự án, công trình đầu tư để bảo đảm sử dụng tiết kiệm, phát huy hiệu quả nguồn lực đất đai. Sáng cùng ngày, đồng chí Nguyễn Thị Ngọc Bích cũng dự buổi làm việc của các ban: Văn hóa - xã hội, Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh với Sở Tài chính về phương án mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng học phí tại các trường mầm non, giáo dục phổ thông công lập thuộc tỉnh quản lý năm học 2021 - 2022; quy định giá, mức hỗ trợ sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi trên địa bàn tỉnh năm 2021... Trong ảnh: Đồng chí Nguyễn Thị Ngọc Bích, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Phan Anh
QUỐC TẾ
Ngày 26.10, Điện Kremlin thông báo Tổng thống Nga Vladimir Putin đã điện đàm với Thủ tướng Anh Boris Johnson. Theo Điện Kremlin, hai nhà lãnh đạo đạt được một số đồng thuận bất chấp các vấn đề còn tồn tại, đồng thời thiết lập hợp tác giữa Moskva và London trong một số lĩnh vực. Đặc biệt, Tổng thống Putin và Thủ tướng Johnson đã nhất trí củng cố thỏa thuận hạt nhân lịch sử, được ký kết giữa Iran và P5+1 hồi năm 2015. Đây là yếu tố quan trọng trong việc duy trì cơ chế không phổ biến vũ khí hạt nhân và đảm bảo an ninh toàn cầu. Hai nhà lãnh đạo thống nhất sẽ duy trì liên lạc về các vấn đề được thảo luận trong cuộc điện đàm. Trong ảnh: Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Thủ tướng Anh Boris Johnson. Ảnh: THX/TTXVN.
Ngày 26.10, Trung Quốc bắt đầu tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 3-11 tuổi trong bối cảnh nước này đang đối phó với sự xuất hiện trở lại của biến thể Delta và số ca mắc gia tăng. Theo truyền thông địa phương, nhiều nơi trên toàn Trung Quốc đang triển khai tiêm các vaccine của các hãng Sinovac và Sinopharm cho trẻ từ 3-11 tuổi. Hai loại vaccine này đã được tiêm cho trẻ từ 12 tuổi trở lên ở nước này. Trong ảnh: Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho trẻ nhỏ tại Hohhot, Khu tự trị Nội Mông, Trung Quốc ngày 24.10. Ảnh: THX/TTXVN.
Ngày 26.10, Cơ quan Nội chính Hoàng gia Nhật Bản (IHA) thông báo Công chúa Mako, năm nay 30 tuổi, đã kết hôn với bạn trai Kei Komuro, một thường dân, đang làm việc cho một công ty luật ở New York (Mỹ). Công chúa Mako là cháu gái của Nhật hoàng Naruhito. Do kết hôn với vị hôn phu là thường dân, Công chúa Mako sẽ phải từ bỏ tước vị của mình và có tên họ mới là Mako Komuro theo Luật Hoàng gia. Công chúa Mako sẽ trở thành người phụ nữ thứ 9 trong Hoàng gia Nhật cưới một thường dân kể từ khi Luật hoàng gia mới có hiệu lực sau chiến tranh thế giới thứ hai. Trong ảnh: Công chúa Nhật Bản Mako và chồng Kei Komuro tại cuộc họp báo sau hôn lễ tại Tokyo ngày 26.10. Ảnh: Kyodo/TTXVN.