Lãnh đạo Bộ Y tế kiểm tra tình hình tiếp nhận điều trị bệnh nhân và chúc tết cán bộ nhân viên y tế đang làm việc tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi là sự kiện nổi bật ngày 11.2.
TRONG NƯỚC
Sáng 11.2 (30 Tết), Đoàn công tác Tổ thường trực đặc biệt phòng chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại TP Hồ Chí Minh do Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn làm trưởng đoàn đã đến kiểm tra tình hình tiếp nhận điều trị bệnh nhân và chúc tết cán bộ nhân viên y tế đang làm việc tại Bệnh viện Bệnh lý hô hấp cấp tính Củ Chi (Bệnh viện Dã chiến) - nơi đang điều trị cho 43 trường hợp mắc COVID-19 của TP Hồ Chí Minh, thành lập từ ngày 10.2. Bệnh viện Bệnh lý hô hấp cấp tính Củ Chi đã tiếp nhận, điều trị cho 177 bệnh nhân mắc COVID-19 và thực hiện cách ly hơn 800 trường hợp thuộc diện F1. Trong ảnh: Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn kiểm tra tình hình hoạt động của Bệnh viện Bệnh lý hô hấp cấp tính Củ Chi. Ảnh: Đinh Hằng - TTXVN
Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ngày 11.2 (30 Tết), tại trụ sở của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam phối hợp với Tập đoàn TTC và Công ty CP Y tế DHA (DHA Healthcare) bàn giao xe khám bệnh lưu động lấy mẫu và xét nghiệm nhanh COVID-19. Xe đáp ứng đủ tiêu chí để có thể phục vụ cho công tác lấy mẫu, xét nghiệm nhanh, chụp X-quang... chẩn đoán mức độ thương tổn phổi đối với những trường hợp nghi ngờ bệnh. Trong ảnh: Xe khám bệnh lưu động được bàn giao tại trụ sở Sở Y tế TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Mỹ Phương - TTXVN
Sáng 11.2 ( 30 Tết), tại Bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 số 2 ở Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương, đại diện Bộ Y tế và các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương đã trao giấy ra viện cho 27 bệnh nhân COVID-19 của Hải Dương. Trong số các bệnh nhân này, có 2 bệnh nhân là phụ nữ có thai. Tính đến nay, Hải Dương đã có 30 bệnh nhân COVID-19 được điều trị khỏi bệnh, xuất viện. Trong ảnh: Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế trao giấy ra viện và chúc mừng các bệnh nhân. Ảnh: Mạnh Minh- TTXVN
Chiều 11.2, Văn phòng Ban chỉ đạo ứng phó với biến đổi khí hậu – Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh An Giang thông tin vừa xảy ra một vụ sạt lở đất bờ sông nghiêm trọng ở bờ Tây sông Hậu đoạn phía dưới bến đò Đồng Ky khoảng 50m, thuộc ấp Quốc Khánh, xã Quốc Thái, huyện An Phú, tỉnh An Giang. Vụ sạt lở xảy ra vào khoảng 17 giờ ngày 10.2 (tức 29 Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021), chiều dài vết sạt lở khoảng 50m, ăn sâu vào đất liền khoảng 60m. Rất may không có thiệt hại về người, gây ảnh hưởng đến 3 nhà dân, buộc phải di dời khẩn cấp đến nơi an toàn. Trong ảnh: Hiện trường vụ sạt lở. Ảnh: Công Mạo - TTXVN
Thực hiện Nghị định 137/2020/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo, Công ty TNHH MTV Hoá chất 21 (thuộc Bộ Quốc Phòng) là doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam sản xuất các loại pháo hoa được sử dụng trong các ngày lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi hoặc các sự kiện văn hóa nghệ thuật. Công ty đã sản xuất 6 loại pháo hoa không tiếng nổ phục vụ thị trường Tết Tân Sửu. Người mua pháo hoa sử dụng phải là “người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ”, phải kê khai tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại và chứng minh thư hoặc thẻ căn cước; phiếu xuất hàng phải có chữ ký của người bán, người mua. Tại Hà Nội, người mua khá đông, các điểm bán sẽ phục vụ người dân đến khi hết hàng. Trong ảnh: Người dân Hà Nội mua pháo hoa Tết. Ảnh: Trần Việt - TTXVN
Không khí đón Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 tràn về khắp nơi trên địa bàn TP Đà Nẵng, nhiều tuyến đường trung tâm thành phố trang hoàng rực rỡ cờ hoa, đèn màu lung linh trong đêm, người dân thành phố đang háo hức đón xuân mới với niềm tin, hy vọng vào năm Tân Sửu bình an, hạnh phúc. Trong ảnh: Đà Nẵng rực rỡ sắc xuân đón Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN
QUỐC TẾ
Trong cuộc điện đàm đầu tiên với Tổng thống Mỹ Joe Biden sáng 11.2 (giờ Việt Nam), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng Bắc Kinh và Washington nên tái lập các cơ chế đối thoại đa dạng để hiểu chính xác ý định chính sách của nhau cũng như tránh những hiểu lầm và tính toán sai. Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định khôi phục và thúc đẩy mối quan hệ Trung - Mỹ là bước phát triển quan trọng nhất trong quan hệ quốc tế hơn nửa thế kỷ qua và hơn thế nữa. Trong ảnh (tư liệu): Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và ông Joe Biden (trái), khi đang giữ chức Phó Tổng thống Mỹ tại cuộc gặp ở Bắc Kinh ngày 4.12.2013. Ảnh: AFP/TTXVN
Ấn Độ và Trung Quốc đã nhất trí rút quân khỏi khu vực hồ tranh chấp ở phía Tây dãy Himalaya. Đây được coi là một bước đột phá sau nhiều đối đầu căng thẳng giữa hai bên tại khu vực biên giới. Phát biểu tại quốc hội ngày 11.2, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh cho biết hai bên đã đạt được thỏa thuận sau vài vòng đàm phán giữa các tướng lĩnh quân đội cũng như các nhà ngoại giao. Ông nêu rõ: "Các cuộc đàm phán liên tục của chúng tôi với Trung Quốc đã giúp tạo ra một thỏa thuận về việc rút quân ở bờ Bắc và bờ Nam hồ Pangong". Trong ảnh: Binh sĩ Ấn Độ tuần tra tại khu vực biên giới với Trung Quốc ngày 17.7.2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cho biết Iran bắt đầu sản xuất kim loại urani, hành động đi ngược lại các nội dung trong thỏa thuận hạt nhân giữa Iran với các cường quốc, có tên gọi đầy đủ là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA). Theo thông báo ngày 10.2, IAEA nêu rõ đã "kiểm chứng được 3,6 gr kim loại urani trong nhà máy chế tạo tấm nhiên liệu của Iran tại Esfahan". Đây được xem là một vấn đề nhạy cảm vì kim loại urani có thể được sử dụng như một thành phần trong việc chế tạo vũ khí nguyên tử. Trong ảnh: Bên trong một nhà máy điện hạt nhân ở miền Nam Iran. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo trang thống kê worldometers.info, đến 9 giờ ngày 11.2 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 trên thế giới hiện là 107,8 triệu người, trong đó 2.363.273 người tử vong. Bị ảnh hưởng nhiều nhất là Mỹ, nước hiện đã ghi nhận 27.896.463 ca nhiễm, Ấn Độ đứng thứ hai với số ca nhiễm gần bằng một nửa của Mỹ (10.871.060 ca). Trong ảnh: Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện ở Portimao, Bồ Đào Nha ngày 9.2.2021. Ảnh: AFP/TTXVN